Người bị... mập ra do thuốc

08:38 |

Người bị... mập ra do thuốc

Trước khi dùng một loại thuốc nào đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ xem thuốc này có gây tăng cân cho những bệnh nhân trước đó không.

Khi bắt đầu sử dụng những loại dược phẩm để điều trị một loại bệnh nào đó, một số bệnh nhân nhận thấy bỗng nhiên họ tăng cân và dược phẩm thường được cho là chịu trách nhiệm về sự tăng cân này. Nói như vậy có thể đúng mà cũng có thể sai.
Nguyên nhân
Tất cả các loại dược phẩm đều có tác dụng phụ mà giới y học gọi là “tần suất rủi ro” của thuốc. Một số bệnh nhân khi bị tăng cân đã quên rằng họ đang thay đổi lối sống hoặc giảm các hoạt động thể chất. Vì vậy, trước khi “đổ tội” cho thuốc, cần phải xem xét nhiều khía cạnh.
Để đưa sự tăng cân vào danh sách tác dụng phụ của thuốc, các bệnh nhân tham gia thí nghiệm được phân vào cùng một nhóm sử dụng thuốc. Một số nhóm thuốc đã được xác định là có tác dụng phụ gây tăng cân. Nhưng những nhóm thuốc khác, chẳng hạn như một vài loại thuốc trị trầm cảm, có một số kết quả pha trộn.
Những thuốc gây tăng cân cũng có thể làm tăng sự thèm ăn ở bệnh nhân, kích thích bệnh nhân ăn nhiều hơn hoặc làm giảm sự chuyển hóa. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tăng cân do những thuốc này gây ra, họ có thể giảm cân một cách dễ dàng. Nếu bạn vẫn tập thể dục đều đặn, không ăn nhiều nhưng vẫn tiếp tục tăng cân thì loại thuốc mà bạn đang sử dụng có thể là thủ phạm của sự tăng cân đó.

Tập thể dục có thể tiêu thụ những calorie dư thừa do tác dụng phụ của một số loại thuốc (Ảnh: Tấn Thạnh)
Tập thể dục có thể tiêu thụ những calorie dư thừa do tác dụng phụ của một số loại thuốc (Ảnh: Tấn Thạnh)
Những loại thuốc gây tăng cân
1. Thuốc kháng trầm cảm: Cách đây không lâu, một nghiên cứu đã chứng minh rằng các thuốc trầm cảm tricylic (Elavil và Toframil) gây giảm thiểu tốc độ chuyển hóa đến 10%. Điều này làm cho cơ thể tăng khoảng 450 g trong vòng 7-10 ngày (nếu vẫn giữ thói quen ăn uống như thường lệ). Những loại thuốc kháng trầm cảm thế hệ cũ này sẽ tác động các chất dẫn truyền thần kinh, gây ra một loạt tác dụng phụ mà nổi bật nhất là gây tăng cân. Những thuốc kháng trầm cảm mới hơn không có tác dụng phụ đó.
2. Thuốc trị tâm thần và ổn định trạng thái: Những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), loạn thần kinh (schizophrene) hoặc những rối loạn tâm thần khác có thể được kê Zyprexa (olanzapine) hoặc Risperdal. Cả 2 loại thuốc trên có liên quan đến sự tăng cân nhưng chúng được xem là tốt hơn những loại thuốc cũ như Haldol.
Lithium thì khá “nổi đình nổi đám” trong việc gây tăng cân. Có từ 1/3 đến 2/3 bệnh nhân sử dụng Lithium được báo cáo là có tác dụng tăng cân.
Những bệnh nhân sử dụng Lithium có thể tăng 9-12,5 kg/năm.
3. Thuốc chống động kinh: Một thuốc trị động kinh phổ biến valproate có thể làm cho bệnh nhân tăng hơn 20 kg/năm.
4. Thuốc trị đau nửa đầu: Những loại thuốc này có thể gây tăng cân ngay khi vừa sử dụng.
5. Thuốc kháng dị ứng: Tăng cân chỉ xảy ra một cách hiếm hoi.
6. Thuốc chẹn beta (beta blocker): Những loại thuốc trị cao huyết áp như Atenolol có thể đôi lúc gây tăng cân.
7. Steroid: Những loại steroid như glucocorticoid và cortisone dùng trong điều trị những căn bệnh về viêm khớp, thấp khớp, viêm mãn tính... Bệnh nhân sử dụng steroid đã báo cáo rằng họ cảm thấy thèm ăn, mau đói...
8. Thuốc tránh thai: Những loại thuốc tránh thai có thể làm tăng cân vì hàm lượng estrogen làm cho cơ thể bị giữ nước.
Ngoài ra, insulin và những loại thuốc trị tiểu đường cũng có thể gây tăng cân.
Cách phòng tránh
Trước khi bạn sử dụng một loại thuốc nào đó, cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để biết loại thuốc này có gây tăng cân cho những bệnh nhân trước đó hay không. Thậm chí, nếu tăng cân không được liệt kê trong những tác dụng phụ của thuốc thì nếu bạn tăng cân cũng phải báo cho bác sĩ biết, nhờ đó bác sĩ có thể biết dạng bệnh nhân nào có thể bị tăng cân.
Một điều đáng lưu ý là một số bệnh nhân khi đang dùng thuốc và bị tăng cân, họ lập tức ngưng sử dụng thuốc cho dù chưa được xác định rõ là do thuốc hay do một nguyên nhân khác. Vì thế, nếu bạn nghi ngờ mình đang bị tăng cân thì cũng không nên ngưng sử dụng thuốc.
Trong trường hợp gặp phải một dược phẩm kích thích sự thèm ăn, bạn cần phải tỏ ra là một người ăn uống “sành điệu”, hay nói cách khác, hãy suy nghĩ trước khi ăn. Chú trọng những loại thức ăn có calorie thấp vì chúng giúp bạn cảm thấy no nhưng sẽ không làm bạn béo phì. Nên ăn nhiều rau cải và trái cây thay vì bánh kẹo hoặc snack.
Có thể nhai một mẩu kẹo cao su không đường (sugarless gum) nếu bạn cảm thấy đói cồn cào. Thức uống cũng nên chọn những loại có calorie thấp.
Bên cạnh đó, cũng cần các hoạt động thể chất như đi bộ cầu thang thay vì sử dụng thang máy. Với những điểm đến tương đối gần, nên đi bộ thay vì sử dụng xe gắn máy, điều này giúp giải quyết lượng calorie dư thừa.
Nên tập thể dục đều đặn 3-4 lần trong ngày. Trong khi chưa có cách gì để can thiệp vào những tác dụng phụ gây tăng cân của thuốc, tập thể dục có thể tiêu thụ những calorie dư thừa và tạm thời hỗ trợ cho sự chuyển hóa.
Đọc tiếp…

Bộ trưởng Y tế thị sát khám chữa bệnh phục vụ Tết tại 4 bệnh viện lớn

09:12 |

Bộ trưởng Y tế thị sát khám chữa bệnh phục vụ Tết tại 4 bệnh viện lớn

 Nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết ngày 3/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc thị sát các bệnh viện tại TPHCM. Bộ trưởng yêu cầu bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, nhân sự và phương tiện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Theo đó, bốn bệnh viện được Bộ trưởng đích thân đi thị sát gồm: bệnh viện Ung Bướu; bệnh viện Nhi Đồng 2; bệnh viện nguyễn Trãi và bệnh bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu, TPHCM, cho hay: Bệnh viện đã chuẩn bị trực tết, trực lãnh đạo, cùng các nhân sự khoa lâm sàng, cận lâm sàng, điều dưỡng, đảm bảo vấn đề an ninh, phòng chống cháy nổ, trực tiếp dân, đường dây nóng do lãnh đạo bệnh viện phụ trách.

Bộ trưởng Kim Tiến ân cần thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện Ung Bướu
Bộ trưởng Kim Tiến ân cần thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện Ung Bướu
Theo thống kê của bệnh viện, đến nay có khoảng 700 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Một số bệnh nhân sẽ về quê vào những ngày cuối cùng của năm. Để hỗ trợ người bệnh và thân nhân, bệnh viện đã chuẩn bị xe đưa bệnh nhân, thân nhân về quê tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Cà Mau. Số bệnh nhân tham gia trên các chuyến xe dự kiến khoảng 350 người. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những bệnh nhân ở lại bệnh viện.
Cảm thông với cảnh khó khăn phải đón tết xa nhà của người bệnh và thân nhân, đồng thời mong muốn hỗ trợ một phần dinh dưỡng, động viên tinh thần những đối tượng nêu trên, thông qua Phòng công tác xã hội bệnh viện Ưng Bướu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã quyết định trích tiền túi giúp bà con 10 thùng sữa và 10 thùng mỳ tôm.
Báo cáo về các hoạt động trong năm 2015 của bệnh viện BS Diệp Bảo Tuấn cho hay, trong năm qua, công tác giảm tải đã được bệnh viện rốt ráo thực hiện với những đề án liên kết công tư giữ bệnh viện Ung Bướu và bệnh viện Hồng Đức. Từ sự hợp tác này, mỗi tháng có khoảng 80 bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật, góp phần giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
10 thùng sữa và 10 thùng mỳ tôm được Bộ trưởng Kim Tiến trích tiền túi hỗ trợ người bệnh
10 thùng sữa và 10 thùng mỳ tôm được Bộ trưởng Kim Tiến trích tiền túi hỗ trợ người bệnh
Bên cạnh đó, từ chủ trương xã hội hóa, bệnh viện đã đầu tư máy CT cắt lớp 64 lát, nhờ đó bệnh nhân có chỉ định được chụp ngay trong ngày, không phải chờ đợi kéo dài như trước đây. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Ung Bướu đã thành lập phòng Công tác Xã hội với đơn vị chăm sóc khách hàng kịp thời ghi nhận và xử lý những thông tin liên quan đến công tác chuyên môn.
Trọng tâm của việc giảm tải đã được bệnh viện triển khai trên cơ sở các bệnh viện vệ tinh tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ, bệnh viện Quân Y 175. Thành công của việc nâng cao chất lượng chuyên môn, trang thiết bị tại hệ thống bệnh viện vệ tinh đã góp phần giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, hạn chế tình trạng nằm ghép.
Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh sau khi quy định chuyển tuyến đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế đang gây ra một số tác động ngược, bởi số bệnh nhân tới khám tại bệnh viện Ung Bướu vẫn tăng 10% so với 2014, nhưng số bệnh nhân có bảo hiểm y tế giảm từ 44% trong năm 2014 xuống còn 24% năm 2015. Điều đó cho thấy, bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng đến mà chấp nhận vượt tuyến đến Ung Bướu điều trị.
Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện tăng cường công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân trong dịp Tết
Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện tăng cường công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân trong dịp Tết
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc bệnh viện, cho hay, mặc dù bệnh viện đã triển khai nhiều khoa bệnh vệ tinh tại bệnh viện Quận 2, Quận 9, Quận 4 và huyện Cần Giờ, khả năng mỗi đơn vị có thể đáp ứng khám và điều trị khoảng 150 - 200 bệnh nhân trong ngày, nhưng tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được đẩy lùi.
Nhi Đồng 2 không phải là nơi khám chữa bệnh ban đầu nhưng có tới 95% bệnh nhi ngoại trú tại thành phố và các tỉnh thành lân cận vẫn chấp nhận vượt tuyến đến đây để khám chữa bệnh mà không cần hưởng bảo hiểm y tế. Trong khi đó, bệnh nhân nội trú cũng chỉ có 80% có bảo hiểm y tế, nhóm trẻ dưới 6 tuổi chiếm tới 75%.
Tương tự hai bệnh viện trên, trong buổi làm việc với bệnh viện Nguyễn Trãi và bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn các chiến lược giảm tải, nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bộ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm túc việc trực đường dây nóng, xử lý nhanh và triệt để đối với các sai phạm của cán bộ viện chức, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đẩy đủ nhân lực, thuốc men và vật tư trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh đặc biệt là dịch Zika có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên Đán. Các bệnh viện phải chủ động đảm bảo an toàn trong chăm sóc và điều trị, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh của nhân dân trong những ngày nghỉ Tết
Đọc tiếp…

Chuyên gia tư vấn cách bảo vệ mắt trong dịp Tết

16:37 |

Chuyên gia tư vấn cách bảo vệ mắt trong dịp Tết

Chấn thương mắt phải nhập viện trong dịp lễ Tết thường tăng đột biến và thị lực sau điều trị thường giảm sút ít nhiều. Để phòng tránh những nguy cơ này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của BS Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương:

Lại một năm mới sắp đến. Ngành y tế đang tất bật lo tết cho nhân viên và bệnh nhân còn ở lại trong bệnh viện, các tua trực và các đội cấp cứu cũng đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chắc chắn là tôi sẽ có một ngày trực viện chẳng vui vẻ gì nếu không nói là mệt nhòai và kinh hòang trong chuỗi ngày nghỉ mừng năm mới.
BS Hoàng Cương đang khám mắt cho 1 bệnh nhân
BS Hoàng Cương đang khám mắt cho 1 bệnh nhân
Ai đó là bác sĩ, nhất lại là bác sĩ khoa chấn thương thì đã quá quen với các tai nạn máu me bê bết, con mắt xẹp lép đầy máu, bệnh nhân đau đớn và khuôn mặt tái mét luôn miệng run rẩy hỏi “có cứu được không bác?” Gia đình, người thân của họ thì nườm nượp ở ngoài. Tất cả đều lo lắng, giầu hai con mắt, khó hai bàn tay mà. Trách nhiệm đè nặng lên giới chuyên môn chúng tôi, cả căng thẳng và xung đột nữa.
Xong đợt điều trị thị lực của những bệnh nhân chấn thương nhãn cầu thường thiệt hại ít nhiều nếu không nói là đáng thất vọng. Bởi con mắt chỉ có thể tích 4cm3, cấu trúc thần kinh quang học rất tinh vi. Chất thương dù là nhẹ cũng có thể gây xê dịch hay tổn hại cấu trúc bên trong của nó. Khả năng nhiễm trùng cực cao, các mô lại phần lớn không thể tái sinh như các mô phần mềm khác...Như vậy thì đừng nên để xảy ra chấn thương mắt.
Thật vui khi biết người Mỹ thống kê là có tới 90% tai nạn mắt có thể phòng tránh được, 50% chỉ đơn giản là đeo kính khi có mặt ở trong điều kiện nhạy cảm cho mắt. Như vậy chúng ta có nhiều lợi điểm để đương đầu tốt với tai nạn mắt? Nhưng trên thực tế thì lại không, ở Mỹ hàng ngày vẫn có 1.000 người nhập viện vì tai nạn mắt, ở ta chắc cũng khoảng như vậy vì tuy dân số ít hơn họ nhưng độ liều và ẩu thì hơn dân Mỹ nhiều. Suy cho cùng thì tai nạn luôn có yếu tố là thiên định, do hoàn cảnh: một cơn gió mang theo cát bụi, một cành cây bỗng dưng gãy rời rơi xuống, lở đất đá... những cái đó không ai tránh được.
Luôn đi kèm thiên định là nhân định đó chính là môi trường sống của chúng ta, cách bố trí cuộc sống, sự bất cẩn vội vã của con người...cũng gây nạn cho chính chúng ta.
47% tai nạn mắt xảy ra lứa tuổi 18-45, lứa tuổi lao động kiếm sống, 25% chấn thương mắt trên trẻ em. Như vậy tai nạn mắt tấn công vào dân số trẻ và các công dân tương lai. Phòng tránh tai nạn mắt muốn làm tốt phải có sự tham gia của tòan xã hội, các biện pháp phòng ngừa phải thường xuyên và rộng khăp. Chúng ta sẽ bàn tới phòng ngừa ngay sau đây.
Tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng ở nhà là nhiều nhất 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hòan cảnh khác.
1. Tai nạn sinh hoạt, tai nạn khi ở nhà: càng ngày tết người ta càng ngập đầu bởi những công việc dọn dẹp, trang trí, nấu nướng. Người lớn thì vậy còn trẻ con thì được nghỉ học, tự vui chơi. Hai yếu tố này cộng lại làm tỷ lệ tai nạn tại gia tăng vọt trong dịp lễ tết: cành cây chọc vào mắt, mỡ nóng bắn vào mắt, va đập hoặc bị vật sắc nhọn chọc vào khi vui đùa...
Đeo kính bảo hộ trong những công việc có thể nguy hiểm đến mắt là biện pháp phòng ngừa chính chứ không phải là độ khéo tay. Các vị nội trợ hãy hình dung kính sẽ hữu hiệu ra sao nếu bạn phải lau chùi nhà vệ sinh và khu bếp bằng các loại dịch tẩy rửa có độ axít hay xút cao, khi chúng ta lấy đồ trong vi sóng hay lò nướng hay đang xào nấu với chảo mỡ.
Mở chai sâm-panh, chai bia, nắp lon trong những năm gần đây cũng gây nhiều tai nạn. Các đấng mày râu nên cẩn trọng khi thực hiện những thao tác này.
Còn trẻ em thì sao?
Người lớn xểnh ra không để ý thì trẻ em có nguy cơ bị tai nạn. Ngày vui bỗng hóa buồn thảm là do vậy. Dặn dò, tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ, giám sát là chưa đủ. Tai họa có khi chính là món quà hay đồ chơi chúng ta tặng trẻ em.
Tết năm 2010 bệnh viện Mắt TƯ đã cấp cứu hàng chục vụ tai nạn do súng bắn bi, pháo hoa, pháo thăng thiên có xuất xứ từ Trung Quốc. Đành rằng trong những dịp lễ tết rất khó từ chối yêu cầu về đồ chơi của trẻ em, nhưng chúng ta nên biết từ chối chính vì sự an tòan của chúng.
Các bác sỹ nhãn khoa khuyên các bậc cha mẹ nên xem kỹ những ghi chú trên đồ chơi, để từ đó chọn lựa được những món quà phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ. Tránh mua đồ chơi có những chi tiết nhọn, nhô ra hoặc có thể bắn ra được. Luôn để mắt đến bọn trẻ khi chúng chơi những đồ chơi hoặc những trò chơi có nguy cơ gây chấn thương.
Tai nạn khi tham gia sửa chữa nhỏ, trang trí trong nhà cũng không hiếm và thường rất nặng. Đeo kính bảo hộ và cẩn trọng khi khoan tường, khi đóng đi, khi dùng máy mài, máy đánh bóng, cưa cắt...vì những hoạt động này hay làm các mảnh vụn kim loại bắn ra xuyên vào mắt. Đừng để trẻ em vây quanh xem ngó người lớn làm việc. Còn chính người lớn thì nên đeo kính hoặc tốt hơn là tấm che mặt bằng plastic khi tham gia những công việc có thể gây hại cho mắt.
Với nhiều người Việt Nam, cành đào cây quất và một vài loại cây cảnh khác là linh hồn của ngày Tết. Thế nhưng, ẩn chứa trong đó là những mối nguy hiểm: những bóng đèn nhấp nháy và những vật trang trí khác. Những nhánh đào chĩa ra có thể nguy hiểm cho mắt. Thế nên, bạn phải hết sức cẩn thận khi lại gần hoặc di chuyển cây cảnh trong nhà bạn. Nên treo những vật trang trí làm bằng thủy tinh cách xa tầm với của trẻ để tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc.
2. Chơi thể thao, du lịch , dã ngoại: tết là dịp nghỉ lễ dài ngày. Nhiều người chọn các môn thể thao hay du lịch, dã ngoại làm thú vui.
Chấn thương mắt khi chơi thể thao là nguyên nhân phổ biến gây mù loà vĩnh viễn vì những tương tác khi chơi thể thao là rất mạnh. Tại Mỹ có khoảng 40.000 ca chấn thương mắt do chơi thể thao mỗi năm. Nếu không bảo vệ mắt đúng cách khi tham gia những môn thể thao như bóng rổ, bóng đá cũng như những môn thể thao dưới nước và những môn có dùng vợt bạn có thể gặp phải những chấn thương nghiêm trọng về mắt.
Phong trào cầu lông nghiệp dư trong các công sở, nhà trường, phường xóm ngày càng phát triển. Tai nạn về mắt do vậy cũng tăng tương ứng.
Bác sỹ mắt cũng như chính bạn nên chủ động dùng những dụng cụ bảo vệ mắt thích hợp cho từng môn thể thao.
Đi chơi xa chúng ta nên chuẩn bị một bộ xơ cứu y tế. Trong đó nên để một chai muối rửa mắt 0,9%, ít bông băng và thuốc sát trùng để khi cần có thể rửa mắt và băng mắt.
3. Tham gia giao thông: tần xuất tham gia giao thông tăng đột biến, rượu bia, vội vàng và thiếu quan sát là nguyên nhân của vô số tai nạn mắt. Các nước xử dụng ôtô nhiều đã giảm đáng kể tai nạn ôtô do dân trí, công nghệ phanh và túi hơi.
Tai nạn ô tô ở các nước phát triển nay chỉ còn 5% trong các tai nạn mắt. Còn ở ta thì... đáng ghê sợ , phần lớn là tai nạn xe máy, kể cả có đội mũ và không đội mũ bảo hiểm. Tương tác lực quá mạnh trong tai nạn xe máy là nguyên nhân mù lòa của nhiều bệnh nhân trẻ rất đáng tiếc.
Không có cách nào khác, khi hạ tầng giao thông còn yếu kém, là ý thức của người tham gia giao thông. Một số người dễ sốc nổi kể cả khi uống rượu bia và không uống, ẩu vội và coi thường luật pháp...Thật đáng sợ nếu những này tham gia giao thông. Vậy chúng ta hãy tự răn đe mình: đã uống nhiều thì không lái xe và rằng hãy cẩn trọng khi ra đường.
Nếu chẳng may tai nạn xảy ra không nên vội vã, làm bừa. Chúng ta nên nhớ mấy nguyên tắc sau đây khi xơ cứu cho bản thân và người thân nếu chẳng may bị tai nạn mắt:
- Không nên ấn đè mạnh hay day dịt vết thương ở mắt
- Không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt
- Bị chất lỏng vào mắt gây bỏng nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút
- Không tự tra nhỏ thuốc hay tra thuốc mỡ vào mắt
- Với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề và bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh
- Nếu bị bụi vào mắt có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước, mở mắt to và chớp mắt 4-5 lần để bụi trôi ra.
- Khám mắt ở cơ sở chuyên khoa gần nhất
Ngày vui nói chuyện tai nạn có lẽ không thích hợp. Thế nhưng nói chuyện phòng tai nạn lại là chuyện nên làm. Ngày vui “ngắn chẳng tày gang” nếu...vì vậy hãy đề phòng. Chúc người người, nhà nhà có một tết vui và an toàn.

Đọc tiếp…

Hôn mê, tử vong vì “lai rai” uống rượu cả ngày

08:47 |

Hôn mê, tử vong vì “lai rai” uống rượu cả ngày

 Từ thời điểm Tết dương lịch đến nay, ngày nào Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận từ 2 – 3 trường hợp ngộ độc rượu. Riêng ngày 29/1 có một bệnh nhân xin về vì nặng, một bệnh nhân hôn mê nguy kịch.

Các bác sĩ lo ngại con số bệnh nhân nhập viện vẫn gia tăng, do những buổi tất niên liên miên bạn bè, hàng xóm. Ảnh: H.Hải
Các bác sĩ lo ngại con số bệnh nhân nhập viện vẫn gia tăng, do những buổi tất niên liên miên bạn bè, hàng xóm. Ảnh: H.Hải
Một tử vong, một hôn mê nguy kịch
Đã nằm tại Trung tâm chống độc được 4 ngày nay, bệnh nhân L.V.T( 37 tuổi, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa thoát khỏi tình trạng hôn mê do ngộ độc rượu, não bị tổn thương.
Người nhà bệnh nhân cho biết, anh T đã nghiện rượu 5 - 6 năm nay, thường uống rượu vặt một mình. Trong ngày, cứ lúc nào buồn mồm là T. lại uống vài chén rượu. Cũng như thường lệ, cuối tuần trước, anh T uống rượu lai rai cả ngày, luôn trong tình trạng tây tây rồi lăn đùng ra ngủ lúc nào không biết.
“Quả thật là mọi người thấy anh uống nhiều say, ngủ nhưng giống y mọi ngày, cứ say là làm một giấc dậy lại uống, lại say nên không ai nghĩ gì. Thế nhưng đến sáng hôm sau không thấy anh ấy dậy mà nằm mê man, gia đình mới vội đưa đến BV tỉnh”, người em rể đang chăm anh tại BV cho biết.
Sau hai ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, phải đặt nội khí quản. “Dù các xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu không còn, hàm lượng methanol cũng không được phát hiện, nhưng hình ảnh cho thấy não bệnh nhân bị tổn thương nặng do ngộ độc rượu. Với tổn thương này việc điều trị cho bệnh nhân sẽ còn phải kéo dài và chưa thể đánh giá mức độ hồi phục sau tổn thương não”- bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, cho biết.
Theo BS Nguyên, kể từ thời điểm sau Tết dương lịch, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 2 - 3 ca ngộ độc rượu. May mắn các ca ngộ độc nhẹ nên sau 2 - 3 ngày điều trị được xuất viện. Tuy nhiên cũng có những trường hợp nặng như bệnh nhân này, thậm chí có ca điều trị tiên lượng khó, gia đình đã xin bệnh nhân về để chết vào sáng 29/12 như bệnh nhân P.V.T (38 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội).
Bệnh nhân V.T bị ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol quá nặng. Hàm lượng methanol trong máu bệnh nhân lên tới 245mg/dl. Đây là hàm lượng methanol trong máu cao nhất trong những bệnh nhân ngộ độc methanol BV từng gặp.
Cả 10 ngày nay, ngày nào anh T cũng lai rai uống rượu. Đặc biệt, hôm 27/1 anh T cùng một nhóm bạn uống đủ các loại rượu. Vì thế, khi thấy anh say, mọi người cũng để anh ngủ vì nghĩ sau một đêm rồi tỉnh. Đến sáng hôm sau, thấy anh vẫn nằm lặng trên giường, gọi hỏi không đáp ứng gia đình mới đưa đến viện.
“Bình thường methanol đã là chất không được phép có trong máu trong khi với bệnh nhân này hàm lượng methanol cực cao, nên tình trạng nhiễm độc của bệnh nhân cũng rất nặng. Bệnh nhân tổn thương hô hấp, tổn thương thận, gan… nên dù được lọc máu và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện bên gia đình quyết tâm xin về”, BS Nguyên cho biết.
Rượu nào uống lắm cũng độc
Theo BS Nguyên, những người nghiện rượu, uống nhiều lại thường ham rượu rẻ nên khi mua dễ dính rượu pha cồn công nghiệp là methanol. Methanol vốn được dùng trong công nghiệp, là một chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù.
Còn với các loại rượu quốc lủi, rượu nếp, thậm chí cả rượu tây… thì nếu uống quá ngưỡng cũng có những nguy cơ trực tiếp cho sức khỏe.
Vì khi say rượu, người say bị ức chế hô hấp (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê, nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong.
Như bệnh nhân ở Bắc Giang, dù không phát hiện hàm lượng methanol trong máu, nhưng vì uống quá nhiều khiến bệnh nhân bị hôn mê, ảnh hưởng hô hấp dẫn đến ngạt khí, khiến não bị tổn thương.
Vì thế, để phòng ngộ độc rượu, hãy uống vừa phải. Với người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương nữ không quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%; nam không quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%. Khi uống nên uống từ từ, không uống dồn dập vì tác hại của bia rượu cũng gây ra mạnh hơn.
Còn khi đã lỡ chén rồi say, rất khó nhận biết ngộ độc rượu do methanol hay rượu thông thường bởi dấu hiệu say giống nhau. Với methanol chỉ sang ngày thứ 2 khi có dấu hiệu điển hình mắt mờ, tổn thương não mới nhập viện thì quá nguy hiểm. Vì thế, không nên để người say rượu ngủ 1 mình, hãy luôn quan sát để ý thấy bất thường hãy đưa bệnh nhân đến viện sớm nhất. Bởi dù là methanol hay không thì ngộ độc rượu cũng gây những nguy cơ trực tiếp về sức khỏe, thậm chí hôn mê, tử vong.
Đọc tiếp…

10:39 |

Bệnh văn phòng: Căn do, cách hạn chế

Làm việc văn phòng, với không gian môi trường trong nhà thiếu thoáng khí, phải dùng máy điều hòa, sử dụng nhiều phương tiện thông tin hiện đại phát vi sóng như máy tính, điện thoại, máy in, máy fax.. Ít vận động, lại hay dùng fast foods như “cơm hộp”, “nước lọ”…nên dễ mắc nhóm bệnh nghề nghiệp đặc thù là “bệnh văn phòng”.


Cuối thập niên 70, người ở trong nhà mới, văn phòng và vườn ươm thường bị các triệu chứng mệt mỏi khó chịu không đặc hiệu, giới truyền thông gọi là "bệnh văn phòng" (office illness). Thuật ngữ "Hội chứng văn phòng” (sick building syndrome SBS) được WHO đặt tên năm 1986, khi họ cũng ước tính có từ 10-30% các tòa nhà văn phòng ở phương Tây bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu ở Đan Mạch và Anh đưa ra những triệu chứng chẩn đoán. Trong những năm 90, SBS được nghiên cứu sâu rộng, nhiều yếu tố vật lý và hóa học khác nhau trong các tòa nhà đã được thẩm tra.
Hội chứng bệnh văn phòng (sick buiding syndrome, SBS) là tập hợp các loại bệnh của những người làm việc văn phòng, cao ốc hay mắc phải. Bệnh văn phòng có 4 điểm chung: (1) bệnh liên quan đến thời gian làm việc văn phòng, (2) bệnh hết khi nghỉ làm việc, (3) tái phát khi làm việc trở lại và (4) đồng nghiệp cùng phòng cũng bị tương tự.
Dựa theo các yếu tố nguy cơ, SBS được phân thành sáu nhóm chính: vật lý, hóa học, sinh học, tâm lý xã hội, cá nhân và linh tinh khác.
Với lao động trí óc, đa dạng, phức tạp, cường độ cao, áp lực lớn, tình trạng va chạm, căng thẳng nhiều, lại thiếu giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống… nhân viên văn phòng thường “không khỏe” và có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghề nghiệp khác nhau. WHO cảnh báo đến 30% nhân viên làm việc trong cao ốc bị SBS, phụ nữ nhiều hơn. Bệnh văn phòng khiến nền  nước Anh mất 24,6 triệu ngày nghỉ bệnh mỗi năm.
Những nguy cơ mắc bệnh văn phòng
Môi trường làm việc ở văn phòng có thể gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe vì (1) độ ẩm không khí ẩm do máy điều hòa, thiết bị làm mát, (2) thiếu sáng do không có ánh mặt trời, (3) bụi bặm, (4) vi sóng do thiết bị điện tử máy tính, smartphone, fax, (5) hóa chất từ máy móc sử dụng, trong các loại thuốc xịt côn trùng hoặc thuốc tẩy rửa...
WHO cảnh báo đến 30% nhân viên làm việc trong cao ốc bị SBS, phụ nữ nhiều hơn. Bệnh văn phòng khiến nền  nước Anh mất 24,6 triệu ngày nghỉ bệnh mỗi năm.
Điều tra xã hội học cho thấy 74% nhân viên văn phòng bị đau, khô họng, 73% nhức đầu, 80,9% đau lưng, 90,5% đau cổ, gáy, 46% đau mắt, 35% chảy nước mắt..
Một thống kê cho thấy, ngồi máy tính nhiều sẽ làm giảm thị lực (83%), tổn hại khớp xương, đau lưng, đau vai (51,1%), đau đầu (56,1%) và chán ăn (54,4%).
Về tính chất công việc
Đặc trưng công việc văn phòng là (1) lao động trí óc, đa dạng, phức tạp, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn dễ dẫn đến stress, (2) ngồi nhiều, ít vận động, (3) thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại, máy fax, (4) thiếu hay không giờ giấc, (5) dinh dưỡng chưa hợp lý, cơm trưa văn phòng, dùng fast foods, tiệc tùng...
Những bệnh văn phòng thường gặp
Một số biểu hiện lặt vặt
Đau đầu
Ngứa mắt, mũi và họng
Ho khan
Da khô, ngứa, phát ban
Chóng mặt và buồn nôn
Mất tập trung
Mệt mỏi
Nhạy cảm với mùi
Đau cột sống và khớp: Ngồi quá lâu với tư thế không đúng sẽ dẫn đến đau lưng, mỏi cổ. Làm văn phòng sẽ thiếu vận động và tiếp xúc với ánh nắng khiến dễ bị loãng xương thoái khớp.
Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động, người lao động phải ngồi liên tục có tỉ lệ đau mỏi lưng cao hơn hẳn so với các nhóm làm việc khác: 15-20% số lao động bị đau so với 5-7% tại các nhóm khác.
Đau ống cổ tay: Đây cũng là một căn bệnh mà những người làm văn phòng thường mắc phải do thường xuyên sử dụng chuột máy tính. Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu về dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh và mạch máu.
Hội chứng mắt máy vi tính (computer vision syndrome, CVS):
Theo các nghiên cứu ở Hoa Kỳ, có đến 75% người thường xuyên sử dụng máy vi tính gặp các rối loạn chức năng về mắt CVS.
Theo các nghiên cứu ở Hoa Kỳ, có đến 75% người thường xuyên sử dụng máy vi tính gặp các rối loạn chức năng về mắt CVS.
Các triệu chứng thường gặp của CVS là: căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, đau đầu và mỏi vai, mỏi cổ và lưng
Theo một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân được kể đến là do giảm gần 40% tần số chớp mắt (từ 14 lần/phút xuống còn 6-7 lần), khiến mắt bị khô. Hơn nữa, khi dùng máy tính, mắt có khuynh hướng mở to hơn nên cũng nhanh khô, không đủ nước mắt và độ trơn để loại sạch bụi. 
Da khô và bị dị ứng: Phòng điều hòa thường khô và có nhiệt độ khiến nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có thể chênh lệch từ 5-10 độ, khiến da thường bị mất nước, khô rát, giảm sức đề kháng. Văn phòng làm việc có nhiều tác nhân lý, hóa, sinh khiến da rất dễ dị ứng nhiễm trùng.
Căng thẳng thần kinh (stress): Do áp lực và môi trường làm việc, dân văn phòng dễ bị stress với hệ lụy về rối loạn giấc ngủ, nhồi máu cơ tim, đau nử đầu, rối loạn tiền đình…
Đau đầu: Thường gặp với các loại đau đầu giật gõ vào đầu, kèm theo hoa mắt rối loạn tiền đình...
Viêm loét dạ dày mãn tính: Do áp lực công việc nhiều, thiếu ngủ hoặc thức khuya, ăn uống không điều độ vội vàng.
Suy tĩnh mạch ở chân và bệnh trĩ: Đây là kết quả của tình trạng ít vận động. Máu trong các tĩnh mạch trở nên ngưng trệ, gây giãn tĩnh mạch
Phòng tránh bệnh văn phòng thế nào
Văn phòng làm việc: Đầu tiên là thiết kế xây dựng của văn phòng có chất lượng tốt, lý tưởng cho người lao động. Bao gồm hệ thống thông gió, sử dụng vật liệu xây dựng phát thấp, vị trí thích hợp lỗ thông hơi, vv
Rà soát các nguồn gây ô nhiễm để loại bỏ hoặc chỉnh lý như hệ thống sưởi ấm, điều hòa, thông gió nên được giữ sạch sẽ và thường xuyên bảo trì.
Cấm hút thuốc
Đảm bảo văn phòng thông thoáng, đủ chiếu sáng.
Tránh mỏi cổ, nên xoay người, cổ ở nhiều tư thế trái, phải, trước, sau… cứ mỗi tiếng ngồi làm việc.
Tránh hội chứng ống cổ tay bằng cách: Ngồi tư thế ngay ngắn, tay và vai không được “treo” lơ lửng mà phải có điểm tựa để ngừng nghỉ tạm thời và giảm áp lực lên các ngón tay. Không nên dùng lực lớn để đánh máy hoặc điều khiển chuột máy. Thường xuyên tự mat-xa tay và vai khi có thời gian rảnh rỗi.
Để khỏi khô mắt cần: để máy tính cách xa tầm mắt ít nhất 70cm, ánh sáng phòng làm việc phải tương đồng với ánh sáng màn hình. Sau 30-60 phút làm việc, nên hướng mắt nhìn “thư giãn” ra ngoài cửa sổ hoặc nhìn xuống phía dưới. Hiện nay, các bác sĩ nhãn khoa thường khuyên sử dụng “nước mắt nhân tạo” có bán ở các nhà thuốc để giảm khô mắt. 
Tránh khô và dị ứng da nên: Uống đủ nước cần thiết. Sử dụng kem dưỡng ẩm để bổ sung độ ẩm cho da. Tránh tiếp xúc không cần thiết với văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng, hóa chất….
Tránh vi sóng, bức xạ từ: Không ngồi sau màn hình máy tính, Sử dụng quá mức cần thiết các thiết bị có phát vi song, từ tính. Học người Nhật, đặt một cây cảnh nhỏ như xương rồng dưới bàn để máy vi tính để nó hút bớt lượng bức xạ phát ra.
Phòng suy dãn tĩnh mạch chi và trĩ cần: Bỏ thói quen ngồi vắt tréo chân “chữ ngũ”. Thỉnh thoảng nên nghỉ vài phút, đi lại tại chỗ, xoay bàn chân. Sau ngày làm việc, những lúc nghỉ ngơi nên để bàn chân hơi cao lên.
Đọc tiếp…

Cách nào bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết?

10:51 |

Cách nào bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết?

Nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết luôn tăng cao hơn ngày thường gấp nhiều lần, kéo theo đó là sự hoành hành của các loại thực phẩm mất vệ sinh, lưu cữu lâu ngày, không rõ nguồn gốc xuất xứ,... Làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành (tăng 15% so với dịp Tết Canh Dần), tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm Tết như các loại bánh mứt kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại 30 tỉnh, thành phố... trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất...
Tuy nhiên, những thông tin về thực phẩm kém an toàn, từ mứt tết bẩn, thịt bẩn…. liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua đã cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư...
Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả... cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lí của cơ quan chức năng khiến cho thị trường vẫn phát hiện các loại thực phẩm không "sạch"...
Tất cả những vi phạm được phát hiện là bằng chứng để mỗi người dân luôn nơm nớp với nỗi lo mua phải thực phẩm "bẩn".
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: Khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng bung ra thị trường...
Vậy cơ quan chức năng cần có trách nhiệm như thế nào trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm tết?  Làm thế nào để phân biệt được thực phẩm an toàn với thực phẩm “bẩn”? Người tiêu dùng cần lưu ý gì để có được những thực phẩm Tết đảm bảo?
Để giải đáp những băn khoăn của bạn đọc về vai trò của cơ quan chức năng cũng như cách nào nhận biết thực phẩm sạch, báo Dân trí tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến “Đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết” vào14h ngày 19/1/2016 với khách mời là:
1. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế,
2. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu Chuẩn - Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam VINASTAS
3. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công An
Đọc tiếp…

Cách nào phòng tai biến mạch máu não?

14:35 |

Cách nào phòng tai biến mạch máu não?

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh lý tai biến mạch máu não, gần một nửa trong số đó tử vong. Nửa còn lại may mắn sống sót thì cũng để lại những di chứng nặng nề. Theo các chuyên gia, cục máu đông chiếm 80% nguyên nhân dẫn đến biến chứng nguy hiểm này.

Những biểu hiện khi xảy ra tai biến
Cần nhận biết sớm dấu hiệu của người bị đột quỵ. Hình minh họa
Cần nhận biết sớm dấu hiệu của người bị đột quỵ. Hình minh họa
Hiện nay, để phổ cập các dấu hiệu của tai biến mạch máu não, các chuyên gia y tế lưu ý ghi nhớ “FAST” nhấn mạnh đến mức độ và là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian) giúp người thân nhận biết dấu hiệu của người bị đột quỵ.
Khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn, uống nước hay ăn cơm thì bị rơi vãi.
Tay chân: Diễn tiến từ từ như tê mỏi một bên tay, chân; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc; cũng có thể ở chân như đi dễ bị vấp té; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép...
Lời nói: Một số người đột quỵ nói khó, nói đớ hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Có thể yêu cầu bệnh nhân nói chuyện với một vài câu đơn giản một cách mạch lạc. Từ đó, có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể cảnh báo tai biến như nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hay chậm hiểu bất thường.
Thời gian: Tai biến mạch máu não là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến. Chỉ trong thời gian này thì việc can thiệp từ bên ngoài mới có thể giúp bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong và những di chứng khác. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu trên cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Làm sao để ngăn ngừa tai biến mạch máu não?

Phương pháp ngăn ngừa tai biến mạch máu não. Hình minh họa
Phương pháp ngăn ngừa tai biến mạch máu não. Hình minh họa
Tai biến mạch máu não chính là hiện tượng tắc mạch máu trong não, làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu lên não, khiến cho các tế bào thần kinh bị tổn thương và chức năng họat động của các cơ quan này bị tê liệt trong một thời gian dài. Tai biến mạch máu não gây ra các di chứng bại liệt, méo miệng, mất giọng… thậm chí tử vong.
Các chuyên gia cho biết 80% nguyên nhân xảy ra bệnh lý nguy hiểm này là do tăng huyết áp dẫn đến việc hình thành cục máu đông trong lòng mạch. Cục máu đông di chuyển và tắc ở đâu sẽ gây nguy hiểm ở đó.
Theo chuyên gia Phạm Gia Khải, phương pháp tốt nhất với những người bị huyết áp cao đó là cần ổn định huyết áp và ngăn ngừa nguyên nhân hình thành cục máu đông để tránh xảy ra những tai biến nguy hiểm.
Do đó, người bệnh cần tuân thủ đi khám định kỳ, sử dụng đúng thuốc, theo đơn kê của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn, thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Các thảo dược từ tự nhiên đã được nghiên cứu là có tác dụng rất tốt, đặc biệt là Địa Long, Hòe Hoa và Nattokinase (một loại enzyme được chiết xuất từ món ăn truyền thống có tên Natto của người Nhật Bản từ đậu tương lên men). Với Địa Long và Nattokinase, đây là hai thành phần quý có tác dụng ngăn ngừa và phá tan các huyết khối trong lòng mạnh, nguyên nhân dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Kết hợp với Hòe Hoa có chứa nhiều rutin sẽ có tác dụng làm dày thành mạch, phòng ngừa nguy cơ bị vỡ mạch máu do cục máu đông bị bít tắc ở não.
Công thức “chuẩn” giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não
Công thức “chuẩn” giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não
Bởi vậy, Địa Long khi kết hợp với Nattokinase và Hòe Hoa sẽ giúp tăng hiệu ngăn ngừa, phá tan cục máu đông, phòng ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não. Ngoài ra, khi sử dụng thêm các thành phần quý trong bài thuốc “Giáng áp hợp tễ” như câu đằng, hạ khô thảo, huyền sâm… có tác dụng hạ và ổn định huyết áp; bệnh nhân sẽ giảm được triệu chứng khó chịu do huyết áp cao như mất ngủ, đau đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt…
Đọc tiếp…

8 dấu hiệu "tâm thần trí thức" có thể bạn đang mắc

10:44 |

8 dấu hiệu "tâm thần trí thức" có thể bạn đang mắc

Không ai ngờ thiếu sex cũng có thể bị tâm thần. Bệnh tâm thần đang được các bác sĩ cảnh báo là bệnh trầm kha của giới trí thức hiện đại, nhưng tuyệt đối không chữa trị theo mẹo dân gian

Cuộc sống quá nhiều áp lực, càng lao lực trí óc thì càng dễ căng thẳng, lo âu, quá nhiều tệ nạn (bia rượu, thuốc lá, ít vận động...), khiến trí não làm việc quá tải, dẫn đến . Tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện nay khoảng 15% dân số (tương đương 13 triệu người).
Trước đây, TS Ngô Thanh Hồi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đã nói về hội chứng cháy hết (hội chứng burnout) rất phổ biến và nguy hiểm ở nhóm trí thức trẻ đang phát triển, nhưng thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khả năng đối phó với thất bại, nên rất dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ tự tử, hoặc gây hậu quả lớn tới cuộc sống sau này.
Một số trí thức sai lầm xả stress, áp lực bằng cách nhậu nhẹt, dẫn tới nghiện bia rượu. Cú hích bia rượu với những người làm việc trí óc căng thẳng càng tăng nguy cơ bị rối loạn tâm thần, rất dễ bị tâm thần hoang tưởng, hành vi, lời nói rối loạn… phải nhập viện điều trị. Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I đã nhận định vậy trong hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 - 2025,
Nhóm trí thức rất dễ bị tâm thần. Ảnh minh họa
Nhóm trí thức rất dễ bị tâm thần. Ảnh minh họa

Stress cấp tính

Những triệu chứng đầu tiên là về cảm xúc, họ luôn khó chịu, lo lắng, căng thẳng, buồn bã, chán nản, thờ ơ, cảm thấy đánh mất giá trị bản thân…
Hành vi biểu hiện là nổi cáu, bực bội, hoặc nóng tính, thích dùng chất kích thích như rượu, thuốc lá. Các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ… bị xáo trộn, mất tập trung, nóng nảy đột ngột, có những quyết định vô lý, hay quên, vụng về, luôn vội vàng và hấp tấp, ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít…
Về thể chất sẽ thấy hay đau đầu, đau cơ bắp, đau bụng, vã mồ hôi, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, khó thở, đau ngực, khô miệng, ngứa cơ thể, có vấn đề về tình dục.
Theo bác sĩ Hồng Thu, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (số 4 Hồng Mai, Hà Nội), nếu stress kéo dài sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về mặt sức khỏe (đau tim, tăng huyết áp, trầm cảm, bị sốc, bị đau nửa đầu, lo âu, bị hen, suy giảm hệ miễn dịch, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ).
Có 4 nguồn gây stress
- Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, ô nhiễm.
- Căng thẳng từ xã hội và gia đình: Áp lực công việc, tốn sức vào công việc, hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn gia đình, bạn bè…
- Các vấn đề về thể chất: Sức khỏe thay đổi, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…
- Suy nghĩ: Đôi khi suy nghĩ, hay phiền giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra cũng bị căng thẳng và dẫn tới suy nghĩ tiêu cực.
Bị căng thẳng, stress nếu không sớm chữa trị rất dễ bị tâm thần nặng - ảnh minh fhoaj.
Bị căng thẳng, stress nếu không sớm chữa trị rất dễ bị tâm thần nặng - ảnh minh fhoaj.
Dấu hiệu báo trước của một số bệnh tâm thần
Theo bác sĩ Hồng Thu, trong cuộc đời hầu hết mọi người đều gặp phải các sang chấn tâm lý (thất tình, thất nghiệp, bệnh tật, áp lực)… dễ dẫn tới bị rồi loạn tâm thần, nhất là ở nhóm lao động trí thức có nhiều áp lực trong công việc và đời sống.
Mọi người có quan niệm sai lầm cho người bị tâm thần là người nói năng lảm nhảm, điên loạn, mất năng lực hành vi, là người bỏ đi, vô dụng.
Nhưng thực tế, trừ những người bị rối loạn tâm thần mãn tính như tâm thần phân liệt, động kinh, còn lại các rối loạn tâm thần chia ra nhiều giai đoạn, trạng thái, biểu hiện khác nhau. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi của Tổ chức y tế thế giới, có tới hơn 300 loại rối loạn tâm thần và hành vi như sa sút tâm thần.
Đa số các loại rối loạn này sẽ khỏi hay ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chỉ có một tỷ lệ rất thấp ( khoảng 1 -2% ) là diễn tiến ngày càng nặng dần và không đáp ứng với điều trị.
Quan trọng nhất là nhận biết các dấu hiệu đầu tiên của tâm thần. Theo tư vấn của ThS. Bs. Đinh Hữu Uân, Phòng khám tâm thần (Tập thể Bệnh viện Tâm thần trung ương I, Thường Tín, TP Hà Nội), khi thấy một trong những dấu hiệu đầu tiên của rối loạn tâm thần cần tới bệnh viện, phòng khám chuyên khoa tâm thần sớm. Cụ thể:
1- Đau đầu, mất ngủ (hay bị rối loạn giấc ngủ), lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, tim đập nhanh, cảm xúc không ổn định (buồn rầu, bi quan, mất tự tin, có người nói nhiều, hay khóc, có người trở nên im lặng, thích ngồi một mình trong phòng kín, sợ tiếp xúc với mọi người), lo âu bồn chồn, đứng ngồi không yên, khóc cười vô cớ, nói lẩm bẩm một mình, cười một mình…) là triệu chứng mới bị trầm cảm, nếu không được điều trị bệnh sẽ nặng lên.
2- Người đau mỏi, đau xương khớp, đau bả vai, đau ống tiêu hoá, đau đầu, đau vùng ngực trái... đã đi khám nhiều lần ở nhiều chuyên khoa khác nhau nhưng kết quả bình thường – nên đi khám chuyên khoa tâm thần.
3- Cảm thấy bất lực trước công việc, rửa tay nhiều lần trong ngày, hoặc không chú ý đến vệ sinh cá nhân, từ chối ăn uống.
4- Những ý nghĩ ám ảnh xuất hiện nhiều làm mất tập trung vào công việc, nghe thấy tiếng nói trong đầu nói chuyện, chửi mắng mình, bình luận về mình, hoặc ra lệnh cho mình phải làm việc này, việc khác…
5- Nhìn thấy những hình ảnh kì lạ mà người khác không nhìn thấy. Hoặc có những ý nghĩ kì lạ, bất thường.
6- Luôn nghĩ có người đang làm hại và điều khiển mình.
7- Đập phá đồ đạc, hoặc tấn công người khác, quát mắng vô lý… không có nguyên nhân.
8- Có ý định và hành vi tự sát mà không phải do bế tắc trước cuộc sống.
Đọc tiếp…

Bao giờ người dân vùng bãi ngang mới được nhận BHYT?

09:00 |

Bao giờ người dân vùng bãi ngang mới được nhận BHYT?

 Gần hết năm 2015, các Sở ban ngành tỉnh Thanh Hóa mới “rục rịch” triển khai thực hiện việc mua BHYT cho người dân vùng bãi ngang theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc các sở vẫn đang “chờ nhau” khiến gần 120.000 dân bãi ngang chưa biết đến khi nào mới có được thẻ BHYT.

Hết năm mới có văn bản chỉ đạo
Sau khi báo Dân trí phản ánh vụ việc hơn 100.000 dân vùng bãi ngang của tỉnh Thanh Hóa “mòn mỏi” chờ được cấp BHYT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mới đây ngày 10/12, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn 3415 gửi UBND các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn và thị xã Sầm Sơn (các huyện thị có xã vùng bãi ngang) yêu cầu các huyện, thị xã thực hiện mua BHYT cho người dân đang sinh sống tại các xã theo QĐ 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa yêu cầu các huyện thị rà soát, thống kê, lập danh sách các nhóm đối tượng đang sinh sống tại địa phương (trừ những đối tượng đã được nhà nước hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT), tránh trùng lặp. Lập danh sách mua BHYT năm 2016 cho người dân theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch 41/2014 và gửi về trước ngày 20/12/2015. Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã, phòng ban, đơn vị liên quan thực hiện chính sách BHYT cho người dân năm 2016.
Trước đó, ngày 08/12/2015 UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Công văn số 12697 về việc tăng cường hiệu quả phối hợp triển khai Quyết định 1584 của Thủ tướng Chính phủ gửi các Sở Y tế, Tài chính, LĐ,TB&XH, GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội tỉnh và UBND các huyện thị thành phố.
Như vậy, đến gần hết tháng 12/2015 tỉnh Thanh Hóa, các Sở ban ngành mới có văn bản chỉ đạo thực hiện việc mua BHYT cho gần 120.000 người dân vùng bãi ngang theo quy định của Thủ tướng Chính phủ mà đáng ra phải được hưởng từ đầu năm này.

Mưu sinh trên biển luôn có nhiều rủi ro, bệnh tật bủa vây, ngư dân rất mong muốn có được BHYT để khám chữa bệnh thường xuyên

Các Sở “chờ nhau”, người dân chịu thiệt
Đến thời điểm hiện tại, chưa có người dân 37 xã thuộc vùng bãi ngang của tỉnh Thanh Hóa được nhận thẻ BHYT theo quy định nên đã gặp nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong suốt năm qua.
Để làm rõ việc chậm cấp BHYT cho người dân vùng bãi ngang, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa. Bà Hồ Thị Về - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở này thừa nhận, việc mua BHYT cho người dân vùng bãi ngang đúng là đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Bà Về cho rằng, việc chậm triển khai mua BHYT cho người dân vùng bãi ngang là do Thông tư liên tịch số 41/2014 của Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện mua bảo hiểm y tế chứ ngành LĐ-TB&XH không được đề cập đến nên không dám thực hiện.
“Ngành LĐ-TB&XH chỉ hướng dẫn thực hiện nhưng khi chưa được Bộ đồng ý thì chúng tôi không dám “cầm đèn chạy trước ô tô”. Các văn bản quy định về việc người dân vùng bãi ngang được hưởng BHYT cũng có sự chồng chéo nhau nên rất khó để thực hiện. Nếu Bộ LĐ-TB&XH đồng ý, sở sẽ thực hiện việc cấp BHYT cho người dân vùng bãi ngang vào năm 2016, đồng thời xin ý kiến của UBND tỉnh về việc chi trả tiền khám chữa bệnh trong năm qua cho người dân vùng này”, bà Về nói.
Còn ông Hà Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, cho biết, về nguồn tài chính dành để phục vụ các chương trình an sinh xã hội hiện vẫn đảm bảo, không thiếu để mua thẻ BHYT cho người dân. “Đối với Sở Tài chính, chỉ cần các cơ quan liên quan có danh sách, chấp thuận đúng Luật, chúng tôi sẽ cấp kinh phí đầy đủ”, ông Quân nói.

Nhiều người già ở các vùng bãi ngang của Thanh Hóa đến nay vẫn chưa nhận được thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh
Một câu hỏi được nhiều người dân đặt ra: Trong Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015. Vậy đến năm 2016, người dân xã này có còn được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT? Trong năm 2015, người dân vùng bãi ngang tỉnh Thanh Hóa không được hưởng lợi từ chính sách do Thủ tướng Chính phủ quy định, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Chi phí khám chữa bệnh của người dân vùng này trong năm qua, đơn vị nào sẽ phải chi trả?
Đọc tiếp…