Bà Nguyễn Thị Xuân kể về những kỉ niệm của 3 người anh trai.
Tôi gặp bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1954, trú xóm 9, xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An) trong chuyến hành trình tìm về chiến trường xưa của những người cựu binh chiến trường Trị - Thiên. Bà chưa một lần mặc áo lính và có mặt trong đoàn quân với tư cách là thân nhân liệt sỹ. Lần này, bà vào Huế để nhận kỉ niệm chương của Ban liên lạc Cựu chiến binh chiến trường B4 – B5 tại Quân khu 4 dành cho người anh trai Nguyễn Duy Tiếp. Bà đi với tâm nguyện lớn nhất là có thể tìm thấy phần mộ của anh trai mình trong chuyến này.
Cụ Nguyễn Thị Hồ (SN 1911) có với người chồng đầu tiên người con trai đặt tên là Hoàng Đình Mạo. Chồng cụ chẳng may qua đời sớm, được sự đồng ý của nhà chồng, cụ Hồ đi bước nữa và sinh được các con Nguyễn Duy Viện (1945), Hồ Duy Tiếp (SN 1950) và Nguyễn Thị Xuân. Tuy nhiên, người chồng thứ 2 của cụ Hồ cũng sớm qua đời khi người con út mới được mấy tuổi đầu.
Lớn lên trong cảnh đất nước loạn lạc, lần lượt 3 người con trai của cụ Hồ đều tòng quân giết giặc cứu nước. Được một thời gian ngắn thì người con trai cả Hoàng Đình Mạo hi sinh. “Anh Mạo hi sinh, đến giờ vẫn chưa biết chôn cất ở đâu. Còn anh Viện chiến đấu ở Lào và được cử về đi học ở Hà Nội 6 tháng. Tuy nhiên, mới học được 3 tháng thì có lệnh phải vào chiến trường gấp. Anh Tiếp thì nhập ngũ vào năm 1968.
Thiếu tướng Võ Văn Chót - Trưởng BLL Cựu chiến binh chiến trường B4-B5 trao kỉ niệm chương của liệt sỹ Nguyễn Văn Viện cho bà Xuân.
Năm 1972, không hẹn mà gặp, anh Viện và anh Tiếp đều về phép cùng 1 ngày. Sau đó thì tiếp tục lên đường. Hòa bình lập lại không thấy anh mô về. Đến năm 1976, mẹ nhận được một lúc 2 giấy báo tử của anh Viện và anh Tiếp. Trong giấy báo tử của anh Viện chỉ ghi “hi sinh ở mặt trận phía Nam” nên gia đình không biết nơi đâu mà tìm để đưa anh về. Còn anh Tiếp hi sinh ở chiến trường Quảng Trị”, bà Xuân kể. Ba người con của mẹ Hồ hi sinh khi chưa kịp cho mẹ một đứa cháu nội.
Theo ông Bùi Thanh Tràng (xóm Trần Phú, xã Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An) – đồng đội cũ của anh Tiếp thì sau khi hi sinh, liệt sỹ Tiếp được mai táng trong một khu rừng. Năm 1976, hài cốt liệt sỹ Tiếp được quy tập vào Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Năm 1985, Nghĩa trang liệt sỹ Hải Phú được cải tạo, nâng cấp. Khi hoàn thành việc nâng cấp thì phần mộ của liệt sỹ Tiếp bị thất lạc bia mộ. Bởi vậy, dù biết đích xác hài cốt liệt sỹ Tiếp được quy tập vào Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Phú nhưng là phần mộ nào trong số hàng trăm phần mộ “chưa biết tên” thì không ai biết.
Lần này, bà vào Quảng Trị với tâm nguyện tìm được phần mộ của người anh trai thứ 3...
Năm 2002, cụ Nguyễn Thị Hồ qua đời khi vẫn đau đáu một nỗi niềm: tìm và đưa được phần mộ của 3 người con trai về quê nhà. Là người em gái duy nhất của 3 người anh liệt sỹ, bà Xuân được mẹ gửi gắm lại ước mong lớn nhất của đời bà. Trong chuyến hành trình cùng các đồng đội của anh Tiếp năm xưa, bà Xuân mang theo tâm nguyện của mẹ nhưng biết anh ở đâu giữa hàng trăm ngôi mộ chưa biết tên?
“Trước khi lên đường, chị thắp hương khấn lên bàn thờ các anh. Nếu đúng là anh Tiếp thì khi đi qua mộ, cho chị hắt hơi 3 lần hoặc vấp 3 lần. Lúc đi qua mộ, chị bị vấp vào 3 góc mộ. Hình như anh ấy đã nghe thấy lời khẩn cầu của chị? Nhưng giờ làm sao mà biết được đích xác là anh Tiếp nằm dưới đó”, bà Xuân buồn bã.
Nhưng biết anh nằm ở đâu giữa những phần mộ "chưa biết tên" này?
Trong suốt buổi nói chuyện, bà Xuân không ít lần xúc động rơi nước mắt khi kể về những kỉ niệm với 2 người anh trai của mình (anh Mạo ở với nhà nội – PV). Là em gái duy nhất trong nhà, bố lại mất sớm nên chị Xuân được các anh trai bao bọc, cưng chiều. Thời đó, đói khổ triền miên, cả năm mới được vài bữa ăn no, quần áo cũng vá chằng vá đụp. Bởi vậy, khi tòng quân giết giặc, anh Tiếp được phân phối 2m vải gụ. Thương em gái đã đến tuổi lớn mà cũng chỉ biết mặc quần áo vá, anh Tiếp nhường lại tấm vải gụ cho em.
“Năm 1972, anh Viện và anh Tiếp về thăm nhà. Lần đó, chị giặt quần áo cho hai anh nhưng đến tối thì toàn bộ quân phục của các anh bị kẻ trộm lấy mất. Hai anh vào chiến trường mà không có quân phục. Biết em gái lo, lúc ra đi, các anh còn trấn an “em yên tâm, vào đó thiếu thốn gì thì đã có đơn vị, có đồng đội giúp đỡ”. Bà chỉ ước mình có cơ hội để mua cho các anh bộ quần áo mà không được nữa rồi”, nước mắt bà trào ra.
3 người anh ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng bà vẫn chưa tìm được ai để đưa về với mẹ...
Chuyến hành trình kết thúc, bà trở về mà không thực hiện được tâm nguyện của người mẹ quá cố. Các anh của bà vẫn nằm lại đâu đó trên các khu rừng hay đã được sum vầy bên các đồng đội trong những nghĩa trang? Câu hỏi đó cứ buốt nhói chúng tôi suốt chặng đường về…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét