Thực hiện chương trình hoạt động sau kỳ họp, sáng 6/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Cử tri huyện Thủy Nguyên chào đón Thủ tướng (ảnh: Chinhphu.vn).
Phát triển kinh tế là trọng tâm, đảm bảo quốc phòng là trọng yếu
Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã báo cáo với các cử tri những kết quả quan trọng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Bày tỏ phấn khởi trước những kết quả của kỳ họp thứ 9, các cử tri cho rằng, tại kỳ họp, Quốc hội đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá và thông qua nhiều quyết sách lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội; tin tưởng các quyết sách lớn này sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Cử tri cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ thời gian qua trong thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các giải pháp nhằm giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; tháo gỡ khó khăn cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu kinh tế; nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm đời sống người dân…
Bên cạnh đó, cử tri đã nêu lên nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước và thành phố Hải Phòng liên quan đến việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động tốt hơn nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ ngư dân phát triển nuôi trồng thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho thị trường nông sản; công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn một số di tích lịch sử ở Hải Phòng; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; việc bảo đảm cuộc sống cho người dân ở các vùng dự án; công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của Hải Phòng; vấn đề bảo đảm độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Chú ý lắng nghe ý kiến phát biểu của các cử tri, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng của cử tri đối với những vấn đề lớn của đất nước cũng như những vấn đề sát sườn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những tác động tiêu cực do khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu; tình hình hạn hán, dịch bệnh; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông... Song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhìn tổng quát tình hình kinh tế-xã hội sau gần 5 năm triển khai thực hiện kế Kế hoạch 5 năm (2011-2015), đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên các mặt theo hướng vững chắc hơn, tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.
Đề cập tới các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm vụ đầu tiên là phải tập trung phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn; tăng trưởng kinh tế phải cao hơn trên nền tảng kinh tế vĩ mô phải ổn định hơn. Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng cạnh tranh hiệu quả hơn. Song song với phát triển kinh tế là phải bảo đảm tốt hơn công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; thực hiện hiệu quả công tác phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… Phải bảo đảm cho được sự ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp.
“Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược. Phải thực sự coi phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng-an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Chúng ta phải đoàn kết, chung sức, chung lòng để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược này, vừa qua chúng ta đã làm tốt, bây giờ chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa bằng thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Chung sức để vừa bảo vệ chủ quyền vừa phát triển kinh tế
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất được các cử tri đề cập.
Về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, xây dựng nông thôn mới là chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; được nhân dân đồng tình ủng hộ, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện quyết liệt và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực và đã trở thành phong trào chung của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất hết sức tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng của cử tri
“Bây giờ nói Việt Nam phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trước hết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bởi đất nước ta nông thôn chiếm tới 70%, đô thị hóa mới đạt được 30%. Trong 19 tiêu chí về nông thôn mới cũng chính là 19 tiêu chí để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm ưu tiên, cân đối, huy động các nguồn lực để đảm bảo cho chương xây dựng nông thôn mới được khai thực hiện hiệu quả; tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp về đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Đối với hỗ trợ ngư dân nuôi trồng và chế biến thủy sản, ra khơi bám biển, Thủ tướng khẳng định cơ chế chính sách đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, song Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát để bổ sung các chính sách hỗ trợ, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân, doanh nghiệp nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, ra khơi bám biến. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trao đổi về vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan điểm: Một mặt vừa phải bảo hộ, một mặt chúng ta cũng phải nâng cao sức cạnh tranh; phải đưa khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩn hàng hóa, dịch vụ.
“Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng thì vừa phải bảo hộ để tạo công ăn việc làm, để phát triển; song cũng vừa phải mở cửa để tạo sức ép, để cạnh tranh, để vươn lên, để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Tôi tin việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được, hàng hóa của ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được”, Thủ tướng nhận định.
Liên quan đến công tác bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình Biển Đông vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp, theo đúng với luật pháp quốc tế để giữ vững, để bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chủ quyền của chúng ta trên cơ sở khẳng định đúng với luật pháp quốc tế, đúng với thực tế lịch sử để chúng ta vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trao đổi các ý kiến cụ thể với cử tri liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng khu di tích ngã ba sông Bạch Đằng trở thành một di tích lịch sử cấp quốc gia; chủ trương về đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của Hải Phòng; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn; các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường sinh thái;…
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Hải Phòng đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân địa phương. Thủ tướng mong muốn Hải Phòng phát huy hơn nữa truyền thống, những kết quả đạt được cũng như những tiềm năng, lợi thế của địa phương; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để phát triển nhanh và bền vững hơn, xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, một thành phố cảng, một cực tăng trưởng và phát triển mạnh của khu vực và của đất nước.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét