Nạn nhân chủ yếu là những em học sinh cấp 1-2 bị bắt trong khoảng thời gian đi học

09:34 |
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn Bến Cát (Bình Dương), Đồng Phú (Bình Phước) liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc đưa qua biên giới Campuchia đòi tiền chuộc làm hoang mang dư luận.

Nạn nhân chủ yếu là những em học sinh cấp 1-2 bị bắt trong khoảng thời gian đi học. Điều bất ngờ kẻ tống tiền không phải ai xa lạ mà là những người hàng xóm hoặc chính là bạn học của nạn nhân.

Những học sinh kiêm "cò" sòng bạc

Em Phạm Thị Điệp (học sinh lớp 9, H. Đồng Phú, Bình Phước) sau khi được gia đình chuộc về kể lại, trước đó em được hai bạn cùng xóm là Nguyễn Công Đ. và Ngọc A. rủ đi khu du lịch Đại Nam thăm quan, rồi sau đó họ lại rủ em đi Campuchia để chơi tiếp. Do tò mò nên em nhận lời đi theo, nhưng không ngờ khi đến nơi những người bạn cùng xóm đã ép buộc em phải đánh bạc. Diệp nói không có tiền thì được các bạn đi cùng cung cấp ngay số tiền mấy triệu để thử chơi… cho quen.

Ban đầu, thấy Diệp khá lúng túng, bạn hàng xóm còn tận tình chỉ dẫn cách đánh. Thế rồi, qua một vài ván khi đã quen với cách chơi thì cũng là lúc Diệp không còn tự chủ được bản thân nữa, hậu quả là chỉ sau vài ba ván Diệp đã thua hết sạch số tiền được các bạn cung cấp. Đang đứng đần người vì mất số tiền lớn, Diệp được chủ sổ (người cho vay tiền trong sòng bài) và đồng bọn ép gọi điện về gia đình yêu cầu đưa tiền sang chuộc, nếu không sẽ bị bán vào động mại dâm. Hoảng sợ và lo lắng, Diệp bất đắc dĩ phải gọi điện về nhà cầu cứu gia đình.


Thầy Vũ Tiến Báo trao đổi sự việc cùng PV. ẢNH: M.T

Tương tự, Trần Thị Thanh (học sinh lớp 9, H. Đồng Phú, Bình Phước) cho hay, do tin tưởng một người bạn gái tên Hương ở gần nhà nên đã đi theo lên thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) chơi. Tại đây, Hương đã giới thiệu một nhóm thanh niên để Thanh làm quen. Vẫn chiêu bài cũ, cả nhóm rủ Thanh đến khu du lịch Đại Nam chơi. Tiếp đó cả bọn kéo nhau sang một sòng bạc ở Campuchia (gần cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh).

Tưởng chỉ qua chơi cho vui, nào ngờ khi vừa vào sòng bạc, nhóm thanh niên đi cùng đưa tiền và buộc Thanh phải đánh bạc. Thanh cũng bị lột sạch tiền sau vài lần chơi… cho biết. Hết tiền, nhóm thanh niên đưa Thanh vào một khách sạn ra lệnh gọi điện về nhà yêu cầu gia đình mang 3.000 USD sang chuộc mạng. Sau nhiều giờ thương lượng qua điện thoại với gia đình, chúng giảm giá xuống còn 15 triệu đồng và đưa Thanh vào một khu nhà trọ gần đó để chờ tiền chuộc.


Trường Dân tộc nội trú huyện Đồng Phú nơi xảy ra vụ việc. ẢNH: D.A

Vẫn bổn cũ soạn lại của nhóm đối tượng bạn học rủ đi chơi du lịch, em Nguyễn Quỳnh Như (sinh lớp 10 ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) cũng rơi vào hoàn cành tương tự. Lúc cả nhà đang nháo nhào đi tìm thì bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông lạ báo tin cô bé đánh bạc thua, đang bị thế thân ở Campuchia và yêu cầu gia đình mang 3.000 USD sang chuộc, nếu không sẽ bị bán vào động mại dâm. Không còn cách nào khác, gia đình của Như đành phải làm theo yêu cầu của người đàn ông lạ kia để giải cứu con gái mình.

Kịch bản tự bắt cóc mình

Một ngày cuối tháng 3/2013, bà Châu Thị Hồng (ngụ thị trấn Mỹ Phước) lên Công an H.Bến Cát (Bình Dương) trình báo con gái tên Thắm (14 tuổi, học sinh lớp 7, H.Bến Cát) lại bị mất tích và nghi ngờ bị dụ dỗ đưa qua Campuchia đánh bạc như lần trước. Bà kể, trước đó vào ngày 26/2, Thắm đã từng bị bạn lừa bán cả chiếc xe đạp điện đi học để qua Campuchia đánh bạc và bị giữ lại đòi tiền chuộc. Vợ chồng bà phải chạy vạy khắp nơi mới kiếm được 60 triệu đồng để chuộc con về.

