Chuyến bay đặc biệt chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

10:50 |
Chuyến bay đặc biệt chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam, trở Linh cữu Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, cơ trưởng Vũ Tiến Thắng người chỉ huy chuyên cơ ATR 72 số hiệu VN103  cho biết.
Hơn 20 năm làm phi công, từng lái cả máy bay quân sự và máy bay thương mại nhưng cơ trưởng Vũ Tiến Thắng cho biết chưa lần nào ông thực hiện nhiệm vụ trong tâm thế đặc biệt như chuyến bay VN103 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài đến sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) lúc 10 giờ 26 phút ngày 13/10, sớm hơn 34 phút so với dự kiến.

Sinh năm 1957, ông Vũ Tiến Thắng xuất thân từ phi công quân đội. Trong thời gian học lái máy bay tại Trường Sĩ quan Không quân đóng tại tỉnh Khánh Hòa, ông từng vinh dự có mặt trong lễ đón Đại tướngVõ Nguyên Giáp đến thăm. Kết thúc khóa học, ông về làm việc tại Trung đoàn Không quân vận tải 919 Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đoàn bay 919, sau này trở thành một đơn vị của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA).

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Vũ Tiến Thắng hiện là Đội trưởng Đội bay ATR 72, đồng thời là một trong số ít phi công trở thành giám sát viên bay của Cục Hàng không Việt Nam. “Trong đội bay chuyên cơ của VNA, nhiều lần tôi nhận nhiệm vụ lái chuyên cơ nhưng đây là chuyến chuyên cơ rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam. Vì vậy, tôi chưa bao giờ xúc động như khi chỉ huy chuyến bay này” - cơ trưởng Vũ Tiến Thắng chia sẻ.

Chuyến bay đặc biệt chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chuyên cơ đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tỉnh Quảng Bình

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới, cơ trưởng Vũ Tiến Thắng nói rằng ông rất tự hào vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, đưa một con người vĩ đại về nơi an nghỉ cuối cùng đúng giờ và an toàn tuyệt đối. “Đây là vinh dự của Đoàn bay 919 Anh hùng nói riêng và của VNA nói chung” - ông Thắng nói.

Còn cơ trưởng lái chuyên cơ A321 chở Ban Tang lễ nhà nước trên chuyến bay mang số hiệu VN1911 cũng cùng họ với Đại tướng. Anh là Võ Tuấn Dũng, thuộc lớp phi công trẻ của VNA, sinh năm 1986 và chính thức vào nghề từ năm 2007. Đến năm 2011, anh Võ Tuấn Dũng trở thành cơ trưởng A321. Anh Dũng là con trai của Trung tướng phi công Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với truyền thống gia đình (vợ của anh Võ Tuấn Dũng cũng là phi công lái máy bay A321), được đơn vị điều động lái chuyên cơ phục vụ lễ tang Đại tướng, anh Dũng rất xúc động. “Đây là một vinh dự, niềm tự hào của cả gia đình và của thế hệ phi công 8X Việt Nam” - anh nói.

Để được giao nhiệm vụ lái 2 chuyên cơ chưa từng có trong lịch sử, 2 cơ trưởng Vũ Tiến Thắng, Võ Tuấn Dũng và 2 cơ phó cùng phi hành đoàn chính thức và dự bị trên chuyến bay đều phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe. Đó là đạt trình độ chuyên môn, kỹ năng bay và khả năng thông thạo tiếng Anh từ mức 4 trở lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; có tổng giờ bay tích lũy tối thiểu là 4.000 đối với lái chính và 2.000 đối với lái phụ; có tổng giờ bay tích lũy trên máy bay ATR 72 theo vị trí lái được phép tối thiểu là 300 và 500 đối với máy bay A321.

Trong quá trình bay, những phi công này chưa mắc sai phạm gây uy hiếp an toàn từ mức khiển trách trở lên trong 24 tháng trước khi thực hiện nhiệm vụ chuyến bay chuyên cơ.

Tương tự, tiếp viên được chọn phải có tổng thời gian tích lũy nghiệp vụ tiếp viên từ 700 giờ trở lên, tổng thời gian phục vụ chuyên cơ từ 100 giờ trở lên, lý lịch rõ ràng, không bị xử lý kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm xét chọn để phục vụ bay chuyên cơ.
Đọc tiếp…