Nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ vòng eo quá khổ

10:01 |

Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng những người có thể trọng bình thường nhưng bị béo bụng có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn so với những người béo phì.

Số đo vòng eo – thước đo sức khỏe tim mạch

Béo bụng không chỉ làm mất phom chuẩn của cơ thể bạn mà còn là “kẻ thù giấu mặt” làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như hội chứng chuyển hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường. Số đo vòng eo trên 80 với nữ và 94 với nam được coi là béo bụng.

Trong một nghiên cứu của tiến sĩ Francisco Lopez-Jimenez - bác sĩ chuyên khoa tim tại Bệnh viện Mayo ở Rochester, Mỹ, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu của hơn 12.000 nam giới và phụ nữ ở Hoa Kỳ. Người tham gia được đo cân nặng, chiều cao, vòng eo và vòng hông.

Hơn 14 năm theo dõi, có hơn 2.500 người đã mất. Trong đó có hơn 1.100 ca tử vong do bệnh tim mạch. Lopez phát hiện rằng người có trọng lượng bình thường bị béo vùng bụng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 2.75 lần và nguy cơ tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào cao hơn 2.08 lần so với người có trọng lượng bình thường và vòng eo, hông bình thường.

Lý giải cho kết quả này, Tiến sĩ Gregg Fonarow, Giáo sư Tim mạch Đại học California, Los Angeles giải thích rằng: “Béo bụng là sự hiện diện của chất béo dư thừa ở bụng. Trong điều kiện này, lượng chất béo lắng đọng ở vùng bụng không chỉ tồn tại ở dưới da mà còn tập trung xung quanh các nội tạng, hay còn gọi là mỡ nội tạng. Khi mỡ tích tụ nhiều sẽ tăng sản xuất cholesterol LDL xấu vào máu, gây tích tụ trên thành mạch máu khiến động mạch cứng và hẹp hơn (có thể dẫn tới tắc hoàn toàn).”

Đọc tiếp…

Chấn chỉnh lại thực đơn của học sinh bán trú TP.HCM

17:20 |
Nhằm nâng cao thể chất cho học sinh, Từ năm học 2013 - 2014, tất cả các trường tiểu học bán trú tại TP HCM sẽ áp dụng khẩu phần ăn cho học sinh theo thực đơn chống thừa cân béo phì, đảm bảo vi chất.

Thực đơn chuẩn với 40 món ăn dành cho học sinh tiểu học bán trú sẽ chính thức được áp dụng trong năm học mới này. Theo đó sẽ tập trung vào các loại rau củ quả có nhiều chất xơ, vitamin...
Rau củ quả
Rau củ quả là những loại thực phẩm sẽ được bổ sung vào bữa ăn của học sinh
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, thực đơn chuẩn nhằm cải thiện tình trạng bữa ăn chỉ cơm, món mặn và canh, đồng thời bổ sung thêm những nhóm thực phẩm có vi chất.

"Với 40 món ăn gợi ý, nhà trường sẽ căn cứ vào đó rồi xây dựng thực đơn mới nhằm mục đích vừa kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì vừa can thiệp vào tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh nhiều năm nay", bà Diệp nói.

Tại TP HCM hiện có khoảng 80% trường tiểu học tổ chức ăn bán trú, các em chủ yếu được phục vụ bữa chính trong ngày, một số trường phục vụ cả ăn sáng lẫn ăn xế. "Như vậy nếu không có thực đơn chuẩn, tình trạng dinh dưỡng của trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi các bé đã ăn hơn 50% nhu cầu năng lượng tại trường mỗi ngày", bác sĩ Diệp nói.

Khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM những năm qua cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì và thiếu vi chất của học sinh tiểu học tăng nhanh. Đơn cử tại 2 trường tiểu học ở quận 10, các bác sĩ ghi nhận đến 60% học sinh có mỡ trong máu cao hơn mức bình thường. Trong khi đó nhiều em lại thiếu các vi chất như vitamin A, kẽm, sắt...

Các khảo sát nhận định, ngoài việc ít vận động, bố mẹ chưa hiểu biết về chế độ dinh dưỡng cho con, thì thực đơn tại trường bán trú cũng góp phần không nhỏ đến tình trạng trên. Không ít trường học có thực đơn không đa dạng khiến trẻ bị ngán dẫn đến biếng ăn. Rất nhiều bữa ăn ở trường học thừa đạm nhưng lại thiếu rau cải.

Trong năm học 2013 -2014, song song với việc chấn chỉnh thực đơn bán trú, các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cũng định hướng cho ngành giáo dục nhắc nhở tình trạng kinh doanh thức ăn tại trường học. Thức ăn của căn tin cũng phải giảm thiểu những loại có nguy cơ dẫn đến tình trạng thừa cân ở trẻ.

Thiên Chương
Theo Vnexpress.net
Đọc tiếp…