Thực phẩm “bẩn” chứa hóa chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật… gây bệnh cho con người đang là một vấn nạn đối với sức khỏe cộng đồng. Kết quả kiểm tra, giám sát sản phẩm nông sản trong 9 tháng đầu năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận, có tới 10,3% mẫu rau tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép.
Con người đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật từ các loại thực phẩm chứa hóa chất độc hại
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, trước đây các mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chỉ khoảng 5% tương đương với các nước trong khu vực, nhưng hiện nay, con số này tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi. Đây là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, cơ quan chức năng cũng phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc salbutamol dù chất này đã bị cấm sử dụng. Tiếp đó là 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh đó, người dân đã phải tự tìm cách để bảo vệ sức khỏe của mình. Một trong những phương pháp lâu nay được quảng bá mang tính hiệu quả tuyệt đối là sử dụng công nghệ ozone để “tẩy uế” cho thực phẩm.
Công nghệ ozone được quảng bá diệt 99,9% hóa chất, vi khuẩn trong thực phẩm
Tại buổi giới thiệu các sản phẩm công nghệ ozone của một công ty kinh doanh tổ chức ở TPHCM ngày 27/10, người đại diện của công ty cho biết: “Ozone là một chất khí, có khả năng oxy hóa cực mạnh, công thức hoá học là O3. Đây là một phân tử không bền vững, dễ phân hủy trong thời gian ngắn, nếu được tiếp xúc với hơi nước hoặc những thành phần tạp chất khác thì sự phân hủy sẽ nhanh hơn. Ozone khi tiếp xúc với các chất hữu cơ dễ phân hủy bởi vi khuẩn, một phản ứng hóa học sẽ diễn ra trong khoảng 1/10 giây, các tế bào bị mất oxy sẽ bị lão hóa và chết đi rất nhanh. Chỉ cần từ 1 giây đến 10 giây thì 99,9% vi khuẩn và hóa chất độc hại có trong thực phẩm sẽ bị diệt hoàn toàn. Đó là nguyên lý diệt khuẩn, khử mùi của ozone.”
Tuy nhiên, sự thần kỳ của phương pháp trên ngay lập tức đã bị những người tham dự sự kiện hoài nghi. Ông Nguyễn Hải Triều, Tổng giám đốc một công ty chuyển sản xuất kinh doanh thủy sản tại TPHCM cho hay: “Tôi đã sử dụng phương pháp ozone nhiều năm qua cho dây truyền sản xuất chế biến thủy sản nhưng không thấy tính hiệu quả. Với những loại hóa chất, vi khuẩn nằm sâu trong thực phẩm thì việc rửa nước ozone, sục khí ozone có tác dụng diệt 99,9% vi khuẩn gây hại và hóa chất tồn dư trong thực phẩm hay không?”
Trước vấn đề trên, ông Cameron Tapp một chuyên gia về công nghệ ozone đến từ Hoa Kỳ, cho hay: “Nếu vi khuẩn hoặc hóa chất đã ngấm sâu vào thực phẩm và không tiếp xúc được với ozone thì ozone sẽ không thể tiêu diệt chúng, mặt khác với những hóa chất có tính bền vững thì ozone cũng không thể tẩy được.”
Vị chuyên gia trên cho biết thêm, ozone không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt cả vi khuẩn có lợi. Cái gì cũng có giới hạn của nó, ozone không phải là một phép màu để có thể làm sạch hoàn toàn thực phẩm từ trong ra ngoài.
Từ ý kiến của chuyên gia, ông Nguyễn Hải Triều cho rằng, việc đưa thông tin về thời gian từ 1 giây đến 10 giây để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và hóa chất độc hại trong thực phẩm là thuật ngữ không chính xác, dễ gây hiểu lầm cho cộng đồng.
Công nghệ ozone ứng dụng trong vệ sinh thực phẩm có chăng chỉ diệt được vi khuẩn, loại bỏ hóa chất nguy hại ở ngoài bề mặt. Tác dụng nêu trên của công nghệ ozone cũng chỉ tương đương với phương pháp rửa thực phẩm dưới vòi nước sạch và gọt bỏ vỏ các loại rau củ quả trước khi sử dụng.”
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét