Đau đầu vì đủ thứ khoản đóng góp cho nhà trường

15:00 |
Lo cho con ăn học là việc làm đương nhiên của các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng khi mà tình hình giá cả leo thang đang không những làm ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ có thu nhập thấp mà còn ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp xã hội khác. 

Giá cả leo thang đã đành, nhưng giờ khi lo cho con ăn học, nhiều phụ huynh còn than thở đang phải đau đầu vì phải lo cho đủ các thứ khoản đóng góp cho nhà trường: Tiền xây bể bơi, tiền mua máy giặt, thậm chí tiền... tưới cây là những khoản đóng góp đổ xuống đầu phụ huynh mùa khai trường khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Đau đầu vì đủ thứ khoản đóng góp cho nhà trường

Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Tuổi Trẻ và nhiều ban ngành, phụ huynh Trường mầm non Hoa Mai (TP Huế) phản ảnh về các khoản đóng góp đầu năm học mà nhà trường đặt ra, trong đó có 700.000 đồng tiền “tăng cường xây dựng cơ sở vật chất” cho trường. Số tiền này được dùng xây bể bơi, cải tạo và chống thấm phòng học, mua sắm thiết bị đồ chơi (tổng số hơn 3,9 tỉ đồng).

Đóng tiền xây bể bơi
Bà Phạm Thị Cúc, hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, cho biết khoản tiền đóng góp “tăng cường cơ sở vật chất” này được áp dụng theo thông tư 29 của Bộ GD-ĐT “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Tháng 4-2013 nhà trường có tờ trình gửi cấp trên xin phép nâng cấp cơ sở vật chất với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng, trong đó có dự án xây mới bể bơi gần 2,3 tỉ đồng. Theo bà Cúc, khoảng 2/3 của gần 4 tỉ đồng nói trên sẽ lấy từ nguồn tiền của trường (tiết kiệm từ nguồn học phí 300-400 triệu đồng/năm và nguồn từ ngân sách đầu tư cho giáo dục hằng năm). 1/3 còn lại “trông mong vào phụ huynh”. Lộ trình thực hiện trong ba năm, bắt đầu từ năm 2013 và hoàn thành trong năm 2016.

Đến ngày 30-8, tại cuộc họp với ban thường trực hội phụ huynh, nhà trường đưa ra vấn đề này và được ủng hộ. Cũng theo bà Cúc, tại cuộc họp phụ huynh toàn trường (31-8), lại tiếp tục bàn và các phụ huynh đã thống nhất mỗi người đóng 700.000 đồng/năm.

Theo bà Cúc, toàn trường hiện có 1.007 học sinh thì đã có hơn 600 phụ huynh đóng khoản tiền trên, có người đóng nhiều hơn số tiền 700.000 đồng. “Đây hoàn toàn là khoản tự nguyện, phụ huynh nào đóng góp ủng hộ thì ghi tên mình, và ký tên vào, trường không bắt buộc. Nếu họ không đóng thì trường có thể dùng hai khoản còn lại để trả trong 4-5 năm, thay vì chỉ ba năm theo lộ trình” - bà Cúc nói.

Ông Phan Nam, trưởng Phòng GD-ĐT TP Huế, cho biết có nhận đơn kiến nghị này và đã cho kiểm tra vụ việc.

Tiền tưới cây

Trong khi đó tại tỉnh Nghệ An, một số phụ huynh của học sinh lớp 2 Trường tiểu học Hưng Thịnh (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) bị “choáng” khi đọc 10 khoản đóng góp trong năm của con mình lên tới 2.294.000 đồng được viết trên bảng trong cuộc họp gần đây. 10 khoản gồm: tiền học tăng buổi, đồng phục, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, xã hội hóa, nâng nền sân vận động, hệ thống nước lọc, vệ sinh và tiền tưới cây.

Cô Cao Thị Tám - hiệu trưởng trường này - giải thích: “Trường có 360 học sinh. Chúng tôi chỉ thu tám khoản tiền của phụ huynh thôi. Tiền tưới cây nhập vào tiền vệ sinh. Tiền nâng nền sân vận động nhập vô tiền xã hội hóa. Tổng thu là 1.255.000 đồng/năm. Nhưng khoản tiền vệ sinh và tưới cây không phải chủ trương của trường mà do giáo viên chủ nhiệm các lớp và phụ huynh nhất trí đóng góp. Tiền nâng nền sân vận động để làm nơi vui chơi cho học sinh thì trường không chủ trương thu tiền mà chỉ kêu gọi phụ huynh tự nguyện, mỗi người góp 2 khối đất. Khoản này cũng do giáo viên chủ nhiệm bàn bạc với phụ huynh. Riêng khoản tiền mua hệ thống nước lọc là do trước đây trường thuê người nấu nước, nay không thuê được nữa nên tính chuyện mua hệ thống lọc nước cho các em uống”.

Theo cô Tám, trường đã thu đợt một các khoản tiền này. Bắt đầu từ tháng 9 thu tiếp đợt hai cho đến hết năm. Hiện đã có 40% phụ huynh trong tổng số 360 phụ huynh học sinh đã nộp các khoản tiền nêu trên. Đây chính là lý do một số phụ huynh đã phản ảnh bức xúc. Hỏi thêm về việc vì sao trường lại thu tiền tưới cây, cô Tám nói: “Trường trồng một số bồn cây giữa sân cho đẹp và để học sinh thân thiện với môi trường. Nếu các lớp có thu thì cũng trả cho bảo vệ tưới, chăm sóc những bồn cây này”.
Đọc tiếp…

Đầu ra hệ cử tuyển teo tóp

15:00 |
Sinh viên hệ cử tuyển tập trung vào những ngành đào tạo có điểm đầu vào cao, trong khi năng lực chưa phù hợp nên rơi rớt dần.

“Học lực sinh viên (SV) cử tuyển rất kém, lâu lâu mới có được người khá. Trong khi giáo dục ĐH đang tăng chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra ngày càng cao thì SV cử tuyển ngày càng khó theo kịp” - ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết. Tại các trường, số SV cử tuyển được tốt nghiệp ít dần.

Tốt nghiệp ít, bỏ học nhiều
Từ năm 1990 đến nay, mỗi năm, Trường ĐH Kinh tế TP HCM đào tạo khoảng 30-40 chỉ tiêu hệ cử tuyển. Nếu năm 2010, SV cử tuyển tốt nghiệp đạt 50% thì năm 2011 đạt 45%, năm 2012 còn 36% và đến năm 2013 chỉ có 2/44 SV đủ điều kiện tốt nghiệp đúng hạn.

“Chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp như bố trí SV tình nguyện kèm cặp, phụ đạo trước kỳ thi... nhưng kết quả không cải thiện được là bao” - ông Đương cho biết.

Trường ĐH Luật TP HCM năm 2007 và 2008 được giao đào tạo 40 chỉ tiêu/năm, năm 2009: 25 SV, năm 2010: 47 SV, năm 2011 là 48 SV nhưng số tốt nghiệp thưa thớt dần. Cụ thể, năm 2008 chỉ có 22 SV tốt nghiệp, năm 2009 còn 17 SV, năm 2010 là 21 SV và năm 2011 có 22 SV. Trường ĐH này từ năm 2008 đến nay mỗi năm chỉ có 3-6 SV cử tuyển học lực khá, còn lại là trung bình.

Đầu ra hệ cử tuyển teo tóp
Học sinh hệ cử tuyển tập trung vào các ngành y dược, chiếm 26% tổng chỉ tiêu
Trường ĐH Dược Hà Nội khóa 2009 có 61 SV hệ cử tuyển nhập học thì chỉ 33 người tốt nghiệp, 10 thôi học; năm 2010 chỉ có 27 SV tốt nghiệp và đến 13 thôi học; năm 2011 chưa có SV tốt nghiệp nhưng có đến 35 người thôi học. Tại Trường ĐH Quy Nhơn, năm 2007-2008 có 14 SV nghỉ học do ngừng tiến độ học tập, bị buộc thôi học do không đủ điều kiện hoặc tự ý nghỉ học; năm 2008-2009 con số này là 30 SV...

Lãnh đạo các trường cho biết nguyên nhân SV không đủ điều kiện tốt nghiệp hoặc phải thôi học là do đầu vào thấp; sau 1 năm dự bị vào học cùng các lớp SV chính quy có sự chênh lệch trình độ. Hầu hết SV học không nổi, đặc biệt là các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên, do vậy kết quả học tập không đạt yêu cầu.

Chọn ngành quá sức
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết: “Có hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú đến Khoa Y ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất nhận 20 chỉ tiêu cử tuyển ngành y đa khoa nhưng chúng tôi kiên quyết không nhận. Ngành y đòi hỏi SV phải có năng lực thực sự. Mỗi năm, khoa chỉ đào tạo 100 chỉ tiêu nên không thể nhận những SV không đạt trình độ”.

Theo PGS-TS Nghĩa, việc quy hoạch chỉ tiêu tại các địa phương chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều tỉnh chạy theo chỉ tiêu ngành y, trong khi ngành này mang tính đặc thù, không thể đào tạo tràn lan.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cũng nêu thực tế mỗi năm, trường này nhận khoảng 80-150 chỉ tiêu đào tạo hệ cử tuyển nhưng hồ sơ chủ yếu tập trung vào ngành y đa khoa - là ngành mà điểm đầu vào thường từ 25 trở lên. Trong khi đó, SV cử tuyển có học lực trung bình nên trường buộc phải phân bổ chỉ tiêu cho các ngành khác và chỉ giữ khoảng 15% chỉ tiêu vào ngành y đa khoa.

“Đào tạo y dược có nhiều khái niệm, đòi hỏi sinh viên phải có năng lực nhất định. Do vậy, các tỉnh cần cân nhắc khi chọn học sinh cử tuyển ngành y” - ông Dũng đề nghị.

Để tránh tình trạng “bỏ thì thương vương thì tội”, ThS Nguyễn Văn Đương cho rằng Bộ GD-ĐT cần có giải pháp sắp xếp SV hệ cử tuyển vào các trường ĐH phù hợp với năng lực nhằm tránh lãng phí. Ngoài ra, theo đại diện nhiều trường, để nâng cao chất lượng đào tạo, các địa phương cần thực hiện giám sát, kiểm tra việc xét tuyển học sinh cử tuyển nhằm bảo đảm những SV được xét đưa đi học đều đúng đối tượng, có đầu vào cao, đủ khả năng theo học bậc ĐH.
Đọc tiếp…

Hành trình tìm con chữ trong 7 năm của cậu bé chỉ biết bò

09:00 |
Với đôi chân tật nguyền, chỉ nặng 23 kg, nhưng bằng nghị lực phi thường, Lầu A Sáng (14 tuổi, Mộc Châu, Sơn La) đã tìm đến con chữ để hiện thực ước mơ của mình. Sự hiếu học của em làm nên điều kỳ diệu giữa núi rừng Tây Bắc.

Hành trình tìm con chữ trong 7 năm của cậu bé chỉ biết bò
Em Lầu A Sáng bò đi học hàng ngày

Đi học bằng tay
Vượt con đường rừng gần 200km, tôi tìm về tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Cờ Đỏ (Mộc Châu) để gặp Lầu A Sáng. Hỏi về em, các bạn học cùng trường ai cũng biết. Cứ mỗi sáng, các bạn thấy một cậu bé, bò bằng 2 tay đến trường. Trưa cậu bò ra cổng trường ngồi đợi. Có những hôm, nắng gắt hay trời đông gió rét cậu ngồi ngoài cổng trường đã khóa im lìm. Đó là những lúc bố mẹ cậu đi làm nương xa, không kịp đón giờ tan trường.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Sáng, đó là cậu bé gầy yếu nhưng có đôi mắt lanh lợi. Khi tôi gặp, cậu ngồi bên bếp nấu cám cho lợn. Sáng là người dân tộc Mông, sinh ra trong gia đình có năm anh chị em. Khi lọt lòng, Sáng bị tật ở chân và một khối u bên mông. Từ khi sinh cho tới năm tuổi, Sáng đau ốm triền miên, thường xuyên phải đi bệnh viện.

Bệnh của Sáng ngày một nghiêm trọng khi khối u ở mông ngày một to ra, đôi chân nhỏ dần. Năm 2007, gia đình đưa Sáng xuống Bệnh viện nhi Hà Nội để mổ u, còn đôi chân thì không bao giờ lành lặn được nữa, nó bị rò tủy, chỉ điều trị cho đỡ hơn thôi. Sáng còn bị suy thận, đái nhắt, không được chữa trị nên thường xuyên phải mang bỉm.

Khát khao
Năm lên 7 tuổi thấy bạn bè cùng trang lứa cặp sách tới trường, Sáng thích lắm. Cậu đòi bố mẹ cho đi học. Nhưng bố cậu không cho đi vì nghĩ: “Ở nhà đã là gánh nặng cho gia đình rồi, đi học tốn kém lắm, vả lại con người ta lành lặn còn ở nhà, con mình tật nguyền thế thì ai đưa đi học mà đòi đi”.

Hành trình tìm con chữ trong 7 năm của cậu bé chỉ biết bò
Lầu A Sáng và bố mẹ trước căn nhà của mình.

Không được đi học, ngày nào Sáng cũng khóc, không chịu ăn cơm. Thương con, bố Sáng đưa em tới trường xin nhập học vào lớp một. Nhưng trường 19/5 không nhận vì lý do là cả trường gần 600 học sinh nhưng không em nào tàn tật cả, nếu nhận em vào việc giảng dạy sẽ rất khó khăn. Không được nhận, Sáng tự bò tới trường để xem các bạn học. Một cô giáo thương nhận em vào lớp cô, nhưng với điều kiện là sau một tuần em phải biết mặt các con chữ. Sáng học sau các bạn nên qua một tuần cậu không tiếp thu được bài vở. Cô giáo và trường đã trả em về cho gia đình.

Bố Sáng kể: “Thấy con mình ham học, thương con tôi cũng đã đến trường xin cho nó ngồi một góc lớp học không cần ghi vào sổ sách, nhưng nhà trường vẫn không đồng ý. Sáng ở nhà nhìn thấy bạn bè đi học là nó khóc suốt, tôi dỗ mãi không được, may mà hai tháng sau nhà trường đổi ý, cho con tôi đi học lại. Biết được đi học nó mừng lắm, đòi tôi mua sách vở ngay”.

Lúc đầu Sáng được bố mẹ đưa đi học nhưng sau này bận việc nương rẫy nên cậu tự bò đi. Con đường nhỏ hằng ngày em đi học cách trường em hơn 300m, lổn nhổn đất đá. Đôi tay bé nhỏ, non nớt của em bò trên những hòn đá nhọn, cạnh đá sắc cứa tay chảy máu.

Hết ngày nắng lại ngày mưa, mỗi lần bò về đến nhà là quần áo dính đầy bùn, sách vở ướt hết, còn cặp sách chỉ vài ngày là hỏng vì em không xách được mà phải kéo lê giữa đường. Đã thế, bệnh tật vẫn cứ hành hạ em. Cứ trở trời, em lại đau đầu, đau chân. Bàn chân trái thỉnh thoảng bị mưng mủ. Nhiều lần em phải vào viện để điều trị. Những người đi đường thấy em ai cũng thương, có người nhìn thấy đã bật khóc.

Vào học muộn hơn các bạn cùng lớp, Sáng tự học lại những chương trình trước. Cứ đi học về là em lấy sách vở ra làm bài tập, ngồi nấu cám lợn cũng mang sách tập đọc. Chỉ trong thời gian ngắn, Sáng đã theo kịp bạn bè.

Trong 5 năm học trường tiểu học 19/5, Sáng vươn lên trong học tập, 4 năm đạt học sinh tiên tiến. Sự cố gắng của em đã được đền đáp. Ngoài thời gian đi học, ở nhà Sáng giúp bố mẹ cho lợn, gà ăn. Có thêm thời gian, cậu khâu vá áo kiếm tiền mua sách vở. Sáng rất khéo tay, mỗi tuần em khâu được ba chiếc tay áo, mỗi chiếc bán được 15 nghìn đồng.

Lên cấp hai, cậu phải chuyển đến học trường THCS 19/5. Cậu không thể tự bò đi học được nữa bởi trường cách nhà hơn 3km. Điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng hằng ngày, bố vẫn đưa đón Sáng đi học bằng xe máy. Những hôm ngày mùa hay lúc bố mẹ đi làm nương xa, không kịp về đón lúc tan trường, Sáng kiên nhẫn ngồi đợi đến chiều.

Tôi hỏi: “Đi học em chịu nhiều vất vả thế mà sao vẫn muốn đi”? Sáng bảo: “Em muốn đi học vì không muốn mù chữ. Em không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình sau này”, em nói mà mắt rưng rưng.

Cô Lương Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3 của Sáng cho biết: “Sáng tuy là học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng lại có nghị lực vươn lên phi thường. Em là học sinh chăm ngoan. Sáng học giỏi nhất là môn toán. Cuối năm lớp 7, tổng kết toán của em là 8,7. Em là tấm gương sáng để bạn bè học tập. Tôi hy vọng em sẽ thành công sau này”.

“Lớn lên em muốn làm gì”? Trả lời câu hỏi này, Sáng không ngần ngại bày tỏ ước mơ của mình: “Em muốn làm kỹ sư điện tử. Nếu là kỹ sư em sẽ có nhiều tiền để bố mẹ không phải khổ nữa. Em đang cố học thật giỏi để đạt được ước mơ”.
Đọc tiếp…

Mong ước trở thành thấy giáo của cậu học trò khuyết tật

09:00 |
Không may như những bạn đồng trang lứa, do bị dị tật bẩm sinh ở mắt, em Phạm Phú Thịnh phải để mắt sát cạnh sách vở mới có thể thấy và đọc được. Mọi người đặt cho em một biệt danh là "Người Ngửi Chữ". Tuy có rất nhiều khó khăn nhưng trong kì thi đại học 2013. Em đã đỗ vào trường ĐH Sư Phạm (Đã Nẵng) khoa Sư phạm toán khiến bao người phải trầm trồ thán phục cậu học trò quê Quảng nam

Từ TP Tam Kỳ chạy xe máy lên nhà em Thịnh (ở thôn Đức Thạnh, xã Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam) mất hơn nửa tiếng đồng hồ, nhà đóng cửa, hỏi thăm hàng xóm mới biết Thịnh đã cùng mẹ ra chợ xã mua sắm ít đồ dùng chuẩn bị sau ngày lễ 2/9 để em ra Đà Nẵng nhập học.

Hơn nửa tiếng sau, Thịnh cùng mẹ cũng về đến nhà với một ba lô đồ đạc gồm vài bộ đồ mới, dụng cụ sinh hoạt cá nhân, sách vở… Chị Lưu Thị Huệ - mẹ Thịnh cho hay: "Đi mua trước để em nó mang ra Đà Nẵng dùng chứ ra ngoài đó mua đắt, tiết kiệm được chút nào hay chút đó". Nói rồi chị bảo Thịnh cất đồ đạc ngay ngắn trong tủ.

Chị Huệ tâm sự: "Lúc cháu chuẩn bị đi thi, nhà lo lắm. Không biết mắt mũi cháu như thế thi cử thế nào, có đỗ không, đỗ rồi thì việc ăn học sau này thế nào… Em nó bình thường như người ta thì dễ rồi…".

Chị kể: "Khi mới sinh ra, mắt cháu cứ nhắm hoài, vợ chồng tôi tưởng cháu chưa mở mắt nhưng nửa tháng sau khi khám bác sĩ thì mới biết mắt cháu có vấn đề. Lớn lên chút nữa, vợ chồng đưa cháu đi khám khắp nơi nhưng không chữa trị được vì bác sĩ bảo mắt cháu bị tật bẩm sinh nên không thể chữa được, cháu có thể thấy nhưng rất hạn chế. Kết luận của bác sĩ cháu bị đục thủy tinh thể, rung lắc nhãn cầu. Vì thế cháu không thể mang kính cũng như nhìn xa được mà phải rà sát đồ vật mới thấy được".
May thay, ông trời không cho cháu đôi mắt thật sáng nhưng lại bù đắp cho Thịnh trí thông minh bẩm sinh. Bố Thịnh - anh Phạm Nhàn kể: "Khi cho cháu đi học mẫu giáo, gia đình cũng nghĩ chỉ cho cháu đi để hòa nhập với bạn bè, để cháu ở nhà một mình cũng buồn. Sau này, cháu học rất sáng dạ và chăm chỉ nên cả nhà quyết định lo cho cháu ăn học luôn".

“Suốt 12 năm học, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi nên vợ chồng tôi cũng được an ủi phần nào”, anh Nhàn kể về con trai với niềm tự hào.

Khi tôi hỏi anh mắt không thể nhìn lên bảng làm sao cháu có thể chép bài đầy đủ, anh Nhàn cho biết: “Ở trường, cháu chỉ nghe thầy cô giảng rồi “ghi lại” trong đầu, về nhà mượn vở của bạn chép lại và học thuộc”. Cứ như thế trong 12 năm học phổ thông, Thịnh đều đi mượn vở bạn nhưng không vì thế mà việc học của em bị gián đoạn hay sức học giảm sút. Nói rồi, em lấy từ trong tủ ra cả tập giấy khen còn giữ lại từ lớp 1 đến nay và nhiều giấy khen của Hội Khuyến học xã, huyện và các tổ chức khác đưa tôi xem.

Khi tôi hỏi Thịnh việc chỉ nghe thầy giảng trên lớp mà không thể ghi lại vào vở vì không nhìn rõ trên bảng thì có ảnh hưởng đến việc học của mình không, Thịnh bảo: “Từ nhỏ đến giờ em nghe thầy giảng rồi về nhà mượn vở bạn chép quen rồi nên cũng không thấy ảnh hưởng gì đến việc học”. Tôi hỏi tiếp "Vậy mai mốt ra Đà Nẵng học xa nhà, không có bạn giúp thì làm sao học được?", Thịnh nói: "Em sẽ cố gắng vì không học thì em không biết làm gì cả, sức khỏe của em cũng không thể làm nông được".

Nói về ước mơ của mình sau khi thi đỗ ĐH, cậu học trò “ngửi chữ" cho hay: “Em biết sức khỏe và điều kiện của em không bằng các bạn khác nên em chọn nghề thầy giáo là phù hợp với em nhất. Lúc đầu em cũng muốn thi vào ngành Công nghệ thông tin hay ngành khác nhưng sau khi tham khảo bố mẹ và thầy cô thì em quyết định chọn nghề dạy học. Mai mốt em có thể dạy các em có hoàn cảnh giống như em".

Mẹ Thịnh tâm sự: “Hai vợ chồng tôi quyết định rồi. Trong thời gian đầu cháu ra Đà Nẵng học, tôi sẽ theo cháu ra đó một thời gian để giúp cháu việc đi lại, ăn ở, làm quen với môi trường mới rồi sau đó tùy điều kiện sẽ tính tiếp”. Mẹ Thịnh cũng cho biết, trường có KTX cho Thịnh ở nhưng vì hai mẹ con phải ở cùng nhau nên không thể ở KTX được mà phải thuê nhà trọ ở.

Mong ước trở thành thấy giáo của cậu học trò khuyết tật
Trong những năm học của mình, Phạm Phú Thịnh đã đạt rất nhiều giấy khen
Nói về hoàn cảnh gia đình, bố Thịnh tâm sự: Nhà làm được 3 sào ruộng cũng chỉ đủ lúa ăn, còn 3 đứa con đi học hết nên kinh tế gia đình cũng rất khó khăn. Hiện cháu gái lớn của gia đình đang học năm thứ 4 ĐH Kinh tế TPHCM, em ruột Thịnh năm nay bước vào lớp 11. “Hai vợ chồng tôi đi làm thuê làm mướn nhưng hàng tháng phải gởi 3 triệu đồng vào TPHCM cho con gái lớn ăn học, bây giờ đến lượt Thịnh vào ĐH nữa, nhưng không cho cháu đi học thì ở nhà biết làm gì với 3 sào ruộng. Biết là khó khăn nhưng vợ chồng tôi cũng phải xoay xở để lo cho các cháu thôi”, anh Nhàn nói.

Một tin vui cho Thịnh và gia đình trước ngày lên đường nhập học, chiều ngày 29/8, Trường THPT Nguyễn Dục (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) - nơi Thịnh học 3 năm THPT), đã kết nạp Đảng cho Thịnh. Đây là phần thưởng xứng đáng trong những năm em cố gắng học tập và rèn luyện nơi mai trường này.

Theo Dân Trí
Đọc tiếp…

Nữ sinh đất cảng hai lần đỗ thủ khoa

20:25 |
Đỗ thủ khoa đầu vào với số điểm 29, sau 4 năm học tập nỗ lực, nữ sinh đến từ thành phố Hải Phòng - Bùi Thị Yến Hằng xuất sắc vượt qua hàng nghìn sinh viên tại trường và giành ngôi vị thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.


Yến Hằng sinh ra trong một gia đình bố làm công an, mẹ làm bác sĩ tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Từ nhỏ, học tập ở bố tính cách mạnh mẽ của người chiến sĩ công an và ở mẹ sự chăm chỉ tận tụy của người lương y, Hằng luôn phấn đấu học tập tốt để đền đáp công lao cha mẹ. 

Sau 4 năm học, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Hằng đạt được tổng số điểm là 3,84/4 (theo hệ thống tín chỉ), tương đương với 9,21 trên thang điểm 10, và trở thành thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Không chỉ xếp loại xuất sắc về học tập và rèn luyện trong các năm học ĐH, năm 2010, Hằng còn đạt giải Ba Olympic quốc gia môn Hóa học.

Nữ sinh đất cảng đỗ thủ khoa
Thủ khoa “kép” Bùi Thị Yến Hằng
Với những thành tích trong học tập và rèn luyện, ngày 3/6 vừa qua, ở độ tuổi 22, cô sinh viên đất cảng đã vinh dự được đứng vào đội ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nói về thành tích mà mình đạt được, Yến Hằng cho biết: “Trong quá trình học tập, mình luôn cố gắng và làm hết khả năng, dù kết quả học tập như thế nào thì nó cũng là công sức và sự nỗ lực của mình. Mình rất vui mừng khi trở thành thủ khoa của trường, đây chính là động lực để mình tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với Hóa học”.

Được biết, từ năm lớp 8, khi được bắt đầu được tiếp cận với môn Hóa học, Hằng đã có niềm đam mê đặc biệt với môn học này. Vậy nên, Hằng quyết định theo đuổi và gắn bó với Hóa học.

Nhờ có niềm đam mê cùng sự chăm chỉ miệt mài, cô học trò đất cảng đã thi đỗ vào lớp chuyên Hóa Trường chuyên THPT Trần Phú (Hải Phòng). Trong quá trình học tập tại đây, Hằng luôn duy trì danh hiệu học sinh giỏi. Cùng với thành tích đạt được từ các giải Hóa học quốc gia, Hằng được đặc cách tốt nghiệp THPT loại Giỏi, đồng thời được ưu tiên xét tuyển vào ĐH.

Tốt nghiệp cấp 3, để biến đam mê thành sự thực, Hằng thi vào khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 29 điểm và trở thành thủ khoa đầu vào của trường.

Bùi Thị Yến Hằng (thứ 4 từ trái qua) cùng các nữ thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, Học viện tại Hà Nội năm 2013.
"Học tập trong môi trường sư phạm với lượng kiến thức lớn cộng thêm sự thất bại của những lần thực nghiệm, nhiều lúc mình bị căng thẳng và mệt mỏi. Nhờ sự động viên kịp thời của gia đình, thầy cô, bạn bè, mình đã vượt qua hết các khó khăn đó" - Hằng tâm sự.

Ngoài việc học tập trên lớp, Hằng còn đi dạy thêm vào các buổi tối cuối tuần. Theo Hằng, dạy thêm không chỉ giúp trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày mà còn củng cố lại kiến thức và nghiệp vụ sư phạm.

Bí quyết học tập của nữ thủ khoa “kép”

Chia sẻ về bí quyết học tập đạt kết quả cao, Yến Hằng cho biết: Khi lên ĐH, với lượng kiến thức nhiều thì cần thay phải thay đổi cách học. Khác với học phổ thông, học sinh luôn được sự hướng dẫn nhiệt tình, cụ thể của các thầy cô giáo. Học ĐH, sinh viên phải chủ động và có kế hoạch rõ ràng trong việc học tập.

Chia sẻ thêm, Hằng cho biết: “Là sinh viên, ngoài việc học, mình còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường tổ chức. Mình luôn sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để khối lượng công việc không bị dồn đọng trong thời gian ngắn. Sau khi phân bổ được quỹ thời gian hợp lý, chúng ta cần tập trung cao độ cho học tập. Ngoài học tập trên lớp, nên cần tham khảo thêm các tài liệu ở ngoài để trau dồi kiến thức. Học luôn đi đối với hành thì mới có thể ứng dụng và đảm bảo sự bền vững của kiến thức”.

Mơ ước cháy bỏng từ hồi nhỏ muốn trở thành nhà nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hóa học, thời gian tới, Hằng cho biết trong tương lai sẽ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài vừa để mở rộng kiến thức và hội nhập hơn với thế giới.

Theo Dân Trí
Đọc tiếp…

Cha mẹ chật vật đóng phí đầu năm học cho con

18:12 |
Thấy bé út 6 tuổi xúng xính mặc thử bộ đồng phục đi học, chị Hảo (Tây Hồ, Hà Nội) cười nhưng lòng nặng trĩu. "Mỗi bộ quần áo với sách vở đã tốn hơn một triệu rồi, còn bao khoản đầu năm khác đang chờ đóng, của cả anh chị cháu nữa", chị thở dài.

>>Đau đầu chọn dụng cụ học tập cho trẻ
>>Tính toán chi phí để nuôi 3 triệu một tháng

Có 3 con, cháu đầu bước sang lớp 6, bé thứ hai vào lớp 2 và cô út lớp 1, vợ chồng chị Hảo, bán thịt tại chợ Tứ Liên (Tây Hồ), ngao ngán khi nghĩ tới số tiền phải đóng góp vào đầu năm học. Cả ba bé nhà chị đều học trường công tại phường Quảng An (Tây Hồ), học phí không đáng bao nhiêu, nhưng cộng nhiều khoản đầu năm như tiền xây dựng, hỗ trợ mua sắm thiết bị giáo dục, chăm sóc cây cảnh, điện nước..., mỗi bé cũng hết vài triệu.

"Đó là chưa kể trường hai cháu đầu đã thu tiền sắm sách vở và đồng phục vào cuối năm học trước. Theo các cô là để san sẻ cho phụ huynh đỡ phải chi quá nhiều khi các con vào năm học mới. Ngoài ra, bố mẹ cháu chịu khó trưa đón các con về nhà ăn cơm, không tốn khoản bán trú", chị Hảo kể. 

Theo lời chị, từ khi vào tiểu học, mỗi năm các con chị phải góp tiền mua tới 4 bộ đồng phục: đồ cộc, đồ dài, đồ thể dục, đồ mùa đông. "Đồ của chị vẫn mới em không dùng lại được vì quần áo năm sau lại hơi khác so với năm trước ở chi tiết hoặc màu nào đó. Bố mẹ tiếc tiền nhưng không thể làm khác", chị nói. 

Chưa hết, hầu như toàn bộ sách vở lớp 1 đứa lớn đã dùng chị không thể để lại cho đứa bé học được vì học sinh đều làm bài tập, chữa bài, chấm điểm vào chính cuốn sách đó. "Giá tiền mỗi bộ sách cũng không rẻ gì, sao người ta không thiết kế sách giáo khoa để có thể dùng lại như ngày xưa nhỉ", chị nói.

Tổng cộng tới tháng 9, vợ chồng chị phải chuẩn bị tới chục triệu để đóng góp cho con. "Buôn bán ế ẩm, tiền thuê nhà và giá điện lại tăng, trong khi nuôi các con ăn học càng ngày càng tốn kém. Chúng tôi cũng muốn con học hành đến nơi đến chốn cho tương lai tươi sáng, nhưng xoay sở kiếm tiền chẳng dễ chút nào", chị Hảo chia sẻ.
Học sinh khai giảng
Học sinh trong buổi lễ khai giảng đầu năm
Mới có một bé học mầm non tư thục, vợ chồng anh Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng oải khi nhìn số tiền gần 6 triệu đồng phải đóng cho con đầu năm. "Mình làm về xây dựng, lương giảm một nửa, bà xã cũng không khá khẩm hơn, trong khi các khoản thu của con đều tăng. Học phí từ 2,6 triệu lên 2,9 triệu một tháng, tiền ăn từ 36.000 đồng lên 40.000 đồng/ngày, tiền xây dựng 2 triệu...".

Vợ chồng anh Thành tính sẽ chuyển con sang học trường công hoặc một trường tư rẻ hơn nhưng lại băn khoăn vì thời điểm này trường công đã chốt danh sách, còn trường tư giá rẻ thì không biết chất lượng ra sao. "Thấy con đi học về vui vẻ, yêu trường yêu cô, bố mẹ cũng muốn cố kham, nhưng đóng một lúc hết cả tháng lương thì quá xót xa, trong khi cuộc sống gia đình còn bao khoản khác phải lo", anh Thành nói.

Không chỉ lo các khoản đóng góp đầu năm học cho con, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi thấy nhiều khoản thu không rõ ràng, hoặc không đáng.

Cho con học một trường tiểu học tư thục ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ đầu vợ chồng chị Liên đã xác định các khoản đóng góp chắc chắn cao hơn trường công, nhưng vì trường ngay sát nhà nên anh chị cho con theo. Đầu năm học, khi nhận được thông báo gồm mười mấy món đồ dùng học tập cần mua cho con, chị Liên thấy bức xúc. Chẳng hạn, nhà trường yêu cầu học sinh phải đóng tiền để mua vở "đồng phục", bút chì "đồng phục"... in hình logo trường.

"Bé vừa được cơ quan mẹ và người thân tặng gần hai chục cuốn vở đẹp, bìa dày dặn, chất lượng rất tốt, nhưng cô giáo nói chỉ có thể làm 'vở nháp' vì phải dùng vở của trường. Rút cục bé chỉ dùng vở đó ở nhà để vẽ linh tinh, rất lãng phí. Trong khi tôi phải mua thêm 20 quyển vở của nhà trường", chị Liên bày tỏ.

Chị Tuyết, kế toán tại một công ty ở khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) bày tỏ bất bình khi trường mầm non xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên) con chị học viết phiếu thu 700 nghìn đồng, nhưng lại yêu cầu phụ huynh nộp 2 triệu đồng. 

Chị Tuyết cho biết, các khoản được liệt kê trong phiếu thu tổng cộng chỉ có 700nghìn đồng, tuy nhiên, kế toán trường lại nói phụ huynh ký vào một quyển sổ và yêu cầu nộp 2 triệu đồng, với các khoản "phụ" gồm: học phí ngày thứ bảy đóng 5 tháng là 450 nghìn đồng, tiền ủng hộ điện nước vệ sinh 10 tháng 100 nghìn đồng, tiền ủng hộ xây nhà vệ sinh 500 nghìn đồng với trẻ trái tuyến, 100 nghìn đồng với trẻ đúng tuyến, tiền đồ dùng học tập 250 nghìn đồng.

"Tôi không hiểu sao đã đóng tiền vệ sinh, điện nước rồi lại còn khoản ủng hộ điện nước, vệ sinh nữa? Còn xây nhà vệ sinh hiện đại đến đâu thì các cháu 2 tuổi như con tôi và các cháu 3 tuổi, 4 tuổi vẫn ngồi chung một cái bô trị giá 20 nghìn đồng hàng ngày, sử dụng đến khi nào bô hỏng", chị Minh bày tỏ. 

Bà Đỗ Thị Hoa, Hiệu trưởng trường mầm non Lạc Hồng xác nhận việc thu 500 nghìn tiền xây nhà vệ sinh mới từ các cháu không có hộ khẩu ở xã và 100 nghìn đồng với các cháu trong xã. Tuy nhiên, theo bà, việc này là tự nguyện, đã được sự nhất trí của ban phụ huynh trong cuộc họp và được sự cho phép của Ủy ban nhân dân xã. "Đó là khoản hỗ trợ của phụ huynh chứ chúng tôi không hề ép buộc. Do kinh phí của xã eo hẹp nên kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ trẻ để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ các con", bà nói. 

Về số tiền điện nước vệ sinh thu thêm 100 nghìn đồng mỗi năm, bà giải thích, do giá điện tăng, số tiền điện nước thu theo quy định của Sở Giáo dục (không quá 3 nghìn đồng mỗi cháu một tháng) không đủ nên mới đề nghị phụ huynh ủng hộ. 

Vương Linh
Theo Vnexpress.net
Đọc tiếp…

Nữ thủ khoa kép của Học Viện Cảnh Sát

14:47 |
Năm 2008, Đặng Thị Thủy (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) được 25 điểm, trở thành thủ khoa khối C Học viện Cảnh sát. 5 năm sau, cô gái sinh năm 1990 tốt nghiệp với số điểm cao nhất trường.

Nữ thủ khoa kép (bên trái) cùng hai người em đang theo học ở Hà Nội.
Có dáng người nhỏ nhắn cùng nụ cười tươi tắn, Đặng Thị Thủy nổi tiếng ở Học viện Cảnh sát bởi kết quả học hành xuất sắc của mình. Thủy cho biết có được ngày hôm nay là nhờ sự dạy dỗ, động viên rất lớn của gia đình, thầy cô cũng như mảnh đất truyền thống hiếu học Yên Thành xứ Nghệ. Trong đó, đặc biệt là hình ảnh người cha quá cố luôn theo cô suốt 5 năm ở giảng đường đại học.

Thời học cấp 2, cô bé Đặng Thị Thủy học đều các môn ban tự nhiên cũng như xã hội và bố của cô muốn hướng cô theo khối A. Cô nhận thấy ở khối A, mình không phải người giỏi nhất; còn nếu theo khối C cô tự tin mình là người nổi trội. Sự tự tin và bản lĩnh khiến bố Thủy không thể cản được, đành phải tôn trọng quyết định của con. Ông nghiêm khắc: "Đã tự quyết định thì sau này có làm sao cũng phải tự mà gánh chịu, không được kêu ca". 8 năm trôi qua, câu nói ấy cứ đau đáu trong tâm trí Thủy. Đó cũng chính là lời nhắc nhở giúp cô gái trẻ dám đối đầu để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Với tư tưởng "đã xác định theo là theo đến cùng, không bị lung lay, suy chuyển", Thủy không chỉ thi đỗ đại học mà còn giành ngôi thủ khoa của Học viện Cảnh sát Nhân dân. Cho đến bây giờ, Thủy vẫn chưa khi nào cảm thấy hối hận vì đã theo khối C. Bố Thủy không một lời khen ngợi con gái, chỉ gật đầu tỏ ý hài lòng. Chuẩn bị bước sang cánh cửa mới, ông nhắc nhở con: "Không được chủ quan mà phải cố gắng vì chặng đường còn rất dài".

Đó có lẽ là lời nhắc nhở cuối cùng ông dành cho con gái yêu. Sau tai nạn cách đây khoảng 5 năm, bố Thủy đã ra đi mãi mãi, để lại vợ cùng ba đứa con đang tuổi ăn học. Đau đớn khôn cùng, Thủy bước đến thành phố lạ lẫm, không người thân thích, tất cả phải tự chăm lo. "May mắn là mình từng đi ở trọ 3 năm thời cấp 3 rồi nên không thấy khó khăn lắm", Thủy nhớ lại.

Nữ thủ khoa
Có bản lĩnh mạnh mẽ nhưng Thủy cũng rất nữ tính, duyên dáng.
Những ngày đầu đến trường thật khó khăn với Thủy. Cô gái cho biết không sợ những môn lý thuyết trên giảng đường nhưng những môn thể chất như võ, bơi lội, lái xe, bắn súng… thì thật là ác mộng. Theo Thủy, những môn này đòi hỏi nhiều về thể lực, phù hợp với nam giới hơn.

Kể về kỷ niệm trong thời gian học các môn này, Thủy chẳng thể nào quên được 2 lần chấn thương dây chằng và xương sườn, phải bó bột mất mấy tháng trời. Đặc biệt là trong một lần thực hành bắn súng, trong khi cả lớp bắn được thì Thủy vẫn loay hoay chưa trúng phát nào. Sau lần ấy, cô cảm thấy thất vọng về bản thân ghê gớm: "Làm thế nào bây giờ?". Câu hỏi ấy cứ lẩn quẩn trong đầu Thủy. Từ đó, cô bắt đầu đi tìm nguyên nhân gây ra hậu quả này. Thủy cho rằng, muốn học tốt các môn đòi hỏi thể lực nhiều thì cần có cái nhìn bình đẳng giữa nam giới và nữ giới.

Riêng vấn đề bắn súng, cô bình tĩnh xem lại tâm lý và kiểm tra đôi mắt của mình. "Phải bình tĩnh mới tìm ra cách giải quyết, bất kể là việc gì", cô gái nhỏ nhắn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.

Cô cũng khẳng định, việc thay đổi một điều gì đó theo hướng tốt đẹp hơn, nhất định phải có động lực. Thời cấp ba, với cương vị lớp trưởng nên đôi khi, những môn thể dục Thủy được thầy cô ưu ái và cho điểm cao. Nhưng nhìn thấy bạn bè trong lớp cứ tiến bộ dần, còn mình thì cứ ì ạch một chỗ, Thủy quyết tâm học được môn thể dục bằng chính sức lực của mình.

Mỗi sáng sớm và chiều tối, cô đều dậy sớm chạy thể dục. "Cố gắng đi, sau lần này mình sẽ không phải học thể dục nữa", cô tự nhắc nhở mình. Kết quả thật như mong ước. Lần đầu tiên Thủy đạt điểm 10 chạy nhanh, điểm 9 chạy bền. Lần chạy bền về đích gần như nhanh nhất, cô đã khóc vì thấy môn thể dục khổ quá và cũng khóc vì sung sướng.

Môn thể dục tưởng chừng là nhỏ nhặt nhưng Thủy khẳng định, chính nó lại tạo động lực cho tất cả các môn "khó nhằn" khác: "Môn thể dục mình còn làm được thế kia, những môn khác lẽ nào lại không làm được?". Một lần nữa, cô cho thấy, động lực rất quan trọng trong thay đổi bất kỳ một việc gì.

Bước vào đại học, tinh thần Thủy thoải mái hơn vì không phải chịu ít nhiều sự áp đặt của thầy cô. Khả năng tự nghiên cứu đòi hỏi cao, trong đó khả năng biểu đạt, thuyết trình vô cùng quan trọng, yêu cầu có tố chất, sự thông minh. Đây cũng là một trong những điều quan trọng nhất mà trường đại học đã đem lại cho Thủy. Năm cuối, Thủy phải học nhiều các kiến thức về tài chính, kế toán, đất đai, bất động sản… Nền tảng kiến thức xã hội ấy phong phú, đòi hỏi nhiều tư duy của khối A.

Với lợi thế học được cả 2 khối A và C, những điều này không khiến Thủy cảm thấy quá khó khăn. Điều quan trọng nhất giúp cô giành vị trí thủ khoa tốt nghiệp chính là sắp xếp thời gian hợp lý và toàn tâm toàn ý để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nữ thủ khoa
Đặng Thị Thủy đã nỗ lực rất nhiều trong môi trường mà nam giới có nhiều lợi thế.
Thủy còn là một người năng nổ trong hoạt động Đoàn, Đội. Năm 2008, với ngôi vị thủ khoa đầu vào, Thủy là sinh viên duy nhất được kết nạp vào Đảng. Cô là bí thư chi Đoàn năng nổ trong các hoạt động văn nghệ, làm MC dẫn chương trình, biên tập viên của tờ báo ngành Người cảnh sát trẻ… Đến năm 2013, Thủy một lần nữa giành ngôi thủ khoa của Học viện Cảnh sát, vốn có nhiều lợi thế cho nam giới hơn.

Thầy Nguyễn Mậu Hiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp Điều tra chất lượng cao B11 D34, cho biết: "Thủy là một thủ khoa đầu vào K34 với số điểm 25, đầu ra là 8,64. Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng em vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đạt giải cao".

Sau 5 năm gắn bó với Hà Nội, tháng 9 này, Thủy sẽ nhận quyết định chính thức về quê hương xứ Nghệ làm việc. "Mẹ mình đang ở quê, hai em vẫn phải học ngoài này vài năm nữa. Phải kiên cường lắm mẹ mới có thể nuôi dạy cả ba chị em học chuyên, rồi đại học, giờ đã đến lúc trở về để đỡ đần mẹ", Thủy chia sẻ. Tình yêu thương trong đôi mắt của nữ thủ khoa kép Học viện cảnh sát dấy lên long lanh ánh nước.

Theo Vnexpress.net
Đọc tiếp…