Tuy nhiên, về nhà được một ngày thì Thắm đi đâu đến nay vẫn chưa có tin tức. Vừa sợ con bị bọn xấu bán đi làm gái, bà vừa nghi ngờ khả năng trước đây con gái mình đã cấu kết với người xấu dựng lên màn kịch nhằm đánh lừa gia đình để lấy tiền ăn chơi. Đối chứng một số lời khai của nạn nhân, công an xác định Thắm là một trong những mắt xích trong đường dây bắt cóc nhằm cưỡng đoạt tài sản nên bí mật lần theo dấu vết.

Ngày 29/3, một bảo vệ khu phố 2, (TT. Mỹ Phước, H. Bến Cát) nhận được tin báo Thắm và một cô gái khác đang ẩn náu trong căn nhà hoang trên địa bàn liền bắt giao cho công an Bến Cát xử lý. Qua đấu tranh Thắm khai nhận đã cùng Linh (15 tuổi, cùng ngụ Bến Cát) và Nguyên (15 tuổi, ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) móc nối với chủ sổ Phan Thị Kim Oanh (39 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) cùng hai đối tượng Hồ Minh Trung (23 tuổi, ngụ Bến Cát), Nguyễn Xuân Cường (22 tuổi, ngụ Dầu Tiếng) tự "bắt cóc" tống tiền. Theo kịch bản, chủ sổ sẽ lấy 50% tiền chuộc, số tiền còn lại cả bọn chia nhau tiêu xài.

Dựa vào lời khai của Thắm, qua truy xét Công an huyện Bến Cát đã tóm gọn Oanh, Trung, Cường khi chúng đang đi "săn mồi" tại tỉnh Tây Ninh và Bến Cát. Sau đó, Cơ quan CSĐT cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra làm rõ hành vi bắt cóc nhằm cưỡng đoạt tài sản đối với nhóm đối tượng trên. Cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ (sau đó cho tại ngoại) đối với Thắm, Linh và Nguyên.



Chị Hồng bật khóc vì bị con dùng chiêu lừa mình lấy tiền ăn chơi.

Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng Cường, Trung, Thắm, Linh, Nguyên là những thanh thiếu niên hư hỏng, thường xuyên đi bụi, thuê nhà nghỉ sống theo kiểu bầy đàn. Linh và Thắm từng là học sinh của trường THCS Lê Quý Đôn (TT. Mỹ Phước, huyện Bến Cát), do ăn chơi đua đòi nên đã nghỉ học. Trước đây chúng thường qua Campuchia đánh bạc, cũng từng bị nạn thế thân nhưng được gia đình chuộc ra. Nhiều lần như vậy, chúng đã liên kết với những đối tượng "cò" sòng và cho vay tiền diễn trò tự bắt cóc mình để tống tiền cha mẹ. Khi chiêu bài trên bị lật tẩy, chúng liền quay qua dụ dỗ, lừa gạt bạn học cũ đưa qua Campuchia để đòi tiền chuộc.

Khi những vụ việc về học sinh bị dụ đi đánh bạc, rồi bị bắt cóc chưa kịp lắng, thì ngày 19/10/2013, một vở kịch của một em học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Phú (Bình Phước) lại tiếp tục tái diễn. Kể lại nội dung sự việc, thầy hiệu trưởng Vũ Tiến Báo cho biết, vào khoảng 20h30 ngày 19/10, các em học sinh nữ thông báo với thầy quản nhiệm về việc ba em gồm Nội Duy Khánh, La Văn Hưng và Hà Văn Tiến cùng với 3 học sinh khác, lợi dụng sơ hở của bảo vệ nên đã chui rào ra ngoài đi nhậu.

Sau khi tìm kiếm nhiều nơi nhưng vẫn không thấy bóng dáng các em, nhà trường đã báo công an. Tuy nhiên, đến 14h ngày 21/10, phụ huynh em Nội Duy Khánh đã chở con đến trường và xin rút hồ sơ để thôi học. Dắt con ra khỏi cổng trường, chị La Thị Ngà (44 tuổi) chia sẻ: "Tui phải rút hồ sơ cho cháu chuyển sang trường khác thôi, đang yên đang lành nhỡ chẳng may bị đưa sang Campuchia thì chết mất". Cùng chung tâm trạng với những bậc phụ huynh, thầy Báo xót xa: "Kể từ ngày nhà trường xảy ra vụ việc đáng tiếc này, phụ huynh học sinh đến xin rút hồ sơ rất nhiều, mặc dù nhà trường cũng gửi công văn cầu cứu sang công an huyện Đồng Phú nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có vẻ gì khả quan".

Đến 12h ngày 22/10, phụ huynh hai em Hưng và Tiến gọi điện đến thông báo với nhà trường về việc 2 em đã bị bọn người lạ mặt bắt cóc sang Campuchia, gia đình phải chồng đủ số tiền 120 triệu đồng mới đưa các em từ sòng bạc bên kia biên giới về quê an toàn. "Chờ các em bình tĩnh trở lại, tôi đề nghị 2 học sinh này viết bản tường trình kể lại sự việc, tuy nhiên có rất nhiều chỗ nghi vấn trong lời khai của các em", thầy Báo cho biết thêm.

Trong bản tường trình của mình, em Hà Văn Tiến viết, tối hôm đó, Khánh rủ cả bọn ra chân cầu Bà Mụ (cách trường 2 km) để nhậu cùng một thanh niên tên Hiển. Khi cuộc nhậu sắp tàn thì 4 học sinh đi về, còn lại Hưng và Tiến tiếp tục ngồi nói chuyện. Hiển bàn sẽ đưa tất cả sang Campuchia chơi và "bao trọn gói" nên Hưng và Tiến đều đồng ý. Đợi trời sáng, cả bọn bắt taxi lên cửa khẩu Mộc Bài, Hiển thuê xe ôm đưa tất cả đi theo đường tắt sang Campuchia. Tại đây, cả nhóm không vào sòng bài ngay mà thuê phòng trọ ở lại 2 ngày rồi nghĩ cách kiếm tiền. Thấy 2 học sinh không có tiền, Hiển lôi Hưng ra đánh dằn mặt rồi bàn nhau lập mưu tống tiền cha mẹ. Tiến cho biết, Hiển bàn sẽ cho mỗi đứa 40 triệu để ăn chơi nếu cung cấp số điện thoại của cha mẹ mình cho hắn. Vốn tính ham chơi nên Tiến và Hưng nhanh chóng đồng ý.


Em Hà Văn Tiến kể lại vụ việc. ẢNH: M.T

Được biết, đối tượng Nguyễn Thế Hiển (ngụ ấp Tân Tiến) tuy mới chỉ 18 tuổi nhưng đã có bề dày thành tích bất hảo tại địa phương. Nhiều lần bị chính quyền răn đe nhưng Hiển vẫn tỏ thái độ bất chấp và liều lĩnh. Không được học hành, từ nhỏ hắn đã bỏ nhà đi lang thang, nhiều vụ xin đểu, cướp bóc, đánh nhau đều có bàn tay của Hiển tham dự. Vì cần tiền ăn chơi, đánh bạc tại các casino vùng biên nên Hiển lên kế hoạch nhắm đến "con mồi" là các em học sinh thích quậy phá, ham chơi hơn ham học để dụ dỗ, lôi kéo.

Trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh bị dụ dỗ hoặc tự dựng lên kịch bản tống tiền người thân để có tiền sang biên giới đánh bạc, thầy Báo mong mỏi: "Trường tôi tính đến nay đây là vụ đầu tiên nhưng trên địa bàn Đồng Phú thì xảy ra rất nhiều, nhà trường có trách nhiệm giáo dục các em còn phụ huynh thì nên quan tâm đến con mình hơn, nên nhận ra đâu là thật giả để không bị các em lừa gạt, tôi mong chính quyền nên sớm vào cuộc để nhà trường, phụ huynh và cả bản thân các em học sinh được yên tâm học hành".

Cha mẹ cay đắng khi bị con cái "dắt mũi"

Những bậc cha mẹ quanh năm chỉ biết quanh quẩn với đồng ruộng lam lũ chợt giật mình khi đón nhận hung tin con cái mình bị bắt cóc bên kia biên giới vì tội đánh bạc. Đến khi màn kịch vụng về của con cái bị lật tẩy, họ đau xót vì mang tội "không giáo dục được con". Bà Châu Thị Hồng (ngụ thị trấn Mỹ Phước) bị con gái tên Thắm (14 tuổi, học sinh lớp 7, H.Bến Cát) dựng lên màn kịch "bị bắt cóc" chán nản nói: "Nghe tin con bị bắt, vợ chồng tui chạy đôn chạy đáo mượn tiền để chuộc con về, không kịp thương lượng thêm bớt vì sợ con bị đánh, biết đâu nó lập mưu lừa tiền mình. Chuộc về ngày trước, ngày sau nó bỏ đi tui cũng ngờ ngợ. Mãi đến sau này, Công an lật tẩy toàn bộ chân tướng sự việc, tôi thất vọng vô cùng vì chính con gái mình là kẻ chủ mưu để lừa bố mẹ".

Thế nhưng, bà còn "hạnh phúc" hơn gia đình em học sinh tên Linh. Linh và Thắm từng là học sinh của trường THCS Lê Quý Đôn (TT. Mỹ Phước, huyện Bến Cát), do ăn chơi đua đòi nên đã nghỉ học. Gặp bố Linh tại trụ sở công an, ông than thở, Thắm chỉ lừa có một lần chứ con ông lừa gia đình mình đến 3 lần rồi. "Mỗi lần nghe con kêu giải cứu dù rất giận vẫn cuống cuồng kiếm tiền chuộc con ra. Cách đây 3 tháng nó lại tiếp tục gọi điện kêu mang tiền đi chuộc thân. Do hết khả năng vay nợ lại nghi ngờ nó tự tống tiền nên tôi bảo bọn chúng cứ bán nó đi mà lấy tiền. Y như rằng mấy ngày sau nó đã về nhà. Về được vài hôm lại bỏ đi. Hôm công an gửi giấy triệu tập lên làm việc, tôi phải đi tìm nó mãi mới được".

Cùng nỗi đau như những phụ huynh trên, trò chuyện cùng PV Báo GĐ&XH Cuối tuần, trong căn nhà lá rách nát đến thảm hại, bà La Thị Nòng và ông Hà Văn Pén (cha mẹ em Hà Văn Tiến, ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) gạt nước mắt phân trần: "Gia đình tui chú cũng thấy rồi đó, đến cái chỗ che nắng mưa mà cũng không có, giờ lại thêm một khoản nợ ngất ngưởng, chẳng biết đến bao giờ mới trả được đây, sao mà khổ quá chú ơi". Ngồi kế bên chồng mình, bà Nòng khó nhọc cất lời: "Tui năm nay đã 64 tuổi rồi, thằng Tiến là con út nên có cái ăn cái mặc là nhà tui đều để dành cho nó. Người dân tộc tui không biết nói xạo chú ạ, nói xạo là cái bụng không ưng nhưng mà nó lừa gạt cha mẹ nó như vậy đó, đau đớn lắm".

Lấy vạt áo lau những dòng nước mắt uất nghẹn, bà kể lại: "Khoảng 12h trưa ngày 22/10, tôi nhận được điện thoại có dãy số rất dài, nhiều người có kinh nghiệm cho biết đó là mã vùng của Campuchia. Ở đầu dây bên kia là giọng nói của một người đàn ông, hắn cho biết con tôi đã thua bạc nên đang bị giam lỏng bên Campuchia và yêu cầu chúng tôi phải trả 120 triệu để chuộc con. Chẳng kịp suy nghĩ gì nhiều, đôi vợ chồng già thương con tức tốc đi chạy vạy khắp nơi rồi mang tiền sang biên giới đón con về. Nỗi đau mất tiền chưa nguôi thì ông bà lại bàng hoàng khi biết tin tất cả chỉ là một màn kịch do con mình dựng nên. Hóa ra, trong khi ở Campuchia tiếp tục ăn chơi cùng bạn bè, Tiến đã đưa cho Hiển số điện thoại của mẹ mình để gọi về đòi tiền chuộc mạng, Hiển còn dọa người mẹ tội nghiệp rằng sẽ cắt tay của cậu con trai bà để gửi về làm kỷ niệm. Tuy bình tĩnh hơn vợ mình đôi phần nhưng ông Pén cũng cay đắng bảo: "Tiền đã mất rồi nên tui cũng không muốn nhắc lại. Tui chỉ uất ức khi mình bằng này tuổi rồi mà lại còn bị một bọn trẻ mới tí tuổi đầu đi lừa gạt. Gia đình đã bất lực với chúng rồi, chỉ mong những người có trách nhiệm trong xã hội dạy chúng thôi".

Cùng suy nghĩ với ông, bà Châu Thị Ràm (ngụ huyện Đồng Phú) cho biết: "Tôi có cậu con trai mới lớn nên rất lo lắng, ở huyện nghèo này mọi thứ đều thiếu thốn chỉ có bọn trộm cướp, bài bạc thì thừa thãi. Địa phận chúng tôi ở lại gần biên giới, những kẻ mê bài cứ túng thiếu tiền thì lại quay sang tìm cách móc nối với mấy đứa học sinh hư hỏng rồi lôi kéo nhau. Ma bài mà chú, nó dẫn lối người ta lắm, cứ thắng thì máu, thua thì muốn gỡ lại, không có tiền lại nghĩ cách cầm cố mạng sống của mình. Giờ chẳng biết làm thế nào để bảo vệ gia đình và con cái mình nữa, bọn côn đồ thì cứ lởn vởn, khổ cho dân nghèo lắm".
Đọc tiếp…

Đau đầu vì đủ thứ khoản đóng góp cho nhà trường

15:00 |
Lo cho con ăn học là việc làm đương nhiên của các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng khi mà tình hình giá cả leo thang đang không những làm ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ có thu nhập thấp mà còn ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp xã hội khác. 

Giá cả leo thang đã đành, nhưng giờ khi lo cho con ăn học, nhiều phụ huynh còn than thở đang phải đau đầu vì phải lo cho đủ các thứ khoản đóng góp cho nhà trường: Tiền xây bể bơi, tiền mua máy giặt, thậm chí tiền... tưới cây là những khoản đóng góp đổ xuống đầu phụ huynh mùa khai trường khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Đau đầu vì đủ thứ khoản đóng góp cho nhà trường

Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Tuổi Trẻ và nhiều ban ngành, phụ huynh Trường mầm non Hoa Mai (TP Huế) phản ảnh về các khoản đóng góp đầu năm học mà nhà trường đặt ra, trong đó có 700.000 đồng tiền “tăng cường xây dựng cơ sở vật chất” cho trường. Số tiền này được dùng xây bể bơi, cải tạo và chống thấm phòng học, mua sắm thiết bị đồ chơi (tổng số hơn 3,9 tỉ đồng).

Đóng tiền xây bể bơi
Bà Phạm Thị Cúc, hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, cho biết khoản tiền đóng góp “tăng cường cơ sở vật chất” này được áp dụng theo thông tư 29 của Bộ GD-ĐT “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Tháng 4-2013 nhà trường có tờ trình gửi cấp trên xin phép nâng cấp cơ sở vật chất với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng, trong đó có dự án xây mới bể bơi gần 2,3 tỉ đồng. Theo bà Cúc, khoảng 2/3 của gần 4 tỉ đồng nói trên sẽ lấy từ nguồn tiền của trường (tiết kiệm từ nguồn học phí 300-400 triệu đồng/năm và nguồn từ ngân sách đầu tư cho giáo dục hằng năm). 1/3 còn lại “trông mong vào phụ huynh”. Lộ trình thực hiện trong ba năm, bắt đầu từ năm 2013 và hoàn thành trong năm 2016.

Đến ngày 30-8, tại cuộc họp với ban thường trực hội phụ huynh, nhà trường đưa ra vấn đề này và được ủng hộ. Cũng theo bà Cúc, tại cuộc họp phụ huynh toàn trường (31-8), lại tiếp tục bàn và các phụ huynh đã thống nhất mỗi người đóng 700.000 đồng/năm.

Theo bà Cúc, toàn trường hiện có 1.007 học sinh thì đã có hơn 600 phụ huynh đóng khoản tiền trên, có người đóng nhiều hơn số tiền 700.000 đồng. “Đây hoàn toàn là khoản tự nguyện, phụ huynh nào đóng góp ủng hộ thì ghi tên mình, và ký tên vào, trường không bắt buộc. Nếu họ không đóng thì trường có thể dùng hai khoản còn lại để trả trong 4-5 năm, thay vì chỉ ba năm theo lộ trình” - bà Cúc nói.

Ông Phan Nam, trưởng Phòng GD-ĐT TP Huế, cho biết có nhận đơn kiến nghị này và đã cho kiểm tra vụ việc.

Tiền tưới cây

Trong khi đó tại tỉnh Nghệ An, một số phụ huynh của học sinh lớp 2 Trường tiểu học Hưng Thịnh (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) bị “choáng” khi đọc 10 khoản đóng góp trong năm của con mình lên tới 2.294.000 đồng được viết trên bảng trong cuộc họp gần đây. 10 khoản gồm: tiền học tăng buổi, đồng phục, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, xã hội hóa, nâng nền sân vận động, hệ thống nước lọc, vệ sinh và tiền tưới cây.

Cô Cao Thị Tám - hiệu trưởng trường này - giải thích: “Trường có 360 học sinh. Chúng tôi chỉ thu tám khoản tiền của phụ huynh thôi. Tiền tưới cây nhập vào tiền vệ sinh. Tiền nâng nền sân vận động nhập vô tiền xã hội hóa. Tổng thu là 1.255.000 đồng/năm. Nhưng khoản tiền vệ sinh và tưới cây không phải chủ trương của trường mà do giáo viên chủ nhiệm các lớp và phụ huynh nhất trí đóng góp. Tiền nâng nền sân vận động để làm nơi vui chơi cho học sinh thì trường không chủ trương thu tiền mà chỉ kêu gọi phụ huynh tự nguyện, mỗi người góp 2 khối đất. Khoản này cũng do giáo viên chủ nhiệm bàn bạc với phụ huynh. Riêng khoản tiền mua hệ thống nước lọc là do trước đây trường thuê người nấu nước, nay không thuê được nữa nên tính chuyện mua hệ thống lọc nước cho các em uống”.

Theo cô Tám, trường đã thu đợt một các khoản tiền này. Bắt đầu từ tháng 9 thu tiếp đợt hai cho đến hết năm. Hiện đã có 40% phụ huynh trong tổng số 360 phụ huynh học sinh đã nộp các khoản tiền nêu trên. Đây chính là lý do một số phụ huynh đã phản ảnh bức xúc. Hỏi thêm về việc vì sao trường lại thu tiền tưới cây, cô Tám nói: “Trường trồng một số bồn cây giữa sân cho đẹp và để học sinh thân thiện với môi trường. Nếu các lớp có thu thì cũng trả cho bảo vệ tưới, chăm sóc những bồn cây này”.
Đọc tiếp…

Đầu ra hệ cử tuyển teo tóp

15:00 |
Sinh viên hệ cử tuyển tập trung vào những ngành đào tạo có điểm đầu vào cao, trong khi năng lực chưa phù hợp nên rơi rớt dần.

“Học lực sinh viên (SV) cử tuyển rất kém, lâu lâu mới có được người khá. Trong khi giáo dục ĐH đang tăng chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra ngày càng cao thì SV cử tuyển ngày càng khó theo kịp” - ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết. Tại các trường, số SV cử tuyển được tốt nghiệp ít dần.

Tốt nghiệp ít, bỏ học nhiều
Từ năm 1990 đến nay, mỗi năm, Trường ĐH Kinh tế TP HCM đào tạo khoảng 30-40 chỉ tiêu hệ cử tuyển. Nếu năm 2010, SV cử tuyển tốt nghiệp đạt 50% thì năm 2011 đạt 45%, năm 2012 còn 36% và đến năm 2013 chỉ có 2/44 SV đủ điều kiện tốt nghiệp đúng hạn.

“Chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp như bố trí SV tình nguyện kèm cặp, phụ đạo trước kỳ thi... nhưng kết quả không cải thiện được là bao” - ông Đương cho biết.

Trường ĐH Luật TP HCM năm 2007 và 2008 được giao đào tạo 40 chỉ tiêu/năm, năm 2009: 25 SV, năm 2010: 47 SV, năm 2011 là 48 SV nhưng số tốt nghiệp thưa thớt dần. Cụ thể, năm 2008 chỉ có 22 SV tốt nghiệp, năm 2009 còn 17 SV, năm 2010 là 21 SV và năm 2011 có 22 SV. Trường ĐH này từ năm 2008 đến nay mỗi năm chỉ có 3-6 SV cử tuyển học lực khá, còn lại là trung bình.

Đầu ra hệ cử tuyển teo tóp
Học sinh hệ cử tuyển tập trung vào các ngành y dược, chiếm 26% tổng chỉ tiêu
Trường ĐH Dược Hà Nội khóa 2009 có 61 SV hệ cử tuyển nhập học thì chỉ 33 người tốt nghiệp, 10 thôi học; năm 2010 chỉ có 27 SV tốt nghiệp và đến 13 thôi học; năm 2011 chưa có SV tốt nghiệp nhưng có đến 35 người thôi học. Tại Trường ĐH Quy Nhơn, năm 2007-2008 có 14 SV nghỉ học do ngừng tiến độ học tập, bị buộc thôi học do không đủ điều kiện hoặc tự ý nghỉ học; năm 2008-2009 con số này là 30 SV...

Lãnh đạo các trường cho biết nguyên nhân SV không đủ điều kiện tốt nghiệp hoặc phải thôi học là do đầu vào thấp; sau 1 năm dự bị vào học cùng các lớp SV chính quy có sự chênh lệch trình độ. Hầu hết SV học không nổi, đặc biệt là các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên, do vậy kết quả học tập không đạt yêu cầu.

Chọn ngành quá sức
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết: “Có hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú đến Khoa Y ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất nhận 20 chỉ tiêu cử tuyển ngành y đa khoa nhưng chúng tôi kiên quyết không nhận. Ngành y đòi hỏi SV phải có năng lực thực sự. Mỗi năm, khoa chỉ đào tạo 100 chỉ tiêu nên không thể nhận những SV không đạt trình độ”.

Theo PGS-TS Nghĩa, việc quy hoạch chỉ tiêu tại các địa phương chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều tỉnh chạy theo chỉ tiêu ngành y, trong khi ngành này mang tính đặc thù, không thể đào tạo tràn lan.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cũng nêu thực tế mỗi năm, trường này nhận khoảng 80-150 chỉ tiêu đào tạo hệ cử tuyển nhưng hồ sơ chủ yếu tập trung vào ngành y đa khoa - là ngành mà điểm đầu vào thường từ 25 trở lên. Trong khi đó, SV cử tuyển có học lực trung bình nên trường buộc phải phân bổ chỉ tiêu cho các ngành khác và chỉ giữ khoảng 15% chỉ tiêu vào ngành y đa khoa.

“Đào tạo y dược có nhiều khái niệm, đòi hỏi sinh viên phải có năng lực nhất định. Do vậy, các tỉnh cần cân nhắc khi chọn học sinh cử tuyển ngành y” - ông Dũng đề nghị.

Để tránh tình trạng “bỏ thì thương vương thì tội”, ThS Nguyễn Văn Đương cho rằng Bộ GD-ĐT cần có giải pháp sắp xếp SV hệ cử tuyển vào các trường ĐH phù hợp với năng lực nhằm tránh lãng phí. Ngoài ra, theo đại diện nhiều trường, để nâng cao chất lượng đào tạo, các địa phương cần thực hiện giám sát, kiểm tra việc xét tuyển học sinh cử tuyển nhằm bảo đảm những SV được xét đưa đi học đều đúng đối tượng, có đầu vào cao, đủ khả năng theo học bậc ĐH.
Đọc tiếp…

Cha mẹ chật vật đóng phí đầu năm học cho con

18:12 |
Thấy bé út 6 tuổi xúng xính mặc thử bộ đồng phục đi học, chị Hảo (Tây Hồ, Hà Nội) cười nhưng lòng nặng trĩu. "Mỗi bộ quần áo với sách vở đã tốn hơn một triệu rồi, còn bao khoản đầu năm khác đang chờ đóng, của cả anh chị cháu nữa", chị thở dài.

>>Đau đầu chọn dụng cụ học tập cho trẻ
>>Tính toán chi phí để nuôi 3 triệu một tháng

Có 3 con, cháu đầu bước sang lớp 6, bé thứ hai vào lớp 2 và cô út lớp 1, vợ chồng chị Hảo, bán thịt tại chợ Tứ Liên (Tây Hồ), ngao ngán khi nghĩ tới số tiền phải đóng góp vào đầu năm học. Cả ba bé nhà chị đều học trường công tại phường Quảng An (Tây Hồ), học phí không đáng bao nhiêu, nhưng cộng nhiều khoản đầu năm như tiền xây dựng, hỗ trợ mua sắm thiết bị giáo dục, chăm sóc cây cảnh, điện nước..., mỗi bé cũng hết vài triệu.

"Đó là chưa kể trường hai cháu đầu đã thu tiền sắm sách vở và đồng phục vào cuối năm học trước. Theo các cô là để san sẻ cho phụ huynh đỡ phải chi quá nhiều khi các con vào năm học mới. Ngoài ra, bố mẹ cháu chịu khó trưa đón các con về nhà ăn cơm, không tốn khoản bán trú", chị Hảo kể. 

Theo lời chị, từ khi vào tiểu học, mỗi năm các con chị phải góp tiền mua tới 4 bộ đồng phục: đồ cộc, đồ dài, đồ thể dục, đồ mùa đông. "Đồ của chị vẫn mới em không dùng lại được vì quần áo năm sau lại hơi khác so với năm trước ở chi tiết hoặc màu nào đó. Bố mẹ tiếc tiền nhưng không thể làm khác", chị nói. 

Chưa hết, hầu như toàn bộ sách vở lớp 1 đứa lớn đã dùng chị không thể để lại cho đứa bé học được vì học sinh đều làm bài tập, chữa bài, chấm điểm vào chính cuốn sách đó. "Giá tiền mỗi bộ sách cũng không rẻ gì, sao người ta không thiết kế sách giáo khoa để có thể dùng lại như ngày xưa nhỉ", chị nói.

Tổng cộng tới tháng 9, vợ chồng chị phải chuẩn bị tới chục triệu để đóng góp cho con. "Buôn bán ế ẩm, tiền thuê nhà và giá điện lại tăng, trong khi nuôi các con ăn học càng ngày càng tốn kém. Chúng tôi cũng muốn con học hành đến nơi đến chốn cho tương lai tươi sáng, nhưng xoay sở kiếm tiền chẳng dễ chút nào", chị Hảo chia sẻ.
Học sinh khai giảng
Học sinh trong buổi lễ khai giảng đầu năm
Mới có một bé học mầm non tư thục, vợ chồng anh Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng oải khi nhìn số tiền gần 6 triệu đồng phải đóng cho con đầu năm. "Mình làm về xây dựng, lương giảm một nửa, bà xã cũng không khá khẩm hơn, trong khi các khoản thu của con đều tăng. Học phí từ 2,6 triệu lên 2,9 triệu một tháng, tiền ăn từ 36.000 đồng lên 40.000 đồng/ngày, tiền xây dựng 2 triệu...".

Vợ chồng anh Thành tính sẽ chuyển con sang học trường công hoặc một trường tư rẻ hơn nhưng lại băn khoăn vì thời điểm này trường công đã chốt danh sách, còn trường tư giá rẻ thì không biết chất lượng ra sao. "Thấy con đi học về vui vẻ, yêu trường yêu cô, bố mẹ cũng muốn cố kham, nhưng đóng một lúc hết cả tháng lương thì quá xót xa, trong khi cuộc sống gia đình còn bao khoản khác phải lo", anh Thành nói.

Không chỉ lo các khoản đóng góp đầu năm học cho con, nhiều phụ huynh còn bức xúc khi thấy nhiều khoản thu không rõ ràng, hoặc không đáng.

Cho con học một trường tiểu học tư thục ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ đầu vợ chồng chị Liên đã xác định các khoản đóng góp chắc chắn cao hơn trường công, nhưng vì trường ngay sát nhà nên anh chị cho con theo. Đầu năm học, khi nhận được thông báo gồm mười mấy món đồ dùng học tập cần mua cho con, chị Liên thấy bức xúc. Chẳng hạn, nhà trường yêu cầu học sinh phải đóng tiền để mua vở "đồng phục", bút chì "đồng phục"... in hình logo trường.

"Bé vừa được cơ quan mẹ và người thân tặng gần hai chục cuốn vở đẹp, bìa dày dặn, chất lượng rất tốt, nhưng cô giáo nói chỉ có thể làm 'vở nháp' vì phải dùng vở của trường. Rút cục bé chỉ dùng vở đó ở nhà để vẽ linh tinh, rất lãng phí. Trong khi tôi phải mua thêm 20 quyển vở của nhà trường", chị Liên bày tỏ.

Chị Tuyết, kế toán tại một công ty ở khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) bày tỏ bất bình khi trường mầm non xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên) con chị học viết phiếu thu 700 nghìn đồng, nhưng lại yêu cầu phụ huynh nộp 2 triệu đồng. 

Chị Tuyết cho biết, các khoản được liệt kê trong phiếu thu tổng cộng chỉ có 700nghìn đồng, tuy nhiên, kế toán trường lại nói phụ huynh ký vào một quyển sổ và yêu cầu nộp 2 triệu đồng, với các khoản "phụ" gồm: học phí ngày thứ bảy đóng 5 tháng là 450 nghìn đồng, tiền ủng hộ điện nước vệ sinh 10 tháng 100 nghìn đồng, tiền ủng hộ xây nhà vệ sinh 500 nghìn đồng với trẻ trái tuyến, 100 nghìn đồng với trẻ đúng tuyến, tiền đồ dùng học tập 250 nghìn đồng.

"Tôi không hiểu sao đã đóng tiền vệ sinh, điện nước rồi lại còn khoản ủng hộ điện nước, vệ sinh nữa? Còn xây nhà vệ sinh hiện đại đến đâu thì các cháu 2 tuổi như con tôi và các cháu 3 tuổi, 4 tuổi vẫn ngồi chung một cái bô trị giá 20 nghìn đồng hàng ngày, sử dụng đến khi nào bô hỏng", chị Minh bày tỏ. 

Bà Đỗ Thị Hoa, Hiệu trưởng trường mầm non Lạc Hồng xác nhận việc thu 500 nghìn tiền xây nhà vệ sinh mới từ các cháu không có hộ khẩu ở xã và 100 nghìn đồng với các cháu trong xã. Tuy nhiên, theo bà, việc này là tự nguyện, đã được sự nhất trí của ban phụ huynh trong cuộc họp và được sự cho phép của Ủy ban nhân dân xã. "Đó là khoản hỗ trợ của phụ huynh chứ chúng tôi không hề ép buộc. Do kinh phí của xã eo hẹp nên kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ trẻ để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ các con", bà nói. 

Về số tiền điện nước vệ sinh thu thêm 100 nghìn đồng mỗi năm, bà giải thích, do giá điện tăng, số tiền điện nước thu theo quy định của Sở Giáo dục (không quá 3 nghìn đồng mỗi cháu một tháng) không đủ nên mới đề nghị phụ huynh ủng hộ. 

Vương Linh
Theo Vnexpress.net
Đọc tiếp…

Chấn chỉnh lại thực đơn của học sinh bán trú TP.HCM

17:20 |
Nhằm nâng cao thể chất cho học sinh, Từ năm học 2013 - 2014, tất cả các trường tiểu học bán trú tại TP HCM sẽ áp dụng khẩu phần ăn cho học sinh theo thực đơn chống thừa cân béo phì, đảm bảo vi chất.

Thực đơn chuẩn với 40 món ăn dành cho học sinh tiểu học bán trú sẽ chính thức được áp dụng trong năm học mới này. Theo đó sẽ tập trung vào các loại rau củ quả có nhiều chất xơ, vitamin...
Rau củ quả
Rau củ quả là những loại thực phẩm sẽ được bổ sung vào bữa ăn của học sinh
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, thực đơn chuẩn nhằm cải thiện tình trạng bữa ăn chỉ cơm, món mặn và canh, đồng thời bổ sung thêm những nhóm thực phẩm có vi chất.

"Với 40 món ăn gợi ý, nhà trường sẽ căn cứ vào đó rồi xây dựng thực đơn mới nhằm mục đích vừa kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì vừa can thiệp vào tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh nhiều năm nay", bà Diệp nói.

Tại TP HCM hiện có khoảng 80% trường tiểu học tổ chức ăn bán trú, các em chủ yếu được phục vụ bữa chính trong ngày, một số trường phục vụ cả ăn sáng lẫn ăn xế. "Như vậy nếu không có thực đơn chuẩn, tình trạng dinh dưỡng của trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi các bé đã ăn hơn 50% nhu cầu năng lượng tại trường mỗi ngày", bác sĩ Diệp nói.

Khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM những năm qua cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì và thiếu vi chất của học sinh tiểu học tăng nhanh. Đơn cử tại 2 trường tiểu học ở quận 10, các bác sĩ ghi nhận đến 60% học sinh có mỡ trong máu cao hơn mức bình thường. Trong khi đó nhiều em lại thiếu các vi chất như vitamin A, kẽm, sắt...

Các khảo sát nhận định, ngoài việc ít vận động, bố mẹ chưa hiểu biết về chế độ dinh dưỡng cho con, thì thực đơn tại trường bán trú cũng góp phần không nhỏ đến tình trạng trên. Không ít trường học có thực đơn không đa dạng khiến trẻ bị ngán dẫn đến biếng ăn. Rất nhiều bữa ăn ở trường học thừa đạm nhưng lại thiếu rau cải.

Trong năm học 2013 -2014, song song với việc chấn chỉnh thực đơn bán trú, các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cũng định hướng cho ngành giáo dục nhắc nhở tình trạng kinh doanh thức ăn tại trường học. Thức ăn của căn tin cũng phải giảm thiểu những loại có nguy cơ dẫn đến tình trạng thừa cân ở trẻ.

Thiên Chương
Theo Vnexpress.net
Đọc tiếp…