Hàng chục năm cống hiến cho ngành Giáo dục và con số không tròn trĩnh

08:43 |

Hàng chục năm cống hiến cho ngành Giáo dục và con số không tròn trĩnh

 Đa số các giáo viên, nhân viên của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng vừa qua đều đã công tác 3 đến 4 năm trở lên. Thậm chí có giáo viên đã từng công tác đến 12 năm. Và tất cả giờ đây đã trở về với con số không tròn trĩnh.

"Chúng tôi rất khó để xin một công việc khác"
Việc 214 giáo viên (GV), nhân viên của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh bị chấm dứt hợp đồng, đồng nghĩa với từng đó con người thất nghiệp. Trong quá trình tìm hiểu sự việc này, chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện đau lòng đến chảy nước mắt.
11994355-884856341549694-1769334226-n-1441296259935
Sau quãng thời gian gắn bó tâm huyết với nghiệp trồng người, giờ đây những người này không biết sẽ đi đâu về đâu?
Đa số họ đã có ít nhất 3 đến 4 năm công tác tại các trường học. Trong suốt quá trình đó, họ luôn cống hiến, truyền tải hết tình yêu cũng như những vốn kiến thức của mình cho các thế hệ học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung - GV dạy môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Kỳ Phú đã có 4 năm gắn bó với ngành Giáo dục.
“Tôi đã công tác tại đây được 4 năm rồi. Trong thời gian đó, chúng tôi đã luôn nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Giờ huyện chấm dứt hợp đồng cũng không hứa hẹn gì cả. Với bằng sư phạm, chúng tôi rất khó để mà xin một công việc khác”, chị Dung tâm sự.
Chồng chị Dung không có việc làm ổn định, trong khi con còn nhỏ. Việc chị bị chấm dứt hợp đồng đã khiến cuộc sống của chị và gia đình bị đảo lộn hoàn toàn.
Đặc biệt hơn, trong số những GV bị chấm dứt hợp đồng này có nhiều GV đã có trên 10 năm công tác.
11944805-884857718216223-1212083233-n-1441296606877
Cô N đã cống hiến suốt 12 năm cho sự nghiệp trồng người và nay bị chấm dứt hợp đồng lao động. Giờ cô lại phải bắt đầu lại từ đầu từ con số không!
Chị N.T.N. là GV một trường tiểu học tại huyện Kỳ Anh. Chị đã có 12 năm cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng chị cũng là 1 trong hơn 200 GV, nhân viên bị huyện chấm dứt hợp đồng lao động.
“Tôi đã có 12 năm cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Tôi đã công tác tại nhiều trường của huyện Kỳ Anh, trường ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Thế mà giờ bị chấm dứt hợp đồng lao động. Giờ sự nghiệp của tôi lại trở về con số 0”, chị N. tâm sự.
“Giờ mà tiếp tục đi xin việc thì rất khó. Vì tôi đã lớn tuổi, lại có chồng con nên việc đi ở các tỉnh khác thì hết sức khó khăn”, chị N. tâm sự thêm.
Đó cũng là tình cảnh chung của 214 GV, nhân viên này khi bị chấm dứt hợp đồng.
Sẽ thiếu giáo viên?
Một điều lạ và khó hiểu là tại các trường học có bộ phận y tế trong học đường. Mỗi trường chỉ có một nhân viên y tế nhưng tất cả đều bị cắt.
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhân viên y tế học đường tại Trường Tiểu học Kỳ Giang cho biết: “Tôi đã làm ở đây được 6 năm rồi và đã đóng bảo hiểm cả 6 năm. Bây giờ mỗi trường chỉ có một cán bộ y tế học đường”.
Khi chúng tôi hỏi "Khi những cán bộ y tế học đường bị chấm dứt hợp đồng thì ai sẽ về làm thay?", chị Hoa cho biết: “Hiện giờ trường chưa có ai làm cả. Tôi đã bị chấm dứt hợp đồng và chưa bàn giao lại công việc nên tôi không biết rồi ai sẽ về làm thay tôi”.
Trước đó, PV Dân trí đã có phỏng vấn một số hiệu trưởng các trường học trên địa bàn Kỳ Anh thì họ đều mong muốn rằng, những GV, nhân viên này sẽ tiếp tục được ký hợp đồng lao động để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Việc đưa ra yêu cầu như thế là rất thiệt thòi với những đối tượng này. Và việc những lao động này bị chấm dứt hợp đồng sẽ dẫn tới việc nhiều trường học sẽ thiếu GV, nhân viên.
Một lãnh đạo khác tại một trường học tiểu học ở Kỳ Anh (xin được giấu tên) cho biết: “Trường của tôi phải chấm dứt hợp đồng với 8 người bao gồm cả nhân viên và GV. Nếu năm học tới không được bổ sung thì sẽ thiếu rất nhiều”.
Đánh giá về năng lực cũng như kinh nghiệm của những GV này, vị hiệu trưởng này cho biết: “Thực ra những người bị chấm dứt hợp đồng lần này thì họ đều đã có kinh nghiệm, hơn nữa nhiều người đã đóng bảo hiểm, việc chấm dứt hợp đồng như vậy là rất thiệt thòi”.
Vị này cũng chia sẻ thêm: “Trong những năm qua, với những khó khăn của nhà trường, cũng như huyện, lực lượng này đã có vai trò rất quan trọng. Tôi cũng rất mong muốn, họ sẽ được tiếp tục ký hợp đồng để làm lực lượng dự phòng. Sau này mà có GV về hưu thì thì mình sẽ bổ sung lực lượng này nhưng cũng phải theo đúng quy chế xét tuyển”.
Cũng theo tìm hiểu của PV thì mỗi trường bị cắt từ 3 đến 4 GV, nhân viên. Thậm chí có trường học chấm dứt hợp đồng đến 9 GV, nhân viên.
Đọc tiếp…

Hơn 200 giáo viên, nhân viên mất việc làm trước thềm năm học mới

08:55 |

Hơn 200 giáo viên, nhân viên mất việc làm trước thềm năm học mới

 Hơn 200 giáo viên, nhân viên hành chính của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chính thức bị cắt hợp đồng làm việc. Những giọt nước mắt xót xa rơi khi năm học mới đang cận kề... 

Chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 200 giáo viên, nhân viên
Vừa qua, báo Dân trí có bài viết “Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc làm”, phản ánh việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nội vụ đã có văn bản yêu cầu huyện Kỳ Anh lập danh sách yêu cầu chấm dứt hợp đồng đối với những lao động đang thuộc diện hợp đồng với huyện không qua tuyển dụng trong cơ quan nhà nước.
anh-2-1441288623199
Nỗi buồn trên gương mặt của những giáo viên thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng
Cụ thể, ngày 22/4, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có văn bản số 343/SNV–TCBC về phương án bố trí nhân sự. Theo đó yêu cầu huyện Kỳ Anh phải chấm dứt đối với hợp đồng lao động do UBND huyện hợp đồng làm việc không qua tuyển dụng trong cơ quan nhà nước.
Ngay sau đó, ngày 23/4/2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký văn bản văn số 570/ UBND - NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng.
Tiếp đó, ngày 24/4/2015, Phòng Giáo và đào tạo huyện Kỳ Anh ký văn bản số 44/PGD&ĐT-TCCB gửi các trường yêu cầu lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được huyện ký quyết định hợp đồng vào làm việc tại trường.
Với yêu cầu này, hơn 200 giáo viên, nhân viên trên địa bàn huyện Kỳ Anh sẽ bị mất việc làm.
Trước nguy cơ hơn 200 giáo viên, nhân viên bị mất việc làm, PV Dân trí đã có các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở vào thời điểm đó (đầu tháng 5/2015) thì các vị lãnh đạo xoa dịu bằng cách như: Việc này không phải là cắt hết. Mà các đơn vị đó sẽ ký hợp đồng có thời hạn ở những vị trí có chỉ tiêu tuyển mà chưa được tuyển theo cơ chế tự chịu trách nhiệm, tự chủ. Và việc này là đang chỉ đạo trên văn bản chứ chưa thực hiện.
Tuy nhiên, vừa qua các ngành chức năng huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã mời các giáo viên, nhân viên này lên và đọc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Nhận tin buồn trước thềm năm học mới
Khi các trường học, giáo viên, học sinh trong khắp cả nước đang nô nức, tất bật chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới thì 214 giáo viên, nhân viên hành chính thuộc diện hợp đồng ngắn hạn của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh lại nhận tin buồn: họ sẽ chính thức mất việc làm kể từ ngày từ ngày 25/8.
Cụ thể thị xã Kỳ Anh sẽ có 72 người (1 giáo viên mầm non, 35 giáo viên tiểu học và 36 giáo viên trung học cơ sở), còn tại huyện Kỳ Anh, có 142 giáo viên trên địa bàn huyện (1 giáo viên mầm non, 68 giáo viên tiểu học và 73 giáo viên trung học cơ sở) bị chấm dứt hợp đồng.
“Ngày 25/8 vừa rồi, huyện đã mời chúng tôi lên họp và thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi kể từ ngày 25/8. Nhưng theo hợp đồng đến tháng 9/2015 mới hết nên chúng tôi được hưởng lương đến ngày đó”, cô D.T.H., giáo viên công tác tại một trường THCS ở huyện Kỳ Anh cho biết.
anh-3-1441288623102
Những giọt nước mắt đã rơi
“Gia đình tôi có 6 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai anh đầu phải nghỉ học để cho chúng tôi ăn học. Bố mẹ, anh chị em đều đặt tất cả hy vọng vào hai chị em chúng tôi. Giờ huyện chấm dứt hợp đồng với cả hai chị em chúng tôi khiến tôi thật sự rất buồn, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn”, cô Nguyễn Thị Ái, công tác tại một trường tiểu học ở Kỳ Anh đã bật khóc khi chia sẻ câu chuyện với chúng tôi.
Việc chấm dứt hợp đồng lao động đã khiến những lao động này bị sốc. Trong đó có trường hợp cả 2 vợ chồng đều nằm trong diện bị cắt.
“Chồng tôi dạy được 5 năm rồi, còn tôi 4 năm. Giờ cả hai vợ chồng đều bị chấm dứt hợp đồng, không biết sau này chúng tôi sẽ phải làm gì để sống. Cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn”, giáo viên này chia sẻ.
“Với tấm bằng sư phạm thì xin việc gì cũng rất khó. Chúng tôi cũng muốn được ký hợp đồng với trường cũng được nhưng do huyện tỉnh không cho phép nên nhiều trường cũng không dám, với lại trường cũng không có kinh phí để mà ký hợp đồng”, cô giáo này cho biết thêm.
anh-4-1441288623044
Các giáo viên, nhân viên này đã phải gửi đơn cầu cứu gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT
“Sắp đến ngày khai giảng năm học mới rồi. Chúng tôi sẽ rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh lắm”, những lời tâm sự rơm rớm nước mắt của các giáo viên
Trước quyết định này, 214 giáo viên, nhân viên này đã gửi đơn cầu cứu Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng.
Đọc tiếp…

Thí sinh nháo nhào rút hồ sơ

08:55 |

Thí sinh nháo nhào rút hồ sơ

 Chặng đường xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ đã đi được phân nửa và càng gần về cuối càng gay cấn. Những trường ĐH có đông thí sinh đăng ký xét tuyển xảy ra tình huống nhiều phụ huynh, thí sinh đổ xô rút hồ sơ đã đăng ký xét tuyển.

Ngày 11/8, tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM, sau khi xem thống kê của nhà trường, lo không đậu, nhiều thí sinh quyết định rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, hiện lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đã lên đến 10.000 hồ sơ. Tuy nhiên cũng có khoảng 400 em rút hồ sơ ra. TS. Minh dự đoán, lượng đăng ký sắp tới có thể đông hơn do nhiều thí sinh từ trường khác rút hồ sơ nộp về, điểm chuẩn tạm thời một số ngành còn có khả năng tăng nữa.
rut-ho-so-tai-truong-dh-cong-nghiep-tphcm-120815-d1cb2
Thí sinh rút hồ sơ tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM.
Tương tự, tại trường ĐH Sư phạm TPHCM, những ngày qua có khá đông thí sinh, phụ huynh đến đề nghị rút hồ sơ đã đăng ký xét tuyển. Ghi nhận đến hết ngày 11/8 có hơn 500 thí sinh đã rút hồ sơ tại trường này. Nhà trường đã bố trí hẳn một phòng chỉ dành để trả hồ sơ cho thí sinh, tuy nhiên vì đã có hàng ngàn hồ sơ nhận vào nên việc tìm kiếm hồ sơ cho thí sinh rút ra cũng tốn khá nhiều thời gian.
Thí sinh Hữu Nhơn (Long An) đến làm thủ tục rút hồ sơ, theo quy trình thì đến ngày 12/8, Nhơn mới rút được hồ sơ. Dù nhà trường đã ghi giấy hẹn nhưng Nhơn vẫn lo lắng vì thời gian đăng ký xét tuyển không còn hiều..
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện thì khâu rút hồ sơ có phần chật vật hơn. Sáng ngày 10/8, thí sinh Trần Trung Tính ở An Giang đến rút hồ sơ. Tính cho biết em gửi hồ sơ xét tuyển (qua đường bưu điện ngày 3/8) vào ngành Sư phạm Toán . Sau khi tìm hiểu thông tin hồ sơ đăng ký mà trường công bố, thí sinh này thấy điểm không an toàn nên rút lại hồ sơ.
Sau đó, cán bộ thu nhận hồ sơ thông báo “hẹn ngày 13/8 quay lại để nhận hồ sơ”. Theo lý giải của nhà trường, có thể do có sai sót trong khâu nhập liệu nên một số thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển vẫn chưa có tên trong danh sách đã công khai. Khi thí sinh đến rút hồ sơ, nhân viên của trường sẽ ghi lại họ tên, sau đó ngày hôm sau sẽ trả lại cho thí sinh.
thi-sinh-rut-ho-so-tai-dh-su-pham-120815-5ab73
Đã có hơn 500 thí sinh rút hồ sơ tại trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Ngoài ra, một số trường cho biết trường hợp nộp qua đường bưu điện thì phải mất vài ngày mới tới trường. Trường hợp thí sinh vừa nộp mà ngày sau đến rút hồ sơ thì hồ sơ vẫn chưa đến thì trường khó có thể trả được hồ sơ cho thí sinh ngay được.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, trường đã bố trí 2 phòng và hơn 10 nhân viên để giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ. TS Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết trường nhận được khoảng hơn 10.000 hồ sơ. Trong đó, trường đã giải quyết cho 1.500 thí sinh đến trường rút lại hồ sơ sau khi biết khả năng mình không đậu vào trường.
Trường ĐH Mở TPHCM đã nhận được 4.000 hồ sơ và đã giải quyết cho 150 trường hợp rút hồ sơ. Tại đây, thí sinh nộp phiếu yêu cầu rút hồ sơ sẽ được giải quyết sau 2 giờ. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng nhận hơn 4.000 hồ sơ và ngày hôm qua đã giải quyết cho 200 thí sinh đến rút hồ sơ. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mỗi ngày cũng có cả 100 thí sinh đến rút hồ sơ và được giải quyết nhanh chóng. Trường ĐH Kinh tế TPHCM hiện nay đã có 5.400 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và trường đã giải quyết cho hơn 100 thí sinh rút hồ sơ.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM phân tích: “Ở nhiều trường công lập tên tuổi, nhóm ngành Kinh tế, Công nghệ và cả những ngành kỹ thuật hay nhóm ngành Sư phạm, thí sinh có mức điểm từ 15-17 điểm (chưa nhận hệ số) rất ít cơ hội trúng tuyển. Do đó, thí sinh nên theo dõi sát thông tin mà các trường công bố để rút hồ sơ nộp sang những ngành, những trường có ít hồ sơ”.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Cường, với tình hình hồ sơ đăng ký xét tuyển như hiện nay, từ nay đến ngày 20/8 của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ có rất nhiều thí sinh rút hồ sơ từ những trường có nhiều hồ sơ sang những trường, những ngành có ít hồ sơ. Do đó, các trường cần công khai chính xác lượng hồ sơ đã đăng ký để giúp thí sinh có sự tính toán hợp lý.
Đọc tiếp…

Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A

09:03 |

Cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A

 Thông minh, năng động, nhiệt tình, tự tin và học giỏi là nét nổi bật của Bùi Thị Bích Liên (lớp 12 A1 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Hòa Bình). Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cô học trò người dân tộc Mường đạt 27,75 điểm khối A và 27,5 điểm B.

Các điểm cụ thể của Bích Liên: Toán 9; Hóa 10; Lý 8,75; Sinh 8,5 điểm.
Ngoài ra, Liên còn được cộng 3,5 điểm ưu tiên khu vực và người dân tộc thiểu số.
Em Bùi Thị Bích Liên (học sinh lớp 12 A1 trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Hòa Bình) đạt 27,75 điểm khối A và 27,5 điểm B trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Ước mơ trở thành bác sĩ
Bùi Thị Bích Liên sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, bố là một cán bộ xã, mẹ là nông dân ở xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của bố mẹ, ngay từ nhỏ, cô học trò người dân tộc Mường đã cố gắng học tập tốt để bố mẹ vui lòng. 12 năm đến trường là 12 năm liên tục em được công nhận là học sinh giỏi toàn diện.
Vóc dáng nhỏ bé hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng Liên cũng sớm chứng tỏ mình là một cô học trò thông minh, hiếu học. Em học đều ở tất cả các bộ môn. Cho đến những năm cuối THCS, chính các thầy cô giáo trường THCS Phong Phú (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) đã phát hiện ra em rất có khả năng trong việc học các môn tự nhiên.
Chyển cấp từ THCS lên THPT, Liên đã lựa chọn thi vào trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình.
Với sự nỗ lực không ngừng để đạt được ước mơ trở thành một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, Liên vào học lớp tự nhiên của trường với cương vị là lớp phó học tập. Do đặc thù là trường PTDTNT nên học sinh học tập và sinh hoạt tại trường 24/24 giờ trong ngày. 1 tháng Liên mới về thăm gia đình 1 lần, nhưng chính điều đó đã khiến cho Liên sớm có được cuộc sống tự lập, hàng ngày em đều tự xây dựng thời gian biểu cho riêng mình.
Ngoài thời gian học tập chính khóa trên lớp, là thời gian tự học trên lớp, tự học dưới thư viện và không học thêm ở đâu khác. Liên luôn nỗ lực để lĩnh hội những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa ngay trên lớp, tích cực xây dựng bài, sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong lớp cùng tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp…
Bà nội, em gái, Liên và mẹ tại một góc sân nhà. (Ảnh từ trái qua phải)
Để tiến dần tới ước mơ trở thành bác sĩ, ngay từ đầu năm lớp 10, Liên đã dành thời gian cho các môn học thi khối A và khối B nhiều hơn nhưng em khẳng định tất cả các môn khác đều không được xem nhẹ. Trong các môn học, có lẽ môn Hóa là môn em yêu thích nhất, vì môn học này luôn tạo cho em những nguồn cảm xúc để học các môn học khác tốt hơn.
Những say mê và nỗ lực học tập không ngừng của cô học trò nhỏ đã đem lại những kết quả đáng khích lệ: Năm lớp 11 đoạt giải Nhất môn Toán, giải Nhất giải Toán trên máy tính cầm tay tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 tỉnh Hòa Bình, đoạt huy chương Vàng môn Toán lớp 11 tại Festival các trường Phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc. Năm lớp 12 đoạt giải Nhất môn Hóa, giải Nhì giải toán môn Hóa trên máy tính cầm tay tại các kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 tỉnh Hòa Bình. Kết thúc năm học 2014-2015, điểm trung bình các môn của Liên đạt 9,0, cao nhất trường.
Bí quyết là sự đam mê
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Liên tự tin nói: “Em không có bí quyết gì cả, chỉ là luôn cảm thấy đam mê với các môn học và cảm thấy thật sự lý thú khi biết thêm được những kiến thức mới. Em nghĩ yêu cầu đầu tiên là phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, lĩnh hội được nội dung giảng dạy của thầy cô, rồi mới học đến phần nâng cao, mở rộng. Em cũng chưa từng tham gia học thêm ở đâu ngoài việc ôn luyện trong các đội tuyển để dự các kỳ thi”.
Bích Liên hướng dẫn em gái Phương Linh cách giải một bài toán.
Khi được hỏi có thể đưa ra lời khuyên về phương pháp học tập để đạt kết quả tốt, Liên cho biết: “Để học tốt phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa đã, rồi sau đó mầy mò làm thêm nhiều dạng bài tập nâng cao, cần tự học, tự nghiên cứu để có thể hiểu được bản chất và nhớ lâu, có thể giảng giải lại cho các bạn khác hiểu, giúp bạn cùng tiến bộ nhưng cũng là một lần để khắc sâu những nội dung kiến thức. Theo em, các nhà trường, các bậc phụ huynh cần có những xúc tác nhằm tạo cảm hứng, niềm đam mê cho học sinh học tập thay cho việc thúc ép, kèm cặp, tạo áp lực hay cho đi học thêm quá nhiều sẽ không thật hiệu quả, làm giảm khả năng tư duy sáng tạo của các em”.
Liên chia sẻ thêm: “Đối với học môn Hoá học, muốn đạt kết quả cao cần phải học cả phần lý thuyết và thực hành, trong đó phần Hóa vô cơ tập trung làm nhiều bài tập để rèn luyện kỹ năng, còn đối với Hóa hữu cơ cần đọc nhiều, nhớ tốt và có sự sáng tạo”.
Đọc tiếp…

Phổ điểm kì thi THPT quốc gia năm 2015

11:39 |

Phổ điểm kì thi THPT quốc gia năm 2015

 Chiều ngày 23-7, Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm thi THPT quốc gia 2015. Mặc dù chỉ có 40% câu hỏi phân hóa trong đề thi của kì thi THPT quốc gia nhưng số thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở mỗi môn thi không quá nhiều. Với mức điểm có độ phân hóa cao nên việc xét tuyển của các trường tốp trên sẽ dễ dàng hơn so với tốp giữa.

Theo phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố,  môn Toán chủ yếu thí sinh đạt ở mức từ 5-7,5 điểm. Cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là khoảng 10.000 người. Tuy nhiên ở môn thi này có đến gần 12.000 thí sinh bị điểm liệt (điểm liệt ở kì thi THPT quốc gia là 1 điểm)
Phổ điểm môn Toán (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Toán (nguồn Bộ GD-ĐT)

Đối với môn Văn thì có 11 thí sinh đạt điểm 10, vùng phổ điểm chủ yếu rơi vào mức từ 4-7. Ở môn thi này không có thí sinh nào đạt 0 điểm nhưng có hơn 600 thí sinh bị điểm liệt.
Phổ điểm môn Văn (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Văn (nguồn Bộ GD-ĐT)
Tương tự như môn Văn, vùng phổ điểm chủ yếu của môn Vật lýcũng dao động trong phạm vi từ 4-7 điểm. Đỉnh cao nhất của phổ điểm môn Vật lý là 6. Cả nước chỉ có 1 thí sinh đạt điểm 10 môn Vật lý, có 1.403 thí sinh đạt mức điểm 9,0. Đối với môn thi trắc nghiệm thì mức điểm liệt khá hạn chế. Ở môn Vật lý chỉ có vài trăm thí sinh có điểm thi dưới 1 điểm.
Phổ điểm môn Vật lý (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Vật lý (nguồn Bộ GD-ĐT)

Đối với môn Hóa học thì cả nước có 130 thí sinh đạt điểm 10, vùng phổ điểm chủ yếu rơi vào trong khoảng từ 5-7. Số thí sinh bị điểm liệt rất thấp nhưng đặc biệt có đến gần 300 em bị điểm 0. Tuy nhiên đây có thể là thí sinh đăng ký nhưng không dự thi môn Hóa học hoặc vi phạm quy chế thi.
Phổ điểm môn Hóa học (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Hóa học (nguồn Bộ GD-ĐT)
Vùng phổ điểm môn Sinh học khá thấp khi phổ biến rơi vào mức từ 3-5. Chỉ có 35 thí sinh đạt điểm 10. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi môn Sinh học là môn tự chọn và chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường có xét tuyển tổ hợp có môn học này phân hóa rất cao thể hiện ở chỗ khối các trường Y – Dược mọi năm có điểm chuẩn rất cao còn khối Nông –Lâm – Ngư khá thấp.
Phổ điểm môn Sinh học (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Sinh học (nguồn Bộ GD-ĐT)

Bất ngờ nhất là ở môn Lịch sử khi mà nhiều người cho rằng điểm môn thi này sẽ không cao. Tuy nhiên trên phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố thì vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức từ 4-7. Toàn quốc có đến 11 thí sinh đạt điểm 10. Tổng số thí sinh đạt điểm 0 môn Lịch sử chỉ ở mức 442 em, giảm một cách đáng ngờ so với mọi năm. Số thí sinh bị điểm liệt một Lịch sử (từ 1 điểm trở xuống) chỉ khoảng gần 1.300 em.
Phổ điểm môn Lịch sử (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Lịch sử (nguồn Bộ GD-ĐT)

Vùng phổ điểm môn Địa lý so với mọi năm thì khá cao khi mức phổ biến rơi vào phạm vi từ 5-7,5. Ở môn thi này có 84 thí sinh đạt điểm 10. Số thí sinh bị điểm liệt chưa đến 600 em.
Phổ điểm môn Địa lý (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Địa lý (nguồn Bộ GD-ĐT)
Môn thi có vùng phổ điểm thấp nhất là Ngoại ngữ, vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức 2-3,5 điểm. Điều này phù hợp với thực tế trong việc giảng dạy môn học ngoại ngữ hiện nay. Kết quả này sẽ có tác động tích cực đến việc thay đổi cách dạy và học môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông. Ở môn Ngoại ngữ có 59 thí sinh đạt điểm 10, có đến gần 20.000 thí sinh đạt mức điểm 8 trở lên. Số thí sinh bị điểm liệt chưa đến 200 em.
Phổ điểm môn Ngoại ngữ (nguồn Bộ GD-ĐT)
Phổ điểm môn Ngoại ngữ (nguồn Bộ GD-ĐT)

Qua việc phân tích các vùng phổ điểm như trên cho thấy, tổ hợp 3 môn của các khối thi năm nay có kết quả cao hơn năm ngoái nên ngưỡng điểm chất lượng đầu để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có thể tăng từ 1-1,5 điểm. Đặc biết tổ hợp các môn khối A, B và D sẽ có biến động khá lớn, tuy nhiên mức điểm chuẩn đối với các trường top trên sẽ khó có sự thay đổi đột biến. Số thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển bất kỳ đạt mức tuyệt đối chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, với việc môn Lịch sử có vùng phổ điểm tốt hơn so với kì thi ĐH mọi năm nên ở khối C nguy cơ có sự biến động rộng là điểm khó tránh khỏi.

Đọc tiếp…

Thí sinh có 3 cách để biết điểm thi THPT quốc gia

16:08 |

Thí sinh có 3 cách để biết điểm thi THPT quốc gia

Hôm nay ngày 20-7, hạn cuối các hội đồng thi phải chuyển toàn bộ dữ liệu điểm về Bộ GD-ĐT. Sau khi tổng hợp và xử lý, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi của tất cả các cụm thống nhất trong cùng thời điểm. Thí sinh sẽ biết điểm thi trước ngày 25/7.


Hình thức xem điểm thi năm nay khác với các năm trước do Bộ GD-ĐT quy định. Các thí sinh xem kết quả theo 3 cách:
Thứ nhất: Thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi
Thứ hai: Thí sinh tra cứu kết quả thi qua website của Bộ GD&ĐT theo địa chỉ: http://thi.moet.gov.vn
Thứ ba: Thí sinh tra cứu kết quả thi qua mạng các báo điện tử đã đăng ký kết nối kết quả thi với Bộ GD-ĐT.
Truy cập vào các địa chỉ trên, thí sinh nhập số chứng minh nhân dân và mật khẩu kèm mã xác nhận để tra cứu dữ liệu. Trong trường hợp quên tài khoản và mật khẩu, thí sinh có thể xin cấp lại bằng cách liên hệ với nơi nộp phiếu đăng ký dự thi hoặc sử dụng chức năng gửi mật khẩu về thư điện tử ghi trong phiếu đăng ký tới hệ thống.
Sau khi nhận kết quả thi, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học,
cao đẳng năm 2015.
Theo kế hoạch, từ 1-8, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 đến hết 20-8. 
Với cách xét tuyển vào ĐH,CĐ, thí sinh cần đặc biệt lưu ý tổng điểm các môn thi của khối thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong khối thi dùng để xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống.
Điểm xét tuyển của trường hoặc đối với từng ngành theo từng tổ hợp môn thi được trường sử dụng để xét tuyển. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định và đảm bảo yêu cầu: điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
Quy trình, hồ sơ đăng kí xét tuyển (ĐKXT):
Xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển đợt I để đăng kí vào 01 trường (ĐH, CĐ), mỗi trường thí sinh được đăng kí tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng kí ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác;
Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
3 nguyện vọng bổ sung
Thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng kí tối đa vào 3 trường và mỗi trường được đăng kí tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển thí sinh được rút hồ sơ để đăng kí xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo;
Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển
Hồ sơ ĐKXT bao gồm: Phiếu đăng kí xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, được đăng kí 4 ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng kí xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển.
Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà thí sinh đã đăng kí dự thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi.
01 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.
Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Lệ phí ĐKXT 30.000 đồng/hồ sơ
Thí sinh lưu ý, khi thí sinh đăng kí vào trường nhiều hơn 1 nguyện vọng, các nguyện vọng của thí sinh đều được xét tuyển một cách bình đẳng. Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nhiều nguyện vọng đã đăng kí, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất trong danh sách đăng kí của thí sinh.
Công khai danh sách các thí sinh ĐKXT vào trường
Trong thời gian nhận hồ sơ của mội đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng kí xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh đăng kí xét tuyển vào ĐH, CĐ qua kì thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT yêu cầu ngay sau khi chấm thi xong, các trường ĐH chủ trì cụm thi, in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh qua sở GDĐT để chuyển cho thí sinh.
Sở GDĐT Nhận và chuyển Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đúng thời gian quy định, không để xảy ra thất lạc hoặc chuyển chậm ảnh hưởng đến thời gian đăng kí xét tuyển của thí sinh.
Đọc tiếp…

Chấm bài tự luận Kỳ thi THPT 2015: “Hỏi gà, trả lời... vịt”

16:57 |

Chấm bài tự luận Kỳ thi THPT 2015: “Hỏi gà, trả lời... vịt”

Câu chữ ngô nghê, bài thi để giấy trắng, phải “nhặt” ý đến từng 0,25 điểm và cộng điểm một cách cơ học… đó là những khó khăn mà các giáo viên chấm bài tự luận văn, sử, địa gặp phải trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Văn, sử nhiều điểm 0 nhất
Đề thi các môn tự luận năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là tương đối dễ với cả 2 mức độ, xét tuyển vào ĐH, CĐ và xét công nhận tốt nghiệp. Tuy vậy, nhiều cán bộ chấm thi phải dở khóc dở cười với những bài văn, sử, địa như… từ trên trời rơi xuống.
Các cán bộ đang chấm thi tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. (Ảnh:  Quốc Hải)
Các cán bộ đang chấm thi tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. (Ảnh:  Quốc Hải)
Cô N.T.P – cán bộ chấm thi môn văn tại cụm thi Hải Phòng kể:  Câu 2 phần làm văn có yêu cầu “Cảm nhận về nhân vật người đàn bà làng chài trong đoạn trích bài thơ “Chiếc thuyền ngoài xa”, từ đó bình luận về cách nhìn nhận của tác giả Nguyễn Minh Châu”, có em chỉ chép hết đoạn thơ sau đó dùng trí tưởng tượng miêu tả người phụ nữ rồi quay sang so sánh với… chị Dậu. “Với phần nghị luận về hiện tượng có người chỉ lo túi tiền rỗng nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn khô héo, có em lại viết về cách làm sao để túi tiền không rỗng, sau đó dẫn chứng là phải biết tiết kiệm, dành tiền để… bỏ lợn” – cô P cười.
Trong khi đó, với môn lịch sử, thầy L.X.S - cán bộ chấm thi tại Hà Nội cho biết có một số bài thi viết kín 1 trang giấy nhưng không thể “vớt” được điểm nào vì thí sinh… chép nguyên đề bài rồi để đấy. “Có câu hỏi 3 điểm rất dễ yêu cầu tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 – 1973, có em lại nêu ra “đặc điểm nhận dạng” của nước Nhật Bản thông qua… hoa anh đào, kimono, trà đạo và sushi” – thầy S nói.
Cũng theo thông tin của nhiều hội đồng chấm thi, môn văn, sử là 2 môn bị nhiều điểm 0 nhất, chủ yếu là do thí sinh không hiểu đề bài, viết linh tinh vào bài thi với hy vọng “có chữ có điểm”.Tuy vậy theo các giáo viên, với cách chấm thi như năm nay (đếm ý đến 0,25 điểm) thì không có ý là không có điểm nào. Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cũng cho biết, kỳ thi THPT quốc gia lấy điểm cho cả việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ vì vậy  barem điểm phải chi tiết, vì chỉ cần hơn nhau 0,25 điểm cũng có em trượt – đỗ ĐH nên cán bộ chấm thi không thể… vớt điểm.
Vừa chấm thi vừa lo ngay ngáy
Không chỉ có nội dung, việc chấm thi theo thang điểm quá chi tiết, qua nhiều vòng khớp điểm của các bài tự luận cũng làm cán bộ chấm thi phải “đau đầu”, các cụm thi thì phải đầu tư nhiều công sức và nhân lực.
Một cán bộ chấm thi môn văn tại TP.Hồ Chí Minh phàn nàn, việc chấm và ráp điểm các môn tự luận quá mệt mỏi. “Mỗi bài thi có 2 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo phải 25 lần ghi điểm bằng số thập phân vào bài của thí sinh hoặc vào phiếu cho điểm, sau đó là cộng điểm số thập phân. Chấm văn mà cứ như làm toán, chỉ lo ngay ngáy sai số” – vị này cho biết. Cũng theo cán bộ này, mỗi người chấm nhanh mỗi ngày cũng chỉ được gần 100 bài, chấm chậm chỉ được 40 bài, nhiều người phải mang theo máy tính để cộng điểm như làm toán.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho biết: Đại học Sư phạm là cụm có thí sinh dự thi đông nhất tại TP.HCM với 27.000 em nên trường đã huy động 450 giáo viên chấm thi. Riêng môn văn, trường dành một ngày để thảo luận và chấm thử. Môn sử cũng phải “nâng lên đặt xuống”.
Tương tự, tại cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo trường cho biết: 220 giáo viên phải  làm việc cật lực cả thứ 7, Chủ nhật để chấm 56.000 bài thi tự luận. Đối với các môn tự luận việc chấm sẽ gồm 2 vòng độc lập và trải qua 10 bước khác nhau mới ra được kết quả cuối cùng. Đáng chú ý, tất cả các môn tự luận ở cụm thi này đều đã có bài bị điểm liệt.
Tại cụm thi do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì, đơn vị này phải huy động gần 400 giáo viên tham gia chấm thi các bài tự luận. TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đại học và sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết ngày 15.7 đã hoàn tất việc chấm các môn sử, địa. Riêng môn văn và ngoại ngữ sẽ chậm hơn một chút nhưng dự kiến đến ngày 17.7 kết thúc. “Môn văn có khá nhiều bài thi, lại là môn tự luận, khó chấm nên trường phải huy động hết lực lượng, làm việc ráo riết để đảm bảo đúng tiến độ theo quy định” - ông Chính nói. 
Đọc tiếp…

Cảm động thí sinh đi thi trên đôi tay của cha và thanh niên tình nguyện

08:49 |

Cảm động thí sinh đi thi trên đôi tay của cha và thanh niên tình nguyện

 Cậu bé Chau Giàu bị bại liệt từ nhỏ, không đi đứng được, nhưng em không từ bỏ việc học, đặc biệt là luôn đạt học sinh giỏi với điểm bình quân trên 9. Ngày “vượt vũ môn”, Giàu phải nhờ đôi tay của cha và các anh thanh niên tình nguyện bế em vào phòng thi.

Chau Giàu là học sinh trường THPT Cô Tô (huyện Tri Tôn, An Giang) em dự thi THPT quốc gia tại cụm thi An Giang.
 
Ông Chau Kole - cha em Chau Giàu cho biết, khoảng 1 tuổi, Chau Giàu bị một cơn sốt bại liệt rồi từ đó Giàu không đi đứng được nữa. Tuy cơ thể Giàu lớn lên nhưng chân tay thì teo tóp, đặc biệt là hai chân em không thể đi được, còn hai tay cũng rất yếu, tay phải chỉ có thể cầm được vững cây bút.
“Thấy con bệnh tật như thế nên tôi cũng chẳng để ý đến việc học hành, tuy nhiên khi cháu nó đến tuổi đi học, Giàu cứ một mực đòi đến trường. Nói thật mình chịu con nên đưa đến trường thôi chứ chẳng nghĩ cháu nó học được nói chi đến đạt danh hiệu học sinh giỏi...” - ông Chau Kole chia sẻ.
Cảm động thí sinh đi thi trên đôi tay của cha và thanh niên tình nguyện
Sau khi bị sốt bại liệt, Chau Giàu không đi đứng được và tay phải chỉ cầm được cây bút là vững vàng.

Mặc dù gia đình khó khăn, cơ thể khiếm khuyết nhưng từ năm lớp 6 đến lớp 12, Chau Giàu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm bình quân trên 9. Nhờ thành tích học tập này, Giàu nhận được học bổng tài trợ từ Công ty Xổ số kiến thiết An Giang và Quỹ Khuyến học Châu Á dành cho người khuyết tật.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Chau Giàu khiêm tốn nói: “Thật sự thời gian đầu em gặp vô cùng khó khăn, nhất là phần Tiếng Việt rồi sự mặc cảm về sự khiếm khuyết của cơ thể… Tuy nhiên thấy cha vất vả trong việc bế em đến trường hàng ngày rồi trở về cùng mẹ làm lụng vất vả… Từ đó em tự bảo phải cố gắng học giỏi. Học giỏi để cha mẹ vui và để giúp chính bản thân em. Từ khi vượt qua mọi sự tự ti, em dồn sức vào việc học. Ở lớp em chăm chú nghe thầy giảng bài và ghi chép những điều thầy lưu ý về cách giải các bài toán, công thức quan trọng… Về nhà em ưu tiên làm nhiều bài tập và trước khi đến lớp em thức sơm ôn lại bài”.
Được biết do chân tay Chau Giàu rất yếu nên từ nhỏ cho đến lớn mọi sinh hoạt ở gia đình phần lớn do cha mẹ và anh em hỗ trợ Giàu. Từ năm lớp 6 – lớp 12, khi cha Giàu đưa em đến trường thì từ cổng trưởng đến lớp hoặc những hoạt động khác trong nhà trường, Giàu luôn được người bạn thân Trần Văn Khoa hỗ trợ, từ việc bế lên lớp học, chuẩn bị dụng cụ học tập, mua nước uống, nộp bài kiểm tra, thi…
 
“Thật sự nếu không có bạn Khoa và sự hỗ trợ, thương yêu của quý thầy cô, bạn bè ở các trường mà em theo học, nhất là thầy hiệu trưởng trường THPT Cô Tô thì em khó lòng được chạm vào cánh cửa đại học như hôm nay”, Chau Giàu chia sẻ.
Cảm động thí sinh đi thi trên đôi tay của cha và thanh niên tình nguyện
Chau Giàu đi thi trên đôi tay của cha và các anh thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi.

Ngoài ra, Chau Giàu còn cho biết Giàu còn một người "bạn thân" và không thể thiếu khi ở nhà cũng như ở trường chính là chiếc điện thoại có kết nối GPGS. Nhờ chiếc điện thoại này, Chau Giàu học thêm rất nhiều kiến thức về lĩnh vực công nghệ, thông tin, các chương trình phần mềm vi tính điện thoại hay, mới, Chau Giàu luôn nắm bắt được hết. Tuy nhiên em chưa có cơ hội khám phá và tương tác với các phần mềm đó vì niềm mơ ước có chiếc máy vi tính suốt nhiều năm qua đến nay Chau Giàu vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nay Chau Giàu 18 tuổi nhưng chỉ nặng 26kg, bởi thế giữa hàng trăm thí sinh tại cụm thi trường THPT Bình Khách, Giàu lọt thỏm giữa đám đông. Tuy nhiên, từ trong đôi mắt Giàu chúng tôi thấy tràn đầy nghị lực và có một ước vọng về tương lai tươi sáng hơn khi em quyết tâm đi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH An Giang.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết gia đình ông Chau Kole là một hộ dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, gia đình có 3 đứa con và làm được mấy công ruộng.
Đọc tiếp…

Hơn 950.000 thí sinh đang làm bài thi môn Toán

09:34 |

Hơn 950.000 thí sinh đang làm bài thi môn Toán

Sáng nay 1/7, hơn 950.000 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu làm bài thi môn Toán. Đây là một kỳ thi quan trọng vừa để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa tham gia xét tuyển ĐH, CĐ nên thí sinh và các đơn vị tổ chức đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho kỳ thi này. 

Thí sinh vào phòng thi
Cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi
Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: mọi công việc ở các cụm thi trong cả nước đã diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch và không có hiện tượng bất thường nào xảy ra. Nét mới của kỳ thi năm nay đó là, các cụm thi, điểm thi không có thí sinh ảo, vì thế số lượng thí sinh đến rất đông đủ so với số lượng hồ sơ đăng ký.
Cụ thể, theo thống kê vào chiều ngày 30/6 của Bộ GD-ĐT, có 957.529 thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục dự thi, chiếm khoảng 95% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Kỳ thi quốc gia năm nay có 38 cụm thi quốc gia do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì. Các cụm thi đã bố trí tổng cộng hơn 1.600 điểm thi với gần 35.000 phòng thi.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trong ngày 30/6, đề thi chính thức và đề thi dự bị đã được vận chuyển đến 55 cơ sở sao in đề thi đảm bảo an toàn, đúng quy định của Quy chế thi. Đề thi sẽ được bảo quản trong hòm, tủ, hay két sắt có khoá, được niêm phong và có người bảo vệ 24 giờ/ngày; chìa khoá hòm, tủ hay két sắt do trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi giữ. Trong quá trình vận chuyển, bàn giao đề thi phải có công an giám sát và phải có biên bản giao nhận. Đề thi chính thức chỉ được mở để phát cho thí sinh tại phòng thi đúng thời điểm và môn thi do Bộ GD-ĐT quy định.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các lực lượng xã hội. Các Bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương đều sẵn sàng chung tay, góp sức với Bộ GD&ĐT để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Cụ thể, Ban An toàn giao thông Quốc gia đã có những văn bản chỉ thị đến các tỉnh, thành phố tăng cường đảm bảo toàn giao thông trên tất các tuyến đường có tổ chức điểm thi. Đặc biệt cấm các loại xe tải trọng lượng lớn lưu hành tại các khu vực này từ nay đến hết kỳ thi.
Ngành y tế, điện lực, thương mại, dịch vụ cũng đã vào cuộc. Ngành y tế các địa phương yêu cầu các cửa hàng ăn uống thực hiện cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành thương mại yêu cầu các cửa hàng, khách sạn, nhà nghỉ không tăng giá dịch vụ trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Ngành điện lực cũng đảm bảo cung cấp đủ điện và cử cán bộ kỹ thuật trực tại các điểm thi nhằm xử lý kịp thời khi có các sự cố xảy ra.
Cùng với đó, nhiều địa phương, tổ chức doanh nghiệp, người dân đã trích ngân sách, quyên tiền để hỗ trợ thí sinh, nhất là những thí sinh ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa và những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp, nhân dân đã tham gia với nhiều sáng kiến, sáng tạo, cảm động như: Cung cấp dịch vụ đi lại, bữa ăn miễn phí cho thí sinh và người nhà.
Cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh về Quy chế phòng thi
Cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh về Quy chế phòng thi

Không để sảy ra sai sót nhỏ
Trao đổi với Dân trí chiều ngày 30/6, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Chủ tịch Hội đồng thi cụm thi số 2 cho biết: “Công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại cụm thi số 2 do Trường ĐH Kinh tế quốc dân chủ trì được chuẩn bị chu đáo theo đúng quy định, lịch trình đề ra của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội. Phương án tổ chức kỳ thi đã được Ban lãnh đạo nhà trường, Ban chỉ đạo kỳ thi rà soát kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn sàng và quyết tâm bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh, bảo đảm công khai minh bạch” .
Tuy nhiên, GS Đạt cho hay, năm nay số lượng môn thi nhiều và mục đích để lấy kết quả cho xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nên việc sắp xếp thí sinh được tiến hành khác mọi năm. Các công tác này được sắp xếp bằng máy tính để tối ưu hóa. Mặc dù sẽ có những địa điểm có số buổi thi khác nhau nhưng sẽ không gây khó khăn cho công tác tổ chức.
Một điểm khó khăn chung các cụm thi gặp phải trong khâu tổ chức kỳ thi là năm nay do có nhiều môn tự chọn nên số lượng thí sinh các buổi không giống nhau. Sẽ có những điểm thi sử dụng hết 8 buổi thi, có những điểm chỉ 4 buổi…nên việc chuẩn bị các danh sách, điều động cán bộ và có phương án bảo đảm công việc chuẩn xác là việc không dễ dàng.
Còn tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San – Trưởng BCĐ thi THPT Quốc gia năm khẳng định: Tất cả các công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều đã được tỉnh và các Sở, ngành và hai cơ quan chủ trì tổ chức cụm thi hoàn tất một cách chu đáo. Năm nay là kỳ thi chung đầu tiên và tại tỉnh có nhiều thí sinh của tỉnh bạn đến dự thi nên sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Chính vì vậy BCĐ thi tỉnh Phú Thọ đề nghị trong những ngày thi,  các cán bộ làm nhiệm vụ thi phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra.
Tại tỉnh Thanh hóa, trong ngày 30/6, cả hai cụm thi tại Thanh Hóa đã có gần 46.000 thí sinh hoàn thành các thủ tục, hồ sơ cũng như học quy chế thi. Nhiều sai sót của thí sinh đã được bổ sung, điều chỉnh kịp thời, đảm bảo cho thí sinh đủ điều kiện dự thi.
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định tăng cường lực lượng công an, đặc biệt huy động cả lực lượng cảnh sát cơ động cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày thi. 
Cảm động nhất là tại điểm thi trường THPT Thái Lão, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có hơn 660 thí sinh dự thi. Với số lượng rất lớn thí sinh như vậy đối với thị trấn Hưng Nguyên là địa bàn ít phòng trọ cho thuê, nên vấn đề chỗ ở cho các thí sinh và người nhà trong kỳ thi này trở nên vô cùng khó khăn. Dường như thấu hiểu được nỗi lo của các bậc phụ huynh và thí sinh, những người dân ở đây đã tự nguyện đăng ký với đội thanh niên tình nguyện của thị trấn để cho thí sinh và người nhà ở miễn phí. Thậm chí có những gia đình còn sắm thêm quạt, đồ dùng để đảm bảo sinh hoạt cho thí sinh và người nhà trong thời gian lưu trú tại đây. Thậm chí còn lo cơm nước, phương tiện đi lại cho các thí sinh.
Những nghĩa cử cao đẹp ấy như tiếp thêm động lực cho các thí sinh trong kỳ thi cam go này. Cuối cùng họ chỉ mong sao những thí sinh sẽ đạt được thành tích cao trong kỳ thi, đó điều mà tất cả những người dân ở đây đều chờ đợi. 
Lịch thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 như sau:
Sáng nay, hơn 950.000 thí sinh làm bài thi môn Toán
Sáng nay, hơn 950.000 thí sinh làm bài thi môn Toán
Sáng nay, hơn 950.000 thí sinh làm bài thi môn Toán

Đọc tiếp…