Cuộc phẫu thuật chưa có trong tiền lệ
Đó chính là câu chuyện của bác sỹ Bùi Đình Lĩnh hiện đang công tác tại Bệnh viện Quân dân y Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Sống và công tác trên hòn đảo cách xa đất liền 56 hải lý, xa vợ, xa con lại thiếu thốn đủ bề, vị bác sỹ già tâm sự, đôi khi nhìn những chuyến tàu chở dân vào đất liền, lòng ông cũng “vụng trộm” ý định trở về quê. Nhưng lần nào cũng thế, tấm chân tình của bà con huyện đảo lại khiến lòng ông day dứt: “Ngày tôi đăng ký đi cũng chỉ nghĩ đơn giản là theo đợt cán bộ tăng cường 3 năm là trở về, ai ngờ lại gắn bó với huyện đảo đến 30 năm…”.
Bác sỹ Lĩnh khám bệnh cho người dân huyện đảo Phú Quý (Ảnh: Lao động)
Nhớ lại những ngày đầu mới nhận công tác, bác sỹ Lĩnh chia sẻ, khi ấy huyện đảo Phú Quý bốn bề chỉ là cát trắng, điện không có, đường đi lối lại vẫn còn sơ khai. Bệnh viện của huyện rộng hơn 300m2 nhưng chỉ là những căn nhà cấp 4 được ghép bằng gạch tạm bợ. Dụng cụ y tế cũng chỉ “lèo tèo” vài cái “nhiệt kế”, “ống nghe” , dụng cụ khám tai mũi họng nên thiếu thốn trăm bề.
Thậm chí, người dân huyện đảo khi ấy nhận thức còn rất hạn chế, ai có bệnh đều nhờ đến thầy cúng, làm lễ trừ tà chứ ít khi đến bệnh viện điều trị. Bà con không tin đau ruột thừa có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật mà gọi đó là biểu hiện của “cò mối bắt”. Nhiều ngư dân đi đánh cá xa bờ đã chết ngay trên ghe thuyền vì không được điều trị kịp thời. Chính vì thế, ca mổ ruột thừa của bác sỹ Lĩnh vào năm 1987 được coi là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi của cả một huyện đảo.
Bác sỹ Lĩnh kể, cho đến bây giờ ông vẫn không thể quên thời khắc “sinh tử” và giây phút căng như dây đàn trong ca mổ “chưa có trong tiền lệ ấy”: “Bệnh nhân khi ấy là người phụ nữ từ được chuyển từ xã Long Hải bị đau bụng hơn một tuần chỉ ở nhà mời thầy cúng đến chữa nhưng không khỏi. Gió bấc dữ dội, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch nhưng không thể chuyển ra bệnh viện ở Phan Thiết. Khi ấy, trong gang tấc tôi đã quyết định phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân…”.
Không có điện, ông Lĩnh dùng đèn măng xông để thắp sáng, bàn sinh được tận dụng làm bàn mổ. Các dụng cụ y tế được hấp diệt trùng thô sơ trên một bếp dầu. Tất cả mọi dụng cụ đều được vị bác sỹ này cẩn thận soạn sẵn và chuẩn bị. Ông cũng tỉ mỉ hướng dẫn từng bước một cho hai kỹ thuật viên trong “kíp mổ” cùng mình. Không có dùng cụ chuyên dụng nên bác sỹ Lĩnh chọn biện pