Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tại TPHCM còn thấp
Tính đến hết năm 2014, tổng số dân trên địa bàn TPHCM là gần 8 triệu người. Là trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người cao, tuy nhiên các chính sách liên quan đến Bảo hiểm Y tế vẫn chưa đi sâu vào đời sống. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội thành phố, hiện mới chỉ có 5,5 triệu người tham gia Bảo hiểm Y tế, chiếm 69,1% dân số, con số trên thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 71,6%.
Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố, trên địa bàn hiện có 171/322 trạm y tế tuyến phường xã đủ năng lực khám Bảo hiểm Y tế ban đầu, trong đó 114 trạm triển khai công tác khám chữa bệnh bảo hiểm cho nhân dân. Trong năm 2014, Bảo hiểm Xã hội thành phố kết dư hơn 900 tỷ đồng, tuy nhiên độ bao phủ bảo hiệm hiện còn thấp.
Bộ Trưởng đề nghị thành phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm
Để tiến đến Bảo hiểm Y tế toàn dân, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết, trong năm 2015 cả nước sẽ phấn đấu đạt độ bao phủ 76% Bảo hiểm Y tế trên tổng dân số. Để đạt được bước phát triển này, TPHCM sẽ phải phát triển thêm hơn 500.000 đối tượng tham gia Bảo hiểm Y tế, đây là một thách thức không nhỏ trước những thay đổi về luật bảo hiểm thời gian qua.
Để thị sát tình hình thực hiện Bảo hiểm Y tế toàn dân, ngày 13/3 Bộ trưởng Y tế cùng đoàn đã có cuộc làm việc tại UBND phường 14, quận Bình Thạnh và bệnh viện quận Bình Thạnh, TPHCM. Thực tế ghi nhận trên địa bàn quận Bình Thạnh mới chỉ có 70% người dân tham gia Bảo hiểm Y tế. Nhiều đối tượng thuộc diện Bảo hiểm Y tế hộ gia đình nhưng quận chưa kiểm soát được.
Sự chênh lệch quá lớn giữa tỷ lệ đăng ký khám bảo hiểm ban đầu tại trạm y tế và bệnh viện tuyến quận đang diễn ra tại Bình Thạnh. Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội đang triển khai Bảo hiểm Y tế tại 2 đơn vị là bệnh viện Nhân Dân Gia Định và bệnh viện quận Bình Thạnh cùng 3 trạm y tế phường. Tuy nhiên, số đăng ký khám bệnh tại trạm y tế phường chỉ có khoảng 300 thẻ, trong khi đó tại bệnh viện quận Bình Thạnh là 272.000 thẻ; bệnh viện Nhân Dân Gia Định hơn 200.000 thẻ.
Những vướng mắc cần sớm khắc phục
Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thì người muốn mua bảo hiểm tự nguyện riêng lẻ sẽ không được giải quyết. Muốn mua bảo hiểm tự nguyện, cả gia đình phải tham gia. Luật mới sửa đổi có chính sách khuyến khích người dân khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi.
Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua Bảo hiểm Y tế sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Bệnh viện quận 2 đã thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị
Tuy nhiên, nhiều khó khăn đã phát sinh khi thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi. Tại buổi làm việc của Bộ trưởng với UBNDTP.HCM và các bên liên quan, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết: Nhiều trường hợp có tên trong hộ khẩu nhưng đã thoát li gia đình ra nước ngoài học tập, sinh sống hoặc đến địa phương khác lập nghiệp nhưng chưa tách khẩu. Những trường hợp này không có nhu cầu tham gia Bảo hiểm Y tế nhưng không có cơ sở loại trừ khỏi diện tham gia theo hộ gia đình. Do cơ quan công an không xác nhận tạm vắng nên những người thân trong gia đình có người thoát li không mua được bảo hiểm vì thiếu nhân khẩu tham gia.
Tại TPHCM có rất đông người nhập cư sinh sống nhưng không đủ điều kiện cấp sổ tạm trú nên cũng không đủ điều kiện mua Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình. Bên cạnh đó một số bệnh mạn tính như: viêm gan siêu vi rút, hen phế quản… không nằm trong danh mục các bệnh, nhóm bệnh được sử dụng giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch; trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm phải photocoppy giấy chứng sinh khi đi khám chữa bệnh; sự chênh lệch quá lớn về trang thiết bị y tế, chất lượng chuyên môn và danh mục thuốc bảo hiểm giữa tuyến phường xã và quận huyện khiến người dân đổ dồn lên quận huyện đăng ký bảo hiểm; hộ cận nghèo phải đồng chi trả 30% phí mua bảo hiểm… đang tạo nên những rào cản, phiền hà cho người bệnh.
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết ngành y tế sẽ phối hợp với ngành công an trong việc xác nhận tạm trú tạm vắng để tìm giải pháp cho vấn đề Bảo hiểm Y tế hộ gia đình. Bộ trưởng nhấn mạnh, bảo hiểm hộ gia đình là chính sách an sinh xã hội mang tính bước ngoặt để tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân. Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn chưa hiểu rõ về những ưu việt của Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi nên các ban ngành liên quan cần phải đẩy mạnh truyền thông để người dân nắm rõ quyền lợi của mình.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan ghi nhận những phản ánh thực tế những khó khăn trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm để có những thay đổi cho phù hợp với mục tiêu mang lại cho người dân nhiều quyền lợi nhất, cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh ở mức cao nhất
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét