Cho dù anh là một người không bình thường với mọi người, nhưng với chị, anh vẫn như ngày đầu tiên, cái ngày mà chị nhìn vào đôi mắt của anh,chị bỏ qua những lời dị nghị của mọi người chị vấn lấy anh.Là người khỏe mạnh, xinh đẹp, nết na nên biết bao chàng trai tuấn tú, giàu có trong làng, ngoài xã mong được "rước" Nguyễn Thị Hằng ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) về làm vợ. Nhưng không hiểu sao, chị lại quyết định lấy anh Nguyễn Đức Đăng - một người điên làm chồng. Gần 15 năm sau, câu chuyện về chị vẫn là đề tài "nóng" cho người dân quanh vùng bàn tán...
Lấy người điên, bị từ mặt
Trên đời, là phụ nữ, ai cũng mong muốn cưới được người chồng khỏe mạnh, giỏi giang để làm chỗ dựa. Trước khi lấy chồng, chị Hằng cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng không hiểu sao, từ ánh nhìn đầu tiên, chị đã bị "tiếng sét ái tình" của anh Đăng "đánh gục". Và gần 15 năm qua, chị đã dệt lên câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích giữa đời thường, khiến bao người thầm ngưỡng mộ.
Tò mò, ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu về cuộc sống vợ chồng với người điên như thế nào, chúng tôi đã quyết định tìm về tận nơi để tìm hiểu. Con đường nhỏ sâu hun hút dẫn chúng tôi đến trước ngôi nhà xập xệ, nhỏ bé cuối thôn Văn Hội. Đó chính là "tổ ấm" của gia đình vợ chồng chị Hằng sinh sống.
Bước vào sân, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi chứng kiến đó là người đàn ông ăn mặc nhếch nhác, bẩn thỉu, tóc bù rù, râu ria lởm chởm đang ngẩn ngẩn ngơ ngơ, miệng nói lảm nhảm điều gì đó.
Thấy có khách, người đàn ông đó co rúm người lại, đứng nép vào góc tường, vẻ sợ hãi. Chúng tôi cất tiếng chào và hỏi han nhiều lần, nhưng người đàn ông đó không trả lời, mà chỉ cúi mặt xuống, thỉnh thoảng mới đưa ánh mắt len lén, dò xét về phía khách. Một lúc sau thì người phụ nhỏ thó, vẻ khắc khổ, lam lũ ngượng nghịu bức ra, giọng ngại ngần, lí nhí mời chúng tôi vào nhà.
Chị Nguyễn Thị Hằng và con gái
Nhanh tay thu dọn đồ đạc, quần áo vứt bừa bộn khắp nơi, mời khách ngồi, chị Hằng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Qua câu chuyện, chúng tôi nhận thấy chị là người luôn lạc quan, chứa đầy nhựa sống.
Theo đó, chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng bên, phải nghỉ học sớm, quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Thời con gái, chị nổi tiếng là người xinh đẹp, nết na và có nhiều người theo đuổi. Nhưng cái số muộn chồng dường như đã "ám" vào chị nên chị chẳng động lòng trước người con trai nào.
Trong một lần đi gặt lúa thuê cho nhà Bùi Thị Nuôi ở thôn Văn Hội, chị tình cờ bắt gặp hình ảnh người đàn ông tha thẩn trước hiên nhà, thỉnh thoảng lại ngẩng lên, đưa ánh mắt xa xăm nhìn vào không trung như suy nghĩ điều gì đó. Và, cho đến tận bây giờ, chị cũng chưa thể giải thích được vì sao chị lại bị ánh mắt ấy ám ảnh, cuốn hút đến thế!.
Ấn tượng về người đàn ông "đặc biệt" cứ ám ảnh tâm trí chị Hằng dù đang ở bất cứ đâu và đang làm việc gì. Không kìm được cảm xúc, nỗi nhớ nhung ấy, chị quyết định tìm đến nhà người đàn ông kia. Khi đến nơi, chị mới biết rằng, người đàn ông đó tên Đăng, bị thần kinh phân liệt do di chứng của chiến tranh. Cũng từ đây, chị thấy càng yêu người đàn ông đó hơn.
"Xác định yêu, rồi cưới người điên, tôi biết rằng sẽ rất khổ. Nhưng lý trí sao thắng được con tim. Anh Đăng suốt ngày ngẩn ngơ, nói năng cộc lốc, giọng thì cứ lí nhí ngại ngần, vậy mà không hiểu vì sao, tôi lại yêu anh ấy đến vậy. Bây giờ, sau gần 15 năm cưới anh, trải qua trăm ngàn bể dâu, buồn vui, tôi càng cảm thấy thương và yêu anh ấy hơn", đưa tay lên vuốt lại mái tóc lòa xòa rủ xuống mặt, chị Hằng chia sẻ.
Cũng theo chị Hằng, ngày chị quyết định sẽ cưới anh Đăng, tất cả gia đình, bạn bè, xóm giềng đều ngăn cản.
"Đầu tiên khi đặt vấn đề, mọi người chỉ cười vì tưởng tôi đang đùa, nhưng khi biết đó là sự thật thì ai cũng kịch liệt phản đối. Có lẽ anh trai tôi là người phản đối mạnh nhất. Bình thường, anh thương và ủng hộ quyết định của tôi là vậy, nhưng lần này thì khác. Không những chỉ thẳng mặt mà bảo rằng sẽ từ mặt, anh trai tôi còn vận động mọi người "tẩy chay" quyết định "điên rồ" đó của tôi. Thậm chí, bố tôi lúc ấy cũng tuyên bố thẳng thừng rằng, tôi có thể "xin" ai đó một đứa con, chứ nhất định không đồng ý cho tôi lấy thằng điên", giọng thoáng buồn, chị Hằng tâm sự.
Cái
tin chị Hằng yêu và sẽ cưới anh Đăng khiến cả thôn, cả xã xôn xao bàn tán. Không ít người vì tò mò, muốn hỏi cho rõ đã đến tận nhà để dò hỏi, để xem "con hâm" đó "mặt ngang mũi dọc" thế nào.
Thời ấy, thông tin về chị và gia đình, cũng như cái đám cưới "có một không hai" ấy luôn là đề tài chính trong mỗi câu chuyện khi mọi người túm năm tụm ba hóng mát đầu làng, phút giải lao giữa công việc, trong bữa cơm, hay các đám hiếu hỉ…
Cái gì đến cũng phải đến, ngày bên nhà anh Đăng mang trầu cau sang xin chị về làm dâu thì cũng là ngày gia đình từ mặt chị.
"Tôi vẫn yêu như thuở ban đầu..."
Đó là lời khẳng định của chị Hằng khi chúng tôi hỏi về cuộc sống hiện tại, cũng như chị có ân hận khi lấy một người điên làm chồng hay không.
Theo chị Hằng thì cuộc tình của chị là cái duyên do trời định. Bởi, chỉ cần được ở bên cạnh, được chăm sóc, được cảm nhận cái sự quan tâm một cách ngây ngô, đầy bản năng của anh Đăng là chị đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Có lẽ, chính nhờ tình yêu của mình mà chị có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, lời dị nghị, miệng lưỡi thế gian "có dao có kéo".
"Nói thật, khi về làm vợ, tôi mới cảm nhận hết sự vất vả như thế nào. Bản thân tôi cũng không thể lý giải được vì sao mình lại mạnh mẽ như vậy khi đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Đặc biệt, lúc tôi mang bầu, chăm con nhỏ hay lúc bệnh tình của chồng tôi tái phát", đưa ánh mắt trìu mến nhìn chồng, chị Hằng cho biết: "Dù tính khí của chồng tôi thất thường nhưng anh ấy hiền như Bụt, chẳng gây gổ, đánh đập ai cả. Đặc biệt, mỗi khi tỉnh táo, anh ấy cũng biết quan tâm, yêu thương vợ con lắm. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nhiều lúc cũng rất mệt khi thỉnh thoảng chồng tôi lại "mất tích", khiến cả gia đình nháo nhác đi tìm".
Gần 15 năm vun vén hạnh phúc, gồng gánh mưu sinh, chị Hằng đã sinh cho chồng được hai đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi. Mong con có cuộc sống tốt, ngoài mấy sào ruộng, chị còn lăn lộn làm đủ mọi việc từ đổ rác thuê, dọn dẹp vệ sinh, làm thuê cuốc mướn khắp làng, chắt chiu từng đồng chỉ để chăm chồng, nuôi con.
"Tôi nghĩ, cuộc đời cho tôi và anh đến với nhau như một định mệnh vậy. Mặc dù anh là một người không bình thường với mọi người, nhưng với tôi, anh vẫn như ngày đầu tiên, cái ngày mà tôi nhìn vào đôi mắt của anh".
Nhìn hình ảnh người đàn ông nửa khù khờ, nửa điên dại cứ đi đi lại lại quanh nhà, rồi thỉnh thoảng lại thể hiện tình cảm với người con gái út khi đưa bàn tay sần sùi, cáu bẩn vuốt vuốt mái tóc của con gái, chị Hằng đau xót: "Anh ấy giờ đã yếu nên cũng ít đi hơn, nhưng bệnh tình thì ngày một nặng, những lúc này là lúc anh ấy tỉnh táo nhất đấy", nói đến đây, giọng chị Hằng trùng xuống, buồn buồn cùng khuôn mặt nhăn nhúm khiến cho không khí như đông đặc. Nhưng theo chị thì những khó khăn hiện tại chẳng nhằm nhò gì so với trước và chị vẫn sẽ mãi yêu chồng như ngày đầu, dù có bất kỳ chuyện gì có thể xảy ra.
Có lẽ, nếu không được gặp chị, được tiếp xúc với chị, tôi sẽ không thể biết trên đời lại có một câu chuyện tình, đẹp và đáng trân trọng đến thế. Đây sẽ là nguồn "nhựa sống" tâm hồn, giúp tôi có thêm niềm tin về tình cảm của con người vẫn còn trong cái xã hội xô bồ, đầy bon chen, thực dụng này.
Đau lòng khi người đời bàn tán về chuyện "chăn gối"
Từ ngày anh chị cưới nhau cho đến nay, người dân ở xã Văn Bình này chưa từng được chứng kiến một đám cưới "lạ lùng" đến thế khi chú rể cứ ngẩn ngơ, cười một cách vô hồn đi bên cạnh cô dâu.
Người dân từ khắp nơi chẳng biết nghe ở đâu nườm nượp kéo đến xem, chỉ chỏ, bàn tán, tiên đoán tương lai của vợ chồng chị Hằng. Trong số đó, không ít kẻ còn nghi ngờ, cười nhạo khả ố về chuyện "chăn gối" của chị với người điên như thế nào? Nhưng, bỏ ngoài tai mọi chuyện, chị vẫn ngẩng cao đầu, vui vẻ sánh vai cùng chồng.