Sinh năm 1989, Lê Hoàng đã có một lựa chọn khá táo bạo: Bỏ công việc lập trình lương cao, ra nước ngoài học kinh doanh và rồi, hợp sức cùng bạn bè mở công ty phần mềm của riêng mình.
Lê Hoàng (bên trái) trong lễ nhận giải thưởng "Khởi nghiệp tốc độ" tại Phần Lan
Giải thưởng từ một quyết định gây “sốc”
Học chuyên ngành Kỹ sư phần mềm của Đại học FPT, từ năm thứ ba đại học, Lê Hoàng (quê Quảng Ninh) đã đi làm tại hai công ty phần mềm lớn ở Hà Nội. Ra trường, công việc của Hoàng tiến triển khá thuận lợi, và sau khoảng hai năm, cậu đã trở thành một lập trình viên dày dạn kinh nghiệm với mức lương khá rủng rỉnh.
Hoàng tâm sự, cậu rất thích lập trình, nhưng sau hai năm đi làm, cậu cảm thấy mình cần một thứ gì đó khác cho sự nghiệp. Cảm giác không muốn theo mãi một lối mòn càng lớn dần lên, thúc giục Hoàng. Nhưng thực sự điều mình muốn là gì vẫn là một câu hỏi lớn với Hoàng. Suy nghĩ nhiều tháng, Hoàng quyết định tạm nghỉ công việc hiện tại, đi du lịch, tới những nơi mình chưa bao giờ đặt chân để làm mới lại bản thân và để hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng với mình.
Quyết định nghỉ việc để “xách ba lô lên và đi” của Hoàng gây sốc cho cả công ty và gia đình. Ngày Hoàng quyết định nghỉ việc, cả giám đốc và bộ phận nhân sự đều tới tận nơi hỏi chuyện: "Chả lẽ em có gì bất mãn với công ty à? Tại sao tự dưng lại nghỉ việc?" Nhưng sau khi nghe Hoàng nói về mong muốn của mình, mọi người đều hiểu và ủng hộ cho quyết định của cậu.
Nửa năm sau đó là những chuyến du hành "bụi" của Hoàng tới những miền đất xa xôi kỳ lạ của Tổ quốc: từ mũi Ngọc (Quảng Ninh) tới mũi Cà Mau, từ cực Đông xa xôi tới đỉnh Phanxipang hùng vĩ. Và rồi thông qua tổ chức tình nguyện AIESEC, Hoàng tiếp tục cuộc chu du bằng việc đi dạy tiếng Anh cho các em nhỏ mồ côi trong một ngôi chùa ở Malaysia. Tại đây cậu có cơ duyên được sống trong một môi trường thanh tịnh, ăn chay, niệm Phật, sống cuộc một thầy tu thực sự.
"Những trải nghiệm kỳ lạ đó đã thay đổi suy nghĩ của mình rất nhiều. Được tới những vùng đất mới, làm những điều chưa từng thử qua và sống nhiều cuộc sống khác nhau làm mình có cái nhìn tích cực và toàn diện hơn về khả năng và mon muốn của bản thân. Ngày trở về sân bay Nội Bài mình nhận ra mình không còn là mình lúc bước đi nữa. Và việc đầu tiên mình làm ngày hôm sau... ngồi vào bàn học SAT để chuẩn bị cho kỳ thi vào Aalto University. Trong đầu mình lúc đó chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải sang Châu Âu học kinh doanh và mình rất tự hào rằng mình đã làm được điều đó."
Đi học một chuyên ngành hoàn toàn mới ở trời Âu khiến Lê Hoàng gặp không ít khó khăn: Sống xa nhà, phải tự làm quen, thích ứng với môi trường mới, đặc biệt là khó khăn về vấn đề ngôn ngữ, bởi người Phần Lan tuy sử dụng tốt tiếng Anh nhưng trong kinh doanh, giao dịch, vẫn dùng chủ yếu là tiếng Phần. Tuy nhiên, Hoàng đã từng bước vượt qua những khó khăn, dần quen với việc học, nghiên cứu… Song song với việc học tiếng, học chuyên ngành, Hoàng đã chủ động bắt tay vào làm kinh doanh, nuôi ý tưởng khởi nghiệp.
Nhận thấy môi trường làm khởi nghiệp ở Phần Lan cực kỳ thuận lợi, Hoàng đã rủ bạn bè cùng tham gia với mình. Đạt và Ninh, hai người bạn thân thời đại học của Hoàng – một đang sống ở Singapore, một cũng đang học ngành Kinh doanh ở Phần Lan đã trở thành những bạn đồng hành “lý tưởng” của chàng thanh niên 25 tuổi.
Năm 2014, Hoàng và các bạn cùng phát triển nên một phần mềm có tên “Survey in Pocket” – một ứng dụng web giúp tạo các survey đẹp và phù hợp để làm trên điện thoại thông minh. Nhóm của Hoàng mang sản phần tới tham gia một cuộc thi khởi nghiệp có tên Ahjo Accelerator Program – “Khởi nghiệp tốc độ” tại Phần Lan. Sản phẩm tốt, tiềm năng ứng dụng và phát triển trong thực tế cao, nên dự án của nhóm nhận được sự ủng hộ và góp ý rất nhiệt tình từ phía Ban tổ chức.
Sau những tuần lễ gấp rút “chiến đấu”: Trình bày ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm và tìm nguồn khách hàng… một cách thuyết phục, nhóm đã giành chiến thắng rực rỡ tại cuộc thi khởi nghiệp Giành giải Nhất chung cuộc, nhóm của Hoàng được nhận phần thưởng là một chuyến đi tham quan, học hỏi tại thung lũng Silicon (Mỹ), đồng thời được chính phủ tài trợ 200 triệu (không hoàn lại), chính thức đưa công ty vào hoạt động.
Đúng như tinh thần từ cái tên cuộc thi, công ty của Hoàng ra đời và bước vào hoạt động với tốc độ nhanh đến ngỡ ngàng. Nhiều công ty tại Phần Lan cũng chú ý tới nhóm bạn trẻ và ngỏ ý cùng hợp tác, đưa Survey in Pocket đến với khách hàng của họ. Với mỗi yêu cầu khác nhau, khách hàng của công ty phải trả mức giá 50–300 euro mỗi tháng. Hiện, công ty của nhóm bạn đã hoạt động được nhiều tháng ở hai thành phố của Phần Lan là Turku và Mikkeli.
Lê Hoàng và bạn trong đêm nhận giải nhất cuộc thi khởi nghiệp
Mơ ước “truyền lửa” khởi nghiệp cho người trẻ
Theo Lê Hoàng, bất cứ bạn trẻ nào có đam mê, ý tưởng, đều có thể bắt tay vào gây dựng sự nghiệp của riêng mình. Bí quyết để Hoàng có được những thành công bước đầu này cũng không có gì đặc biệt, ngoài khả năng chuyên môn và tích lũy được những kỹ năng quan trọng ngay từ thời còn đi học.
“Theo những gì mình học hỏi được từ kinh nghiệm của người có kinh nghiệm thì một điều rất quan trọng khi đánh giá startup đó chính là yếu tố con người. Từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường hãy tranh thủ rèn luyện các kĩ năng teamwork: biết cách phối hợp kỹ năng mỗi người, quản lý thời gian và công việc, khả năng thuyết phục, lãnh đạo… Tất cả sẽ trở nên cực kỳ cần thiết trong thực tế” – Hoàng đưa ra lời khuyên.
Trong tương lai, bên cạnh việc điều hành và phát triển công ty riêng, Hoàng còn ôm ấp nhiều ý tưởng, mơ ước liên quan đến marketing và khởi nghiệp. Đặc biệt, trong khả năng của mình, Hoàng muốn giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam và Phần Lan, truyền cảm hứng, kinh nghiệm và cơ hội cho những người trẻ có đam mê khởi nghiệp.
“Mình có hai mối quan tâm đặc biệt tới marketing và entrepreneurship (khởi nghiệp). Vì thế bên cạnh làm việc tại công ty của mình, mình còn tham gia phát triển các cộng đồng khởi nghiệp ở Phần Lan. Công việc chính của mình là quảng bá hoạt động của các tổ chức này tới các bạn sinh viên trẻ, giúp họ mở rộng quan hệ và tiếp cận với các cơ hội khởi nghiệp. Hiện tại mình đang tham gia vào ban tổ chức của hai cuộc thi khởi nghiệp là NASA Space App Challenge 2015 và Ahjo Accelerator Program 2015, và mình hy vọng sau này sẽ tổ chức được các chương trình tương tự tại Việt Nam”
nguồn : dân trí
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét