Kostas Sarantidis (năm nay 86 tuổi, người Hy Lạp) có tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập - là một trong rất ít người nước ngoài có mặt trong lực lượng Việt Minh từ năm 1946. Với ông, quyết định đi theo Việt Minh là “lần đầu tiên tôi tự quyết định số phận của mình”.Gần 70 năm trôi qua, ông vẫn cảm thấy vinh dự khi từng là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Kostas luôn nhận "Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của mình, trước sau gì tôi vẫn là người Việt Nam"...
Ông vừa trở lại Việt Nam nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng và Nhà Nhà nước Việt Nam trao tặng vì những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tự quyết định số phận khi theo Việt MinhCâu chuyện bắt đầu từ tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Kostas Sarantidis khi ấy mới 17 tuổi, bị bắt đi lao động khổ sai ở Đức vì buôn lậu thuốc lá, sau đó sang Italia, và kẹt lại ở đó vì đất nước Hy Lạp còn trong nội chiến. Ông và bạn đành ghi danh vào đội lính lê dương Pháp, rồi bị đưa lên tàu biển đến Sài Gòn để thu súng của người Nhật. Nhưng đến đây, ông mới biết mình bị lừa, vì chẳng thấy người Nhật đâu. Thay vào đó là được lệnh đi bắn nhau với Việt Minh!
Nhận ra sự thật đó, cũng là lúc ông gặp người vợ một viên chức sứ quán Pháp, tên là Ly Ly. Đó chính là người được Việt Minh giác ngộ, và cô nói cho ông về những người cách mạng đang thực hiện lý tưởng cao đẹp, quyết giành lại độc lập, tự do cho đồng bào mình.
Ông kể: "Tôi còn nhớ như in, đó là ngày 4/6/1946, tôi đào ngũ trốn theo Việt Minh cùng người bạn ở đơn vị lính lê dương người Tây Ban Nha tên là Santo Merinos. Khi trốn thoát, hai anh em tôi đã giải thoát cho 25 tù binh khác, mang theo một súng máy cùng 2 khẩu súng trường. Sau 2 ngày lên núi, chúng tôi đã gặp bộ đội liên khu V, được bộ đội làm cơm ăn mừng. Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi bắt đầu từ đó. Tôi đã tự quyết định số phận của cuộc đời mình khi theo bộ đội Việt Nam - trung đoàn 812 đóng tại Bình Thuận".
Bước ngoặc này, sau được Kostas kể lại trong hồi ký bằng tiếng Việt mang tên Vì sao tôi hàng Việt Minh (NXB Quân đội nhân dân, 1997)
"Là một người nước ngoài được đứng trong hàng ngũ của bộ đội Việt Nam, chắc hẳn bác phải trải qua nhiều thử thách?" - Tôi hỏi.
"Có chứ. Hai ngày sau đó, đột nhiên có còi báo động. Anh em tôi, cùng một đồng chí bộ đội Việt Nam chạy vào rừng. Lúc sau, đồng chí bộ đội kêu có Pháp đi qua. Tôi nghe sợ quá và bảo đồng chí bộ đội là tôi không có súng, anh cứ bắn chết 2 anh em tôi và trốn đi. 10 phút sau hết báo động, anh bộ đội kia báo cáo tình hình thay đổi như thế nào với chỉ huy và chúng tôi không muốn quay lại để bị Pháp bắt. Đây là lần "thử thách" đầu tiên và cuối cùng của tôi" - Kostas chia sẻ thành thật.
Qua lần thử thách này, ông Kostas không bao giờ phải thử thách nữa, chỉ thử thách trong công tác. Cái tên Nguyễn Văn Lập cũng ra đời từ đó. Tên ông là sự kết hợp của họ Nguyễn, theo Nguyễn Ái Quốc, Văn là văn hoá, Lập là lập nên, xây dựng, lập lại. "Lúc đó thì biết thế thôi"- ông bộc bạch. Bạn ông Santo Merinos là Nguyễn Văn Vỹ (sau này hy sinh ở chiến trường Lào năm 1951). Tháng 6/1950, Kostas được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay tại Trung đoàn 80/83 ở Tuy Hoà, Phú Yên.
Gần 10 năm tham gia quân ngũ, với chức danh trung úy, Kostas đã trải qua nhiều trận đánh quan trọng. Ông là người đầu tiên bắn rơi máy bay của Pháp vào tháng 11/1948 tại Quảng Nam. Nhưng với Kostas, điều quan trọng nhất là “Tôi đã học được những phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, coi nhau như anh em ruột, cùng ăn một mâm, ngủ một chiếu...” - ông nhấn mạnh.
|
Ông Nguyễn Văn Lập trong lần gặp và trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Phải ra khỏi Đảng vì lấy vợ “không qua tổ chức!”Ông kể rằng, trong kháng chiến 1 năm đầu ở Việt Nam, vì phong tục tập quán của Việt Nam cộng với kỷ luật quân đội dẫn đến việc trai gái hạn chế tuyệt đối, chúng tôi không được tiếp xúc, thậm chí bắt tay phụ nữ. Nhưng dần dần cũng có sự thay đổi. Cuối năm 1946, ông lập gia đình, vợ là Huỳnh Thị Sơn, quê huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), đáng tiếc là vợ ông không có con.
Năm 1954, hòa bình lập lại, hai vợ chồng tập kết ra Bắc, ông vẫn trong quân ngũ, còn vợ vào phụ trách ở nông trường ở Thanh Hoá. Rồi ông được giao phụ trách đơn vị vận tải của Trung đoàn 354, thuộc Đại đội 17, sân bay Gia Lâm. Thời cải cách ruộng đất, vợ ông phải đi cải tạo. Ông đang trong quân đội, chi bộ họp nói với ông rằng: Vợ đồng chí như thế thì thái độ đồng chí như thế nào? Trả lời không thì bảo là không tin Đảng, ông đành phải xin thôi… thì bỏ vợ! Thời đó lấy nhau không có đăng ký, chỉ về sống với nhau thôi. Khi xin thôi vợ, ông cũng không làm đơn, mà chỉ báo cáo với chi bộ. Sau đó, ông bồi thường 150 đồng (lương ông hồi đó 80 đồng/tháng) cho vợ rồi chia tay...
Sau đó, ông về phục viên (năm 1956), đi làm lái xe cho Bộ Giao thông Vận tải. Rồi Nhà in Tiến Bộ cần phiên dịch tiếng Đức, ông lại chuyển sang đây công tác, đồng thời làm cho xưởng phim và thỉnh thoảng còn được hang phim truyện mời đi đóng phim. Khi đó, ông có báo cáo với chi bộ rằng tình hình tôi như thế, liệu có quyền lấy vợ hay không? Chi bộ nói là như thế chúng tôi sẽ giúp đồng chí lấy vợ. Anh em trong cơ quan làm mối cho ông một cô gái là con gái một cán bộ ở Nhà in Tiến bộ. Ông hóm hỉnh: "Bố cô gái bảo, con gái hay đi chơi lắm, đã có chồng đi vào Quảng Nam". Ông đành thôi, tự đi tìm vợ.
Duyên số thế nào, ông phải lòng một thiếu nữ Hà thành chính gốc tên Chung, xinh đẹp, nết na, mồ côi từ nhỏ, nhà ở ngay phố Lò Đúc. Kể tới đây, người lính già bỗng như trẻ trung trở lại, ông say sưa kể cho tôi nghe về mối tình rất đẹp của họ - tình yêu giữa một chàng trai Hy Lạp đi lính Cụ Hồ với một thiếu nữ Hà thành, mà như ông nhận xét là “quá xinh! Mới lấy về, đã… chửa ngay” (ông lại cười hóm hỉnh). Lúc đó chi bộ biết ông lấy vợ rồi, nhưng vẫn khai trừ, vì ông lấy vợ “không qua tổ chức”...
Vợ sau sinh liền cho ông 3 người con: Trung Thành, Bạch Tuyết, Bạch Nga (con út sinh tại Hy Lạp, tên là Tự Do). Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp đã tôi luyện chàng trai Hy Lạp thành một người Việt thực thụ, một người chồng người cha tận tụy cần mẫn với gia đình nhiều miệng ăn...
Năm 1965, sau gần 20 năm sống ở Việt Nam, ông làm đơn xin hồi hương về Hy Lạp.
Thẻ Hội viên Hội cựu chiến Binh VN và Thẻ trung đoàn 821 - Liên khu V của Nguyễn Văn Lập
20 năm ở Việt Nam là quãng đời đẹp nhất!Nguyễn Văn Lập kể: “Khi tôi hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần Quốc tế, nhiệm vụ mình xong rồi thì phải về chứ, sống mãi ở Việt Nam sao được. Tôi cũng có quê hương, có bố mẹ, có gia đình”.
“Chứ không phải sống ở Việt Nam thời đó khó khăn và vẫn còn chiến tranh à?”- Tôi vặn.
Ông đáp: “Nói về khó khăn thì viết thành cả quyển sách chưa hết. Không phải riêng tôi, từ tướng tá đễn chiến sĩ, từ bộ đội đến nhân dân, đều khổ cả. Tôi từng 7 năm đi chân đất. Ở Hy Lạp thời đó cũng khó khăn như vậy thôi. Trải qua quãng đời trẻ trung, sôi nổi, rất có ý nghĩa ở Việt Nam, tôi đã gắn bó với đất nước này, tôi không nghĩ đến việc rời Việt Nam, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng điều day dứt đối nhất đối với tôi là hơn 15 năm xa gia đình, tôi không được tin tức gì của mẹ. Năm 1954, nhờ một tù binh trở về cố quốc chuyển giúp bức thư đến mẹ tôi, cuối năm, tôi mới nhận được thư trả lời của em gái. Tôi đọc suốt mười ngày, cứ giở ra là khóc. Mẹ tôi đã mặc áo đen và dặn tôi trở về vuốt mắt cho mẹ…”.
Trước khi về Hy Lạp, Nguyễn Văn Lập và gia đình được trợ cấp 6 tháng lương. Ông và vợ ăn tiêu hết vì đồng tiền đó mang về Hy Lạp không có giá trị. Chính phủ Việt Nam không có tiền ngoại tệ. Tiêu hết tiền, Kostas mang một vợ 3 con về Hy Lạp với hai bàn tay trắng. Một năm đầu, gia đình ông rất khó khăn. Sau khi giải quyết giấy tờ, trở lại quốc tịch Hy Lạp, cuộc sống của ông tại Hy Lạp cũng vất vả không kém. Ông bảo: “Tôi đã mang vợ nước ngoài về thì không bao giờ bắt vợ đi làm. Tôi quyết tâm dù phải vất vả 18, thậm chí 24 tiếng mỗi ngày cũng phải làm để nuôi vợ con. Tôi suốt đời hy sinh cho vợ con”.
Nguyễn Văn Lập chụp ảnh cùng Đại tướng
Về Hy Lạp ông làm nghề lái xe tải hạng nặng nhờ có bằng lái xe ở Việt Nam. Hiện nay gia đình ông có 8 cháu nội ngoại, sinh sống ở thủ đô Athens và các thành phố khác. "Chúng nó rất ngoan, hiền, đi đâu cũng được quý. 2 đứa là giáo viên, trong đó 1 đứa dạy môn lịch sử Hy Lạp. Tôi tự hào vì chúng là người Việt Nam dạy lịch sử Hy Lạp", ông cười mãn nguyện.
Huân chương đeo đỏ ngực, sau nhiều thăng trầm, nay ông ngồi ôn lại những gì mình đã trải qua. Với ông, 20 năm ở Việt Nam "như một giấc chiêm bao" với những kỷ niệm vui, buồn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã "2 lần xin vào Nam nhưng chi bộ không cho. Các đồng chí bảo đồng chí Lập chiến đấu như thế là đủ rồi. Tôi không trực tiếp chiến đấu. Nhưng kháng chiến không có nghĩa là chỉ cầm súng. Người cầm súng phải ăn. Người nuôi ăn là kháng chiến. Người sản xuất cũng là kháng chiến. Vì thế, ngoài 8h làm việc, chúng tôi còn làm thêm 4h mỗi ngày không công cho miền Nam".
Từ ngày về nước đến nay đã hơn 50 năm nhưng chưa khi nào ông cắt đứt liên lạc với Việt Nam. Bạn bè vẫn thư từ thường xuyên, liên tục thông báo tin tức. Khi mới về Hy Lạp, Nguyễn Văn Lập vẫn thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự Việt Nam qua đài phát bằng tiếng Pháp. "Thời điểm giải phóng miền Nam bác cảm thấy thế nào?" - Tôi hỏi? - “Xúc động đến rụng rời chân tay đi” - Ông nói, mắt long lanh.
Trung bình, vài năm một lần, Kostas Lập lại cùng gia đình trở lại Việt Nam thăm quê ngoại, gặp những người bạn tri âm. “50 năm sống tại Hy Lạp rồi, nhưng tôi vẫn tự thấy mình là người Việt 80%, cách sống vẫn là người Việt Nam, cách nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau. Tôi còn có khả năng viết văn, viết hồi ký bằng tiếng Việt Nam. Trông mặt mũi tôi nhiều người cũng bảo tôi là người Việt Nam.
Vì tôi đã ăn cơm Việt Nam, nước mắm Việt Nam, thịt chó Việt Nam. Tên tôi vẫn là Nguyễn Văn Lập, không có gì thay đổi cả. Cả đất nước Việt Nam này đều là bạn của tôi, những người là lạ gặp nói chuyện một tí cũng là bạn”.
Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Ảnh Hoa Chanh
“Việt Nam, trái tim cứ gọi tôi về…”Trời tối hẳn lúc nào chẳng biết, câu chuyện về người lính già Hy Lạp giữa Thủ đô Hà Nội thực sự đã gây ấn tượng mạnh với chúng tôi. Với những lời nói mộc mạc, ông nói thật bình thường về "đất nước ta", "nhân dân ta"… Ông thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể quên được với nước Việt Nam của Cụ Hồ. “Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập tự do. 4 người con của tôi cũng đều được đặt bằng tên Việt Nam: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Thuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Tự Do. Các cháu tôi cũng vậy: Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh… Hòm thư báo trước cổng nhà tôi trên đường phố Rodos ở thành phố Athens vẫn ghi cả 2 cái tên Việt Nam và Hy Lạp: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”.
Vinh dự lớn nhất trong đời Nguyễn Văn Lập là 3 lần được gặp Bác Hồ, điều mà người Việt Nam nào cũng luôn mong ước có được một cơ hội như thế dù chỉ một lần. “Sau này, năm 1991, có cơ hội vào Lăng viếng Bác, nhìn Bác nằm thanh thản như đang nghỉ vậy, tôi thấy Người thật gần gũi vô cùng. Bác là lãnh tụ của tôi, Việt Nam là quê hương thứ 2 của các con, cháu tôi khi mang trong mình 2 dòng máu Việt Nam – Hy Lạp”.
Ở Việt Nam, Kostas Sarantidis đã từng tham gia đóng nhiều bộ phim, trong đó có bộ phim Cù Chính Lan- mà đến bây giờ những người lớn tuổi vẫn còn nhớ. Ba người con ông đặt tên là Trung, Nam, Bắc.
Năm 2005, nhân dịp kỉ niệm 60 năm Quốc khánh nước, Chính phủ Việt Nam đã mời 2 vợ chồng ông về dự, cho lên máy bay đi thăm Điện Biên. Nhiều lần khác, ông trở lại Việt Nam thăm lại chiến trường xưa Quảng Ngãi, thăm đồng đội và đồng bào các tỉnh miền Trung, dự Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc. Có lần, ông tháp tùng Tổng thống Hy Lạp sang thăm Việt Nam. Ông cũng từng được các nhà lãnh đạo Việt Nam: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết... tiếp thân mật.
Nguyễn Văn Lập cũng được Chính phủ Việt Nam tặng nhiều huân, huy chương như: Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến công, Huy hiệu cựu chiến binh VN, Kỷ niệm chương Trung đoàn 812 anh hùng; Huân chương Hữu nghị; Ngày 9/11/2010, điều Nguyễn Văn Lập mong đợi đã đến, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết trao quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Tháng 5/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 934-QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho ông. Lễ trao tặng mới được tổ chức trọng thể tại Bộ Quốc phòng Việt Nam vào ngày 30/8 vừa qua.
Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất với Nguyễn Văn Lập là tại Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 16 tại Venezuela (năm 2005), ông được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao huân chương Vì thế hệ trẻ. Ông xúc động chia sẻ rằng “thế hệ trẻ Việt Nam cũng biết đến tôi”. Kết thúc buổi lễ đó, hàng trăm bạn trẻ Venezuela, Colombia, Cuba, Pháp, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha,… đã vây lấy ông xin một chữ ký lên mũ, lên áo hay sổ tay, hoặc chụp ảnh cùng... Ông cũng vinh dự là khách mời của chương trình Chúng tôi là chiến sĩ của Đài THVN vào năm 2007.
Mỗi lần về Việt Nam ông đều kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở Hy Lạp ủng hộ đồng bão bị bão lụt, Quỹ nạn nhân chất độc da cam… Tất cả tiền bán sách ở Việt Nam và Hy Lạp, tiền ông tiết kiệm được ông đều dành để về Việt Nam ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam ở nhiều nơi... Năm 2001, ông nhận trợ cấp cho những người có công với cách mạng. Ông đã nhờ bạn bè làm thủ tục tặng hết cho các mẹ liệt sĩ ở Quảng Nam.
“Việt Nam, trái tim cứ gọi tôi về, vì Việt Nam là tổ quốc của tôi. Từ 18 tuổi, mới biết cuộc đời như thế nào thì đã ở Việt Nam. Về Hy Lạp, tôi bán sức lao động để kiếm tiền, nhưng về Việt Nam, không bao giờ tôi ngại tốn kém... Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là sống khoẻ để hằng năm được về Việt Nam ngắm nhìn đất nước đang phát triển vượt bậc, hằng ngày. Tôi rất muốn về sống ở Việt Nam, nhưng vợ và các con tôi không muốn, vì con cháu đang ở Hy Lạp, bà không muốn xa con xa cháu..." - Nguyễn Văn Lập tâm sự với chúng tôi khi chào tạm biệt bằng cái bắt tay của người lính già.