Phó thủ tướng và những trọng trách mới đang chờ đợi ông Phạm Bình Minh

09:56 |
Trong kì họp quốc hội lần này, nhiều đại biếu đã đồng ý tán thành việc cần thêm phó thủ tướng để giải quyết các công việc được thuận tiện hơn. Bộ Trưởng ngoại giao ông Phạm Bình Minh được đề cử làm phó thủ tướng mới. 

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng các nhân sự cấp cao do Chính phủ trình ra Quốc hội phê chuẩn lần này gồm 2 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng nên có chương trình hành động để ĐBQH có thông tin hơn, yên tâm hơn. Là người được đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Hiện nay chưa có quy định các thành viên của Chính phủ phải báo cáo Quốc hội chương trình hành động. Nhưng việc xây dựng chương trình hành động là điều mà mỗi thành viên Chính phủ đều phải hướng tới. Nếu có quy định thì chúng tôi sẵn sàng báo cáo. Nhưng dù là ai, khi được bổ nhiệm các chức vụ đó thì đều có những kế hoạch, chương trình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, để đảm nhận tốt chức năng nhiệm vụ đó.


Vai trò của một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xem là một trọng trách vì phụ trách một lĩnh vực thể hiện hình ảnh của tầm vóc của quốc gia. Ông có nghĩ, ở vị trí đó, trọng trách của ông sẽ rất khác so với khi chỉ đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao?

Đây không phải là chức vụ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Việt Nam đã có các Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như ông Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm... Đây cũng không phải cách tổ chức mới so với thế giới, vì nếu nhìn vào các nước thì Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có rất nhiều.

Việt Nam đang tiến hành cùng lúc đàm phán 6 Hiệp định thương mại. Điều đó thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam, là mở cửa, thúc đẩy cho hoạt động trao đổi thương mại với các nước, qua đó đóng góp vào việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, buộc Việt Nam phải có những quyết định tái cơ cấu kinh tế để đáp ứng được công cuộc hội nhập đó.

Như vậy, đàm phán các hiệp định thương mại vừa đáp ứng mục tiêu phát triển của các nước, vừa phục vụ cho việc mở rộng thương mại của Việt Nam với các nước, đồng thời cũng là điều kiện cho Việt Nam có quyết tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế để có thể cạnh tranh được.
Ông có thể tiết lộ về ưu tiên trọng tâm trong nhiệm vụ của ông ở cương vị mới nếu được Quốc hội phê chuẩn, nhất là trong bối cảnh hoạt động đối ngoại rất sôi động hiện nay?

Chắc chắn đó là trọng trách cao hơn, trách nhiệm cao hơn. Điều đó cũng nhằm triển khai hoạt động đối ngoại một cách toàn diện, đồng bộ. Vì đối ngoại không chỉ là hoạt động riêng của ngành ngoại giao mà đó là nhiệm vụ của cả nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang hội nhập toàn diện theo đường lối của Đại hội Đảng XI. Điều đó có nghĩa, cả TƯ, địa phương, cả nước cùng tiến hành, vào cuộc để hội nhập. Vì thế, trách nhiệm đó không thể chỉ là của ngành ngoại giao.

Cụ thể, trong lĩnh vực ngoại giao, hiện dư luận rất quan tâm những vấn đề liên quan đến hiệp định TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Có quan điểm cho rằng đó là cách Mỹ sử dụng để cân bằng kinh tế với Trung Quốc trong khu vực?

TPP lúc đầu không phải do Mỹ đưa ra. Nó là của Singapore, Brunei, Chile đưa ra. Đó là ý tưởng để tạo một khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn. Chúng ta hiểu rằng, hiện nay các thành viên tham gia vào TPP là những nước chiếm đến 40% GDP toàn cầu, một thị trường rất rộng lớn. Vấn đề trước tiên của TPP là bảo đảm thương mại tự do, mà Việt Nam thì có những lĩnh vực có lợi thế để tham gia. Tất nhiên, cũng có rất nhiều thách thức. Mặt khác, đây là khu vực rất năng động về kinh tế nhưng cũng là khu vực quan trọng về an ninh chính trị. Các nước tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại cũng là để bảo đảm cho mục tiêu là duy trì ổn định hòa bình. TPP có cả 2 ý nghĩa đó.

Dĩ nhiên, TPP là một trong những chiến lược của Mỹ, đó là gắn kết sâu hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta rõ ràng phải thừa nhận, châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực kinh tế rất năng động, là tương lai trong thế kỷ này.

Hiện Việt Nam có 2 mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đó là Nga và Trung Quốc. Bộ trưởng có thể nói về 2 mối quan hệ đặc biệt này?

Với Liên bang Nga, Tổng thống V.Putin thăm Việt Nam lần này là chuyến thăm cấp cao đáng chú ý trong bối cảnh hai nước đưa quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012. Trong chuyến thăm này của Tổng thống V.Putin, 2 nước ký kết nhiều hiệp định nhằm tăng cường quan hệ sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, quốc phòng.

Với Trung Quốc, chúng ta cũng có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường, 2 bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đặc biệt, 2 bên đã thảo luận giải quyết những vấn đề khác biệt liên quan đến biển Đông, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận các nguyên tắc về giải quyết trên biển, có nghĩa là phải giải quyết thông qua hòa bình, thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Các bước sắp tới là phải làm sao phân định để vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, tiến đến hợp tác trên biển.

Được biết hiện nay Việt Nam - Trung Quốc đã thành lập nhóm hợp tác cùng phát triển. Điều này có ý nghĩa gì với Việt Nam?

Hiện nay Việt Nam - Trung Quốc đã phân định vùng biển trong cửa Vịnh Bắc bộ. Sau khi phân định xong thì hai bên cũng đã thỏa thuận với nhau là có những hợp tác ở những vùng chồng lấn, tức là ranh giới vắt ngang qua đường phân định để cùng nhau hợp tác phát triển. Giai đoạn hiện nay, 2 bên đang thỏa thuận với nhau để phân định ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, đồng thời cũng sẽ xem xét lại khả năng hợp tác ở những vùng có thể hợp tác được ở ngoài cửa Vịnh Bắc bộ.

Thỏa thuận các nguyên tắc về giải quyết các vấn đề trên biển năm 2011 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đưa ra 4 nguyên tắc, trong đó nói 2 bên tiến hành tiệm tiến, dần đi đến thỏa thuận để phân định các vấn đề trên biển, từng bước xem xét để cùng hợp tác phát triển trên biển. Việc lập nhóm công tác trên là để bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển. Có nghĩa, thực hiện nguyên tắc giải quyết từng bước vấn đề ở trên biển giữa 2 bên, đó là từng bước phân định và đồng thời hợp tác ở những khu vực nào có thể hợp tác được. Nguyên tắc của chúng ta là Việt Nam có chủ quyền trên vùng biển Việt Nam, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước luật pháp Quốc tế. Việt Nam chỉ hợp tác ở những vùng ngoài 200 hải lý.
Đọc tiếp…