Ngày 10/9, ThS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (TPHCM) cho biết, khoa vừa tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do bệnh viện Đa Khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre chuyển tới.
Trước đó, vào ngày 9/9, nam bệnh nhân là B.V.N. (35 tuổi, ngụ tại Châu Thành, Bến Tre) được người nhà đưa vào bệnh viện với bệnh cảnh lơ mơ, sốt cao, đau đầu, chóng mặt, xuất huyết ngoài da...
Chỉ vì ăn món huyết nấu chưa chín kỹ, bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Xuất huyết dưới da nổi khắp cơ thể người bệnh.
Sau khi xác định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM để được hỗ trợ chuyên môn sâu. Tại đây, qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân đã bị sốc, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa tạng.
Bệnh viện tiến hành hồi sức tích cực chống sốc, cho bệnh nhân sử dụng thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy, sử dụng kháng sinh mạnh, chỉ định lọc máu. Sau một ngày nỗ lực cứu chữa, huyết áp bệnh nhân đã tạm ổn, nhưng tri giác còn lơ mơ. Dự kiến, bệnh nhân sẽ phải điều trị tích cực trong thời gian 1 đến 2 tuần. Chi phí điều trị mỗi ngày có thể tốn khoảng 10 triệu đồng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang điều trị tích cực cho người bệnh
Qua thông tin từ chị T.T.M.H (vợ bệnh nhân), ngày 7/9, chị đi chợ mua huyết heo (lợn) cùng thịt heo về chế biến làm món huyết xào giá đỗ và lá hẹ, thịt heo làm món kho. “Huyết heo tôi mua tại chợ đã được luộc sẵn thành từng cục. Nghĩ là huyết đã chín nên khi làm món xào, tôi chỉ đảo qua rồi cho rau vào. Cả 2 vợ chồng tôi cùng ăn món huyết, còn con gái 17 tháng tuổi thì ăn thịt kho. Sau khi ăn bữa trưa và bữa tối, đến nửa đêm ngày 7/9 anh ấy bắt đầu than mệt. Tôi lấy thuốc cho uống nhưng tình trạng sốt cao, li bì không thuyên giảm. Đến ngày thứ 2 các mảng xuất huyết ngoài da bắt đầu xuất hiện khắp người. Vợ chồng tôi cùng ăn món huyết, nhưng chẳng hiểu sao chỉ có anh ấy bị nhiễm bệnh”, chị H. nói.
Phân tích chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Văn Hảo cho thấy, liên cầu khuẩn từ lợn mang bệnh có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất bài tiết của lợn (vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương, vết xước trên cơ thể người) hoặc ăn những sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường máu rồi tấn công lên não, gây ra tình trạng viêm màng não mủ.
Có 2 thể nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường gặp là viêm màng não mủ, tỷ lệ bệnh nhân tử vong chỉ khoảng 2% đến 3%; thể nhiễm trùng huyết tối cấp, nếu có biểu hiện sốc, tụt huyết áp, trụy mạch, tỷ lệ bệnh nhân tử vong lên tới 80% đến 90%.
Đây là bệnh cảnh nhiễm trùng, nếu may mắn thoát khỏi nguy kịch, người bệnh gần như sẽ bình phục sức khỏe hoàn toàn như trước khi mắc bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị khá khó khăn và rất tốn kém.
ThS.BS Hảo cho rằng, liên cầu khuẩn lợn là bệnh nguy hiểm, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao; tuy nhiên người dân vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức về bệnh, nhiều người vẫn chế biến món tiết canh từ huyết tươi của lợn, thậm chí món ăn chứa cả ổ vi trùng này còn được bán tại các quán ăn, nhà hàng.
Thống kê tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho thấy, từ đầu năm đến nay tại bệnh viện đã tiếp nhận 10 trường hợp mắc phải căn bệnh nguy hiểm trên. 2 bệnh nhân trong số đó đã không thể qua được cơn nguy kịch do sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan.
Để tránh nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, ThS.BS Hảo khuyến cáo những hộ gia đình chăn nuôi loài động vật này nên chú ý vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, vệ sinh cơ thể, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch sau khi tiếp xúc với lợn. Tuyệt đối không ăn tiết canh, chỉ ăn những món chế biến từ thịt lợn, các sản phẩn từ lợn khi đã được nấu chín.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét