Cần lưu ý những món có thể gây sỏi thận

21:24 |
Những thủ phạm gây sỏi thận được điểm mặt gồm: canxi (có nhiều trong xàlách soong, hạt dẻ, quả ôliu, trái vải, mận, hạnh nhân, sữa (các loại), phomát, sôcôla, đậu trắng, đậu tương, đậu Hà Lan, rau dấp cá, trứng, tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến…

Tại khoa niệu của các bệnh viện, người ta thường thấy treo một danh sách các món ăn có thể gây sỏi thận để bệnh nhân theo đó mà tránh. Đó là một “bảng phong thần” đủ dài để gây khó khăn cho các nhà nội trợ tài ba nhất, vì gần như không ăn gì cả mới không bị sỏi!

Chớ kiêng cữ thái quá

Theo đó, thủ phạm gây sỏi thận được điểm mặt gồm: canxi (có nhiều trong xàlách soong, hạt dẻ, quả ôliu, trái vải, mận, hạnh nhân, sữa (các loại), phomát, sôcôla, đậu trắng, đậu tương, đậu Hà Lan, rau dấp cá, trứng, tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến…; urate (có nhiều trong cật heo, cá chày, cá đối, thịt bò, bê, tôm hùm, gan (các loại), tôm, cua ngao, sò, ốc, hến…); phosphat (có trong cacao, đậu nành, đậu tương, đậu Hoà lan, cá mòi, bơ các loại, gan các loại...); oxalate (có nhiều trong dưa chuột, củ cải đỏ, măng tây, dâu tây, trà đặc, me chua, hạt tiêu…).

Không những chỉ có các thức ăn cao cấp như tôm hùm, phomát, quả ôliu… mà cả những món hết sức bình dân như rau dấp cá, me chua cũng không thoát khỏi. Rất nhiều bệnh nhân không thể theo nổi chế độ tiết thực khắc nghiệt như vậy nên đành bỏ. Một số người khác trở lại tái khám trong tình trạng “thon thả quá độ” vì chỉ dám ăn cơm với rau muống, cà pháo!


Cần lưu ý những món có thể gây sỏi thận
                          Cách đơn giản để phòng ngừa sỏi thận là uống thật nhiều nước.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, chủ tịch hội Tiết niệu – thận học Việt Nam; phó giám đốc bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết, đa số các món ăn trong danh sách nói trên tuy mang hàm lượng chất gây sỏi cao, nhưng việc giảm ăn chúng có kết quả hết sức hạn chế, nhất là đối với loại thức ăn có oxalate. “Việc giảm ăn sau khi điều trị chỉ cần nghiêm ngặt đối với các món như: sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, kem, phomát, yaourt) vì chúng làm tăng sự hấp thu canxi qua ruột. Khi dùng 100mg canxi trong thức ăn, chỉ có vài gram số đó qua được niêm mạc ruột.

Nhưng nếu có sữa kèm theo thì mức hấp thụ đó tăng lên khoảng 20 lần. Nên nhớ là canxi trong thuốc (thuốc bổ, canxi viên...) đã được điều chế thành các muối để sự hấp thu gần như 100%. Các loại tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến thì thỉnh thoảng dùng cũng không sao”, PGS Chuyên nói. Theo PGS Chuyên, nguyên nhân gây ra sỏi thận chưa được biết chính xác, trong đa số các trường hợp là do nhiều nguyên nhân phối hợp. Hơn 90% sỏi được cấu tạo bởi chất vôi canxi (calcium) hoặc manhê (magnesium) phối hợp với phosphat hoặc oxalate, số còn lại là sỏi hữu cơ như: cystine, axít uric. Những nguyên nhân sau đây được biết có ảnh hưởng lên sự hình thành sỏi: sự hiện diện quá nhiều những chất tương đối kém hoà tan trong nước tiểu như calcium, oxalat, cystine, axít uric; sự biến đổi của nước tiểu về mặt lý tính (số lượng nước tiểu, độ kiềm toan của nước tiểu); sự bế tắc đường tiểu.

Cần phát hiện và điều trị thật sớm

PGS Chuyên cho biết sỏi thận là một bệnh có nhiều biến chứng với mức độ nguy hiểm rất cao. Việc phòng ngừa các biến chứng rất quan trọng bằng cách cố gắng phát hiện và điều trị thật sớm. Những bệnh nhân đã từng bị sỏi thận cần được theo dõi phòng ngừa tái phát. Phương thức phòng ngừa dựa trên cấu tạo hoá học của sỏi. Do đó, khi tiểu ra sỏi hoặc được điều trị bằng phẫu thuật, nội soi hoặc tán sỏi, hòn sỏi cần được gửi phòng xét nghiệm để phân chất. “Có khoảng 30% số người bị tái phát sỏi vì không nắm được các thức ăn chủ yếu cần phòng ngừa cho thích hợp. Vì vậy, bệnh nhân nên biết loại sỏi mình đã bị để có cách phòng thích hợp nhất”, PGS Chuyên lưu ý. Nếu không có phân chất sỏi, người bác sĩ niệu khoa có thể dựa trên các yếu tố sau để quyết định cách phòng ngừa cho bệnh nhân: tính chất sỏi trên phim X-quang, loại tinh thể tìm thấy trong nước tiểu, trắc nghiệm tìm cystine và alpha nitrogen trong nước tiểu, bất thường trong phân chất máu.

Lưu ý, có rất nhiều loại sỏi được hình thành với nhiều cơ chế đối nghịch nhau. Nếu dùng lầm một loại thuốc phòng ngừa sỏi khác không đúng quy cách thì hậu quả có thể là sỏi còn nhanh chóng hình thành hoặc to thêm. Do đa số các hòn sỏi thuộc loại phối hợp nhiều thành phần với nhau mà đôi khi các công thức phòng ngừa cho từng loại lại đối nghịch nhau, người bác sĩ chuyên khoa bắt buộc phải chọn thành phần sỏi nào là chủ yếu để chọn chiến thuật thích hợp nhất. “Có hai điều người dân cần lưu ý: hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, không nên dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác. Sau khi được mổ lấy sỏi, xin đừng hỏi phẫu thuật viên: “Thưa bác sĩ, cục sỏi của tôi đâu cho xin”, mà hãy hỏi “Xin cho biết kết quả phân chất hòn sỏi của tôi”, PGS Chuyên dặn dò.
Đọc tiếp…

Những hậu quả không kiêng cữ sau sinh

15:26 |

Thế mới biết có câu " có thờ có thiêng có kiêng có lành" Mới chỉ sinh một đứa con mà sức khỏe tôi như giảm đi 50% vì không kiêng cữ sau sinh.

Tôi sinh bé đầu đã được 8 năm nhưng cứ nghĩ đến việc phải sinh đứa thứ 2 cho tròn nghĩa vụ là lại đau đầu vô cùng. Nói thật, nếu được lựa chọn, chắc tôi chỉ sinh một đứa. Người xưa nói, “sinh một đứa con, giảm 5 tuổi thọ” chẳng sai chút nào. Tôi đây mới sinh có một đứa mà sức khỏe như đã giảm đi đến 50%. Vì không tìm được bằng chứng khoa học chứng tỏ các quan niệm kiêng cữ sau sinh của các cụ là đúng nên hồi đó tôi đã không nghe theo lời mẹ chồng phải kiêng nước, kiêng gió… và giờ tôi “lãnh đủ”.

Tôi xin “than nghèo, kể khổ” những đau đớn tôi phải chịu đựng do không chịu kiêng cữ sau ngày sinh bé Chíp ra đây với hy vọng sẽ giúp chị em biết đường ở cữ đúng cách và không phải lãnh chịu hậu quả như tôi.

Thứ nhất là hậu quả do tôi không kiêng nước: Hồi đó, vì mẹ đẻ tôi bận nên tôi chỉ được mẹ chồng chăm sóc khi sinh nở. Vậy nhưng chị em cũng biết đó, mẹ chồng nàng dâu nên rất khó để nhờ vả mọi việc. Bà chỉ giúp tôi bế Chíp, còn tất cả mọi sinh hoạt cá nhân tôi đều phải tự làm hết từ việc vệ sinh “vùng kín” đến thay tã bỉm cho con. Mặc dù bà luôn miệng nhắc nhở là phải kiêng nước nhưng vì hồi đó đẻ xong tôi rất khỏe, hơn nữa không làm thì cũng chẳng ai làm cho. Thế nên tôi vẫn vô tư đụng vào nước. Một tuần sau sinh tôi đã tự tay rửa bình sữa, giặt đồ và tắm cho con. Tôi làm mọi việc rất bình thường và chẳng cảm thấy cò gì khác so với thời chưa sinh nở.

Những hậu quả không kiêng cữ sau sinh

Tôi nhận ra rằng tôi bị chứng "sợ nước" từ ngày sinh Chíp. 

Hồi đó tôi sinh vào mùa đông nên mỗi lần giặt đồ cho con xong là đôi tay lạnh cóng lại. Tôi phải vào chăn ủ một lúc mới dám bế con. Hậu quả do ngày đó chủ quan là bây giờ đôi tay tôi rất dễ bị tê cóng. Trời hơi lạnh một chút là tôi đã phải đi găng tay và tuyệt nhiên không dám đụng vào nước lạnh. Giờ mỗi lần giặt đồ hay nấu ăn tôi đều phải đeo găng tay cao su. Sợ nhất là những ngày mùa đông phải lái xe máy đi làm. Tới cơ quan là đôi tay tê cóng lại, lạnh đến thấu cả tim.

Cũng vì không tin quan niệm kiêng cữ của các cụ ngày xưa nên chỉ 7 ngày sau sinh là tôi tắm và gội đầu. Dù sinh vào mùa đông, nhưng do bà đẻ nực sữa nên lúc nào tôi cũng có cảm giác nóng và chảy mồ hôi. Kiêng được đến ngày thứ 7 thì tôi đi tắm. Lúc đó, cáu ghét bám đầy người, càng dội nước, càng kỳ cọ mạnh thì cáu bẩn càng ra nhiều. Thế là tôi ngồi trong nhà tắm đến nửa tiếng mới ra mặc dù trước khi đi tắm mẹ chồng và tôi đã mặt nặng mày nhẹ với nhau chỉ vì bà bảo tôi không được tắm, bà còn bảo tôi cứ cậy khỏe thế mai sau yếu đau đừng trách… Quả là lời mẹ chồng chẳng sai. Vì ngày đó tôi kỳ cọ nhiều nên bây giờ gân xanh nổi khắp người. Tôi cũng phát hiện ra mình bị chứng “sợ nước” từ ngày sau đẻ.

Thứ hai là hậu quả do tôi không kiêng lửa. Ngày sinh xong, chính mẹ đẻ tôi đã gọi điện lên nhắc nhở đủ mọi cái phải kiêng. Bà còn nhắc đi nhắc lại là không được nhìn vào ánh lửa, không được xem tivi, không được dùng điện thoại vì sợ hại đến mắt. Bà bảo ngày xưa bà không có người giúp đỡ nên đẻ xong 5 ngày đã phải nấu cơm bằng bếp lửa, thế nên bây giờ hai mắt hay chảy nước và kẻm nhẻm lắm, nhìn cái gì cũng hoa mắt.

Nghe mẹ nói tôi chẳng tin vì đâu có bằng chứng khoa học nào khẳng định điều đó. Vì vậy vừa sinh xong, tôi đã bắt chồng đưa ngay điện thoại cho để nhắn tin thông báo tin vui với bạn bè. Lúc về nhà, vì mẹ chồng vụng về chẳng biết nấu nướng nên chỉ 10 ngày sau tôi đã tự tay làm tất cả các món ăn, tuy nhiên khác mẹ đẻ là tôi dùng bếp ga. Tôi cũng vẫn vô tư xem tivi với những bộ phim hành động mà tôi đam mê những lúc rảnh rỗi… Và hậu quả thì ngay bây giờ tôi đã phải lãnh nhận. Công nhận là tầm nhìn của tôi kém đi rõ rệt. Không biết có phải do tôi không kiêng cữ ngày sau sinh nở hay do tôi có vấn đề về mắt mà các triệu chứng của tôi rất giống những lời mẹ đã khuyến cáo. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy ân hận vì đã không nghe theo lời mẹ.

Những hậu quả không kiêng cữ sau sinh

Đến tận bây giờ tôi vẫn bị đau lưng do sau sinh nở không kiêng cữ được

Thứ 3 là hậu quả do tôi ngồi nhiều. Cái này là do khách quan chứ không phải tôi cố ý không kiêng khem nhé. Vì bé Chíp nhà tôi ngày mới sinh rất khó tính nên tôi phải ngồi bế con suốt. Không chỉ ngồi một chỗ mà tôi còn phải lắc lư để con bớt khóc. Tôi cũng không thể nằm cho con bú theo lời hướng dẫn của mẹ chồng vì tôi rất nhiều sữa. Chỉ cần vô ý một chút là con bị sặc sữa luôn nên tôi luôn phải ngồi để chủ động rút ti ra khỏi miệng con. Nhiều đêm, con tôi dậy chơi đến 3-4 tiếng. Mà đâu phải bé nằm chơi một mình, lúc nào cũng bắt mẹ bế nựng, tôi mệt vô cùng.

Vì vậy mà chỉ 3 tháng sau sinh tôi bắt đầu bị đau lưng. Người ra bảo sau sinh thường bị đau lưng nhưng chỉ khoảng 5-7 tháng sau sẽ đỡ dần. Thế mà tôi đã 8 năm nay vẫn chẳng đỡ. Đặc biệt là những khi “trái gió trở trời”, lưng đau buốt đến nỗi không muốn làm bất cứ việc gì.

Không chỉ có những hậu quả trên, tôi còn thấy sức khỏe giảm sút đến một nửa so với thời con gái. Có lẽ vì chủ quan không kiêng nước, kiêng gió mà bây giờ tôi rất hay bị đau xương khớp. Cơ thể rất hay bị lạnh và thường xuyên phải đi tất mỗi khi trời trở lạnh. Đặc biệt là trí nhớ của tôi giảm sút trầm trọng. Nhiều khi người khác bất ngờ hỏi đến số điện thoại của chồng, tôi cũng phải ngẫm nghĩ một lúc.

Bây giờ, cả nhà chồng lại đang thúc giục sinh bé thứ 2. Tôi cũng muốn có thêm đứa con để Chíp có bạn có bè nhưng nghĩ đến những hậu quả sau sinh mà nản quá. Nếu sinh nở “tập 2” chắc chắn tôi sẽ phải kiêng khem tử tế để không phải chịu đựng thêm những hậu quả như lần đầu.



Đọc tiếp…

Kiêng cữ sau sinh

11:54 |
Kiêng cữ sau sinh sao cho đúng ,Sau sinh cần tắm, rửa vệ sinh để giữ cho cơ thể được sạch sẽ.

Độc giả Thanh Thủy (Ninh Bình) cho biết: "Các chị ơi, em mới sinh được 1 tuần nhưng vẫn phải mò mẫm lên mạng để tham khảo ý kiến của các chị đây. Chuyện là thế này ạ, ngay từ ngày trước khi sinh nở mẹ đẻ em đã dặn đi dặn lại rằng phải kiêng cữ cẩn thận sau sinh nhất là kiêng tắm gội. Bà bảo ngày trước sinh em bà không kiêng được nên bây giờ rất khổ sở bởi chứng đau nhức chân tay, tầm nhìn cũng kém và sức khỏe suy yếu nghiêm trọng. Em nghe mẹ nên cũng lo lắng lắm và định bụng sẽ phải kiêng tắm, gội một tháng sau sinh".

Tuy nhiên, em chồng của độc giả này thốt lên "Trời ơi, thời đại nào rồi mà chị còn cổ hủ vậy. Tắm gội thoải mái đi, sao phải kiêng, người nước ngoài chẳng ai kiêng cả. Chỉ có những người quê như chị mới kiêng cữ thái quá thế. Em đây này, đẻ xong Tít hôm trước là hôm sau tắm luôn, giờ thấy có sao đâu."

Trao đổi với chúng tôi, Ths.BS chuyên khoa II Vũ Ngọc Khanh (Khoa phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Theo quan niệm dân gian, người phụ nữ sinh xong cần kiêng tắm gội tới 3 tháng chứ không phải ngắn là 1 tháng như mẹ của độc giả nói đâu. Tuy nhiên, ở phương Tây không có kiêng cữ gì cả. Các tài liệu giảng dạy về sản khoa ở trường Y hiện nay cũng theo các giáo trình phương Tây cũng nói phải không kiêng gì”.

Kiêng cữ sau sinh

Sau khi sinh, sản phụ cần tắm, rửa vệ sinh để giữ cho cơ thể được sạch sẽ. (ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Khanh, sau khi sinh cần tắm, rửa vệ sinh để giữ cho cơ thể được sạch sẽ. “Tuy nhiên, với trường hợp sinh mổ tránh rửa hay tắm làm chảy nước vào vết mổ, có thể kiêng từ 5-7 ngày do chưa cắt chỉ. Còn việc gội đầu không ảnh hưởng đến vết mổ thì không sao. Còn với người sinh thường thì có thể tắm, gội đầu bình thường”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo một số bác sĩ sản khoa khác, người sinh thường có vết may ở âm đạo hoặc tầng sinh môn thì cần lưu ý vệ sinh để không gây viêm nhiễm. Không nên dùng thuốc sát trùng mà có thể rửa bằng nước muối hoặc thuốc tím. Tuy nhiên, thuốc tím cần pha loãng để hơi có màu tím chứ không nên để màu tím đậm. Còn nước muối cần pha loãng, có thể với tỷ lệ 1 lít nước cho khoảng 4 thìa cà phê muối. Ngoài ra, không nên chỉ nằm một chỗ mà cũng cần vận động đi lại nhẹ nhàng, không chườm nóng, không hun than nhiều quá.

Về việc gội đầu, cần gội đầu bằng nước ấm và gội nhanh. Sau khi gội phải lau đầu hoặc dùng máy sấy tóc khô, không được để tóc ướt có thể gây nhiễm lạnh. Nếu chưa tắm được do sinh mổ thì cần phải dùng nước ấm lau mình mỗi ngày 1 lần, trời nắng nóng thì 2 lần(sáng, tối).

Khi tắm, cần lưu ý tắm nhanh, tránh gió lùa, sau khi tắm cần dùng khăn mềm lau khô, mặc quần áo đủ ấm để tránh bị lạnh đột ngột, có thể ngồi trên giường một lúc rồi mới đi ra ngoài.
Đọc tiếp…