Sinh viên hệ cử tuyển tập trung vào những ngành đào tạo có điểm đầu vào cao, trong khi năng lực chưa phù hợp nên rơi rớt dần.
“Học lực sinh viên (SV) cử tuyển rất kém, lâu lâu mới có được người khá. Trong khi giáo dục ĐH đang tăng chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra ngày càng cao thì SV cử tuyển ngày càng khó theo kịp” - ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết. Tại các trường, số SV cử tuyển được tốt nghiệp ít dần.
Tốt nghiệp ít, bỏ học nhiềuTừ năm 1990 đến nay, mỗi năm, Trường ĐH Kinh tế TP HCM đào tạo khoảng 30-40 chỉ tiêu hệ cử tuyển. Nếu năm 2010, SV cử tuyển tốt nghiệp đạt 50% thì năm 2011 đạt 45%, năm 2012 còn 36% và đến năm 2013 chỉ có 2/44 SV đủ điều kiện tốt nghiệp đúng hạn.
“Chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp như bố trí SV tình nguyện kèm cặp, phụ đạo trước kỳ thi... nhưng kết quả không cải thiện được là bao” - ông Đương cho biết.
Trường ĐH Luật TP HCM năm 2007 và 2008 được giao đào tạo 40 chỉ tiêu/năm, năm 2009: 25 SV, năm 2010: 47 SV, năm 2011 là 48 SV nhưng số tốt nghiệp thưa thớt dần. Cụ thể, năm 2008 chỉ có 22 SV tốt nghiệp, năm 2009 còn 17 SV, năm 2010 là 21 SV và năm 2011 có 22 SV. Trường ĐH này từ năm 2008 đến nay mỗi năm chỉ có 3-6 SV cử tuyển học lực khá, còn lại là trung bình.
|
Học sinh hệ cử tuyển tập trung vào các ngành y dược, chiếm 26% tổng chỉ tiêu |
Trường ĐH Dược Hà Nội khóa 2009 có 61 SV hệ cử tuyển nhập học thì chỉ 33 người tốt nghiệp, 10 thôi học; năm 2010 chỉ có 27 SV tốt nghiệp và đến 13 thôi học; năm 2011 chưa có SV tốt nghiệp nhưng có đến 35 người thôi học. Tại Trường ĐH Quy Nhơn, năm 2007-2008 có 14 SV nghỉ học do ngừng tiến độ học tập, bị buộc thôi học do không đủ điều kiện hoặc tự ý nghỉ học; năm 2008-2009 con số này là 30 SV...
Lãnh đạo các trường cho biết nguyên nhân SV không đủ điều kiện tốt nghiệp hoặc phải thôi học là do đầu vào thấp; sau 1 năm dự bị vào học cùng các lớp SV chính quy có sự chênh lệch trình độ. Hầu hết SV học không nổi, đặc biệt là các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên, do vậy kết quả học tập không đạt yêu cầu.
Chọn ngành quá sứcPGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết: “Có hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú đến Khoa Y ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất nhận 20 chỉ tiêu cử tuyển ngành y đa khoa nhưng chúng tôi kiên quyết không nhận. Ngành y đòi hỏi SV phải có năng lực thực sự. Mỗi năm, khoa chỉ đào tạo 100 chỉ tiêu nên không thể nhận những SV không đạt trình độ”.
Theo PGS-TS Nghĩa, việc quy hoạch chỉ tiêu tại các địa phương chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều tỉnh chạy theo chỉ tiêu ngành y, trong khi ngành này mang tính đặc thù, không thể đào tạo tràn lan.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cũng nêu thực tế mỗi năm, trường này nhận khoảng 80-150 chỉ tiêu đào tạo hệ cử tuyển nhưng hồ sơ chủ yếu tập trung vào ngành y đa khoa - là ngành mà điểm đầu vào thường từ 25 trở lên. Trong khi đó, SV cử tuyển có học lực trung bình nên trường buộc phải phân bổ chỉ tiêu cho các ngành khác và chỉ giữ khoảng 15% chỉ tiêu vào ngành y đa khoa.
“Đào tạo y dược có nhiều khái niệm, đòi hỏi sinh viên phải có năng lực nhất định. Do vậy, các tỉnh cần cân nhắc khi chọn học sinh cử tuyển ngành y” - ông Dũng đề nghị.
Để tránh tình trạng “bỏ thì thương vương thì tội”, ThS Nguyễn Văn Đương cho rằng Bộ GD-ĐT cần có giải pháp sắp xếp SV hệ cử tuyển vào các trường ĐH phù hợp với năng lực nhằm tránh lãng phí. Ngoài ra, theo đại diện nhiều trường, để nâng cao chất lượng đào tạo, các địa phương cần thực hiện giám sát, kiểm tra việc xét tuyển học sinh cử tuyển nhằm bảo đảm những SV được xét đưa đi học đều đúng đối tượng, có đầu vào cao, đủ khả năng theo học bậc ĐH.