Ăn bánh đa cua đất cảng Hải Phòng

09:00 |
Hải Phòng có món đặc sản nổi tiếng mà đi đâu ăn cũng không bằng. Ấy là bánh đa cua. Không hiểu tại bát bánh đa cua mặn mòi vị biển, hội tụ tinh hoa của ẩm thực đất cảng hay không mà ai cũng muốn được thưởng thức món bánh đa cua “chính hiệu” ở nơi này.

Bánh đa cua

Cách đây 3-4 năm đã thấy Hà Nội - Hải Phòng gần ghê lắm. Ra bến xe phía bắc, Lương Yên - Gia Lâm là đón ngay được xe chất lượng cao về đất cảng rồi. Sau hai tiếng ngủ ngon trên xe đã là chiều cuối tuần và phải hỏi nhau: Hôm nay ăn gì?

Hải Phòng có nhiều món ăn vặt, ra phố, vào chợ, dừng xe trong ngõ, muốn thưởng thức món gì cũng phải lựa chọn một tí, không thì đến lúc cái bụng no vẫn còn bao món muốn ăn chưa kịp thử.

Quả thật, Hải Phòng là nơi mà các quán ăn có mặt ở khắp mọi nơi. Nào là bánh đa cua bể, cua đồng, miến ngan, gà, bún chả - tôm - vịt - cá - ốc, nem thính, nem chua, nộm thịt bò khô, ốc các loại, cháo lươn - sườn - trai - cá - lòng, xôi, gà tần, bánh cuốn, bánh bột lọc, bánh giò, bánh xèo, bánh tôm, bánh đúc tàu, sam, hải sản, lẩu cua đồng... Tráng miệng thì có món nổi tiếng là trà cúc và sủi dìn...

Thành phố nhỏ thôi mà sao quán xá nhiều vô kể, lê la cả ngày ăn không biết chán, bụng lúc nào cũng thấy lưng lưng...

Nhóm bạn trên Hà Nội có cái may mắn chơi với nhiều dân thổ địa Hải Phòng, bởi thế cuối tuần nào đi “picnic ẩm thực” cũng được dắt đi ăn toàn chỗ ngon nổi tiếng được dân địa phương ưa chuộng.

Du khách đến Hải Phòng có khi cũng nghe tiếng quán này, quán kia đấy, nhưng đôi khi không nắm được lịch bán hàng, có quán bán sáng, có quán bán chiều, nên thành ra nhiều khi muốn thưởng thức được món ngon “chính hiệu” cũng đành lỡ dở, phải chọn một quán khác để khám phá cái thú ẩm thực trong chút tiếc nuối và ấm ức.

Nói đến bánh đa cua bể Hải Phòng, con phố hay được dân tình nhắc đến nhất có lẽ là phố Cầu Đất. Ở đây có món bánh đa cua bể Bà Cụ (số 179 Cầu Đất), cửa hàng sạch sẽ, khang trang, bán cả ngày. Một món ăn khá độc đáo bán kèm là nem cua bể được gói thành khối vuông vức, khá lớn, khi ăn phải dùng kéo cắt nhỏ làm 4 phần.

Quán Bà Cụ có lẽ là điểm đến phù hợp cho nhiều khách du lịch, với chi phí phải chăng mà vẫn được thưởng thức món bánh đa thanh thanh với vị cua ngon ngọt và đĩa rau ghém giòn mát.

Cũng trên phố Cầu Đất, nằm cách bánh đa Bà Cụ một đoạn có một cửa hàng bánh đa cua bể chỉ bán buổi sáng, nằm ngay đầu ngõ, gần ngã tư trại lính lại được nhiều bạn địa phương ưa thích hơn. Chẳng biết nước dùng có bí quyết gì mà lại ngọt hơn, thanh hơn. Sợi bánh đa màu vàng da bò vừa giòn, vừa dẻo. Thịt cua đỏ hồng, mỗi bát có một miếng thịt cua lớn tách từ càng cua chắc nịch, mới nhìn thôi đã thấy thèm.

Sáng chủ nhật khi chúng tôi ghé quán Hải Phòng đang mưa khá to, nước rỏ tong tong như giọt gianh qua những tấm bạt, mái ô che chắn. Cũng không hề gì, khách vẫn ghé hàng nườm nượp, nhường nhau một góc ghế khô, vừa ăn sáng vừa ngắm mưa, nhẩn nha thưởng thức bát bánh đa cua bể ngọt ngào, quen thuộc với dân địa phương mà lại quá ư hấp dẫn với mấy vị khách đến từ Hà Nội.

Một loại bánh đa cua trứ danh khác ở Hải Phòng, đó là bánh đa cua đồng. So với bánh đa cua bể thì bát bánh đa cua đồng phong phú hơn hẳn về mặt nguyên liệu. Các loại chả cá, chả tròn, chả lá lốt, tôm bỏ vỏ rang săn, thịt thăn lợn trần ăn kèm với rau muống chẻ, rau nhút, rau cần...

Thập cẩm nguyên liệu tạo ra một bát bánh đa có màu sắc rực rỡ với màu xanh của rau cỏ, màu đỏ hồng của tôm rang, thịt thăn, tảng gạch cua nâu nâu, màu trắng của giá tươi, màu vàng của bánh đa, chả cá, hành khô... Nom quá hấp dẫn và thèm thuồng.

Các quán hay được dân Hải Phòng ưa chuộng là bánh đa cua đồng trên phố Cát Dài, phố Lương Khánh Thiện (mở hàng lúc 2g chiều), 57 Cầu Đất (mở hàng lúc 5g chiều) hoặc bánh đa cô Yến (Phạm Ngũ Lão) đã rất nổi tiếng gần xa. Cùng với món cua đồng này, ở Hải Phòng còn có quán lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở phố Văn Cao, ăn một lần là lần sau chỉ muốn ghé qua ăn tiếp.

Nhóm bạn tôi vì thế nếu có việc ngang qua Hải Phòng, chiều trước khi về thế nào cũng phải tới quán này để thưởng thức nồi lẩu cua đậm đà với nhiều món ăn kèm khoái khẩu.
Đọc tiếp…

Nữ sinh đất cảng hai lần đỗ thủ khoa

20:25 |
Đỗ thủ khoa đầu vào với số điểm 29, sau 4 năm học tập nỗ lực, nữ sinh đến từ thành phố Hải Phòng - Bùi Thị Yến Hằng xuất sắc vượt qua hàng nghìn sinh viên tại trường và giành ngôi vị thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.


Yến Hằng sinh ra trong một gia đình bố làm công an, mẹ làm bác sĩ tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Từ nhỏ, học tập ở bố tính cách mạnh mẽ của người chiến sĩ công an và ở mẹ sự chăm chỉ tận tụy của người lương y, Hằng luôn phấn đấu học tập tốt để đền đáp công lao cha mẹ. 

Sau 4 năm học, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Hằng đạt được tổng số điểm là 3,84/4 (theo hệ thống tín chỉ), tương đương với 9,21 trên thang điểm 10, và trở thành thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Không chỉ xếp loại xuất sắc về học tập và rèn luyện trong các năm học ĐH, năm 2010, Hằng còn đạt giải Ba Olympic quốc gia môn Hóa học.

Nữ sinh đất cảng đỗ thủ khoa
Thủ khoa “kép” Bùi Thị Yến Hằng
Với những thành tích trong học tập và rèn luyện, ngày 3/6 vừa qua, ở độ tuổi 22, cô sinh viên đất cảng đã vinh dự được đứng vào đội ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nói về thành tích mà mình đạt được, Yến Hằng cho biết: “Trong quá trình học tập, mình luôn cố gắng và làm hết khả năng, dù kết quả học tập như thế nào thì nó cũng là công sức và sự nỗ lực của mình. Mình rất vui mừng khi trở thành thủ khoa của trường, đây chính là động lực để mình tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với Hóa học”.

Được biết, từ năm lớp 8, khi được bắt đầu được tiếp cận với môn Hóa học, Hằng đã có niềm đam mê đặc biệt với môn học này. Vậy nên, Hằng quyết định theo đuổi và gắn bó với Hóa học.

Nhờ có niềm đam mê cùng sự chăm chỉ miệt mài, cô học trò đất cảng đã thi đỗ vào lớp chuyên Hóa Trường chuyên THPT Trần Phú (Hải Phòng). Trong quá trình học tập tại đây, Hằng luôn duy trì danh hiệu học sinh giỏi. Cùng với thành tích đạt được từ các giải Hóa học quốc gia, Hằng được đặc cách tốt nghiệp THPT loại Giỏi, đồng thời được ưu tiên xét tuyển vào ĐH.

Tốt nghiệp cấp 3, để biến đam mê thành sự thực, Hằng thi vào khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 29 điểm và trở thành thủ khoa đầu vào của trường.

Bùi Thị Yến Hằng (thứ 4 từ trái qua) cùng các nữ thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, Học viện tại Hà Nội năm 2013.
"Học tập trong môi trường sư phạm với lượng kiến thức lớn cộng thêm sự thất bại của những lần thực nghiệm, nhiều lúc mình bị căng thẳng và mệt mỏi. Nhờ sự động viên kịp thời của gia đình, thầy cô, bạn bè, mình đã vượt qua hết các khó khăn đó" - Hằng tâm sự.

Ngoài việc học tập trên lớp, Hằng còn đi dạy thêm vào các buổi tối cuối tuần. Theo Hằng, dạy thêm không chỉ giúp trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày mà còn củng cố lại kiến thức và nghiệp vụ sư phạm.

Bí quyết học tập của nữ thủ khoa “kép”

Chia sẻ về bí quyết học tập đạt kết quả cao, Yến Hằng cho biết: Khi lên ĐH, với lượng kiến thức nhiều thì cần thay phải thay đổi cách học. Khác với học phổ thông, học sinh luôn được sự hướng dẫn nhiệt tình, cụ thể của các thầy cô giáo. Học ĐH, sinh viên phải chủ động và có kế hoạch rõ ràng trong việc học tập.

Chia sẻ thêm, Hằng cho biết: “Là sinh viên, ngoài việc học, mình còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường tổ chức. Mình luôn sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để khối lượng công việc không bị dồn đọng trong thời gian ngắn. Sau khi phân bổ được quỹ thời gian hợp lý, chúng ta cần tập trung cao độ cho học tập. Ngoài học tập trên lớp, nên cần tham khảo thêm các tài liệu ở ngoài để trau dồi kiến thức. Học luôn đi đối với hành thì mới có thể ứng dụng và đảm bảo sự bền vững của kiến thức”.

Mơ ước cháy bỏng từ hồi nhỏ muốn trở thành nhà nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hóa học, thời gian tới, Hằng cho biết trong tương lai sẽ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài vừa để mở rộng kiến thức và hội nhập hơn với thế giới.

Theo Dân Trí
Đọc tiếp…