“Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của trí tuệ, của tinh hoa - văn minh Việt Nam được kết tụ, vun bồi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử và được nâng lên tầm cao thời đại trong đường lối cách mạng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh”
Tại hội thảo Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực, định hướng phát triển, GS. TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội đã phân tích rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội cách đây 70 năm (19/8/1945-19/8/2015).
Theo GS. TS Phạm Hồng Tung, 70 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, toàn thể dân tộc ta đã nhất tề vùng lên tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam sau gần 100 năm bị nô dịch dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Biến cố "long trời lở đất" ấy cũng đánh dấu sự chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế đã tồn tại hàng chục thế kỷ trên đất nước ta, mở đường và chắp cánh để dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới.
“Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của trí tuệ, của tinh hoa - văn minh Việt Nam được kết tụ, vun bồi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử và được nâng lên tầm cao thời đại trong đường lối cách mạng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh”, GS. TS Phạm Hồng Tung đánh giá.
Theo GS. TS Phạm Hồng Tung thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam sau gần 100 năm bị nô dịch
Bài viết của GS. TS Phạm Hồng Tung cũng chỉ rõ khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II đến hồi chung cuộc, phát xít Nhật đã lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam vào đêm 9/3/1945. Việc “hai quân cướp nước cắn xé nhau chí tử” đã tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Cao trào “kháng Nhật cứu quốc” dâng lên sục sôi, nhiều cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và giành thắng lợi.
Ngày 4/6/1945, khu giải phóng ra đời gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng phụ cận. Chính quyền cách mạng đã bước đầu hình thành với “Thủ đô” ở Tân Trào. Toàn dân tộc Việt Nam cùng sục sôi ý chí quyết vùng lên giành lấy quyền tự chủ, tự định đoạt tương lai của chính mình.
Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra và giành thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu trên phạm vi toàn quốc. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn, kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng. 14 giờ chiều ngày 2/9/1045, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội diễn ra ngày hội non sông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với toàn dân Việt Nam và với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Trong quá trình Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn quốc, theo GS. TS Phạm Hồng Tung, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có tầm vóc và ý nghĩa rất đặc biệt. Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Tin tức dội tới Hà Nội như một cơn địa chấn khổng lồ, làm cho quân Nhật hoang mang dao động, chính phủ bù nhìn lung lay đến tận gốc rễ. Trong khi đó các tầng lớp nhân dân đều sục sôi, sẵn sàng vùng lên tự mình nắm lấy vận mệnh dân tộc.
Thảm trạng đau thương của nạn đói năm Ất Dậu cùng những tin tức về đoàn quân tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp đang lăm le quay lại từ nhiều hướng càng làm cho bầu không khí ở Hà Nội và khắp cả nước thêm nóng bỏng. Một số đảng phái thân Nhật, như Đại Việt quốc xã, Đại Việt quốc dân đảng… cũng ra sức tranh thủ cơ hội, rắp tâm nhảy ra lợi dụng quần chúng để cướp chính quyền.
Tối ngày 14 và 15/8, Xứ ủy Bắc Kỳ đã họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Dù chưa nhận được chỉ thị từ Trung ương, nhưng khi phân tích kỹ tình hình, căn cứ vào Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ ủy cho rằng thời cơ đã tới và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Riêng đối với Hà Nội, Xứ ủy cho rằng việc khởi nghĩa cần phải cân nhắc kỹ, bởi ở đây tập trung tới hơn 10.000 quân Nhật. Vì vậy, Xứ ủy quyết định thành lập ngay Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội do Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang đứng đầu. Ủy ban có nhiệm vụ xúc tiến các điều kiện tiến tới lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.
Thời điểm đó số quân Nhật ở Việt Nam lên đến trên 90.000 người, tuy có khủng hoảng tinh thần nhưng trước sau đây vẫn là đội quân có tính kỷ luật rất cao. Riêng ở Hà Nội số quân Nhật là hơn 10.000 người, trong khi đó, toàn bộ lực lượng vũ trang cách mạng của ta chỉ có 3 chi đội, tổng cộng khoảng 700 người, phần lớn được trang bị thô sơ, dù sục sôi tinh thần chiến đấu nhưng chưa có kinh nghiệm trận mạc.
Theo GS. TS Phạm Hồng Tung, sự chênh lệch quá lớn về lực lượng là vấn đề Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội băn khoăn nhất. Từ ngày 15 và suốt ngày 16/8, Ủy ban và Thành ủy liên tục họp bàn, nhưng chưa xác định đối sách tối ưu với quân Nhật.
Trước những băn khoăn đó thì nhận được tin Tổng hội công chức đang ra sức huy động quần chúng tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào ngày 17/8 để ủng hộ nội các Trần Trọng Kim. Ngay lập tức, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã quyết định chiếm diễn đàn, biến cuộc mít tinh của chúng thành cuộc mít tinh của ta, vừa tranh thủ tập hợp quần chúng, vừa kiểm tra thái độ và mức độ phản ứng của quân Nhật và chính quyền bù nhìn.
Ngày 19/8, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu, theo đúng kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội. Sau cuộc mít tinh khổng lồ ở quảng trường Nhà hát lớn, hơn 200.000 quần chúng dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã tỏa đi chiếm công sở, cơ quan trọng yếu. Chính phủ bù nhìn thân Nhật bị buộc phải đầu hàng nhanh chóng.
Tuy nhiên, cuộc đánh chiếm trại Bảo An binh diễn ra không thuận lợi. Khi lực lượng quần chúng do ông Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy và Đoàn thanh niên xung phong dẫn đầu kéo đến tước vũ khí của đại đội Bảo An binh thì quân Nhật cho xe tăng và binh lính ra ngăn cản đòi tước vũ khí quân cách mạng và chiếm lại trại Bảo An binh.
Trước tình thế gay go đó, vận dụng kinh nghiệm đã có, Ủy ban Quận sự cách mạng và Thành ủy một mặt huy động thêm quần chúng phản đối quân Nhật can thiệp. Đồng thời, ta cử người đến Bộ Tổng tham mưu Nhật thương lượng. Cuối cùng, Bộ Tổng tham mưu Nhật nhượng bộ, rút xe tăng và lính về. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã toàn thắng ở Thủ đô.
Ngay ngày hôm sau, chính quyền cách mạng được thành lập và ra mắt nhân dân. Trong không khí tưng bừng, phấn khởi, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Nội khẩn trương ổn định tình hình, chuẩn bị để Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới.
GS. TS Phạm Hồng Tung viết, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều địa phương trong cả nước. Ngay trong đêm ngày 19/8, từ Dinh Khâm sai, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội dùng điện thoại yêu cầu một số tỉnh trưởng ở Bắc Bộ ban giao chính quyền cho đại diện Việt Minh.
Làn sóng khởi Tổng khởi nghĩa lan nhanh trên cả nước. Ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành phố khác, đảng bộ và Mặt trận Việt Minh nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa thành công đã nhanh chóng đi đến quyết định phát động quần chúng vùng lên giành chính quyền.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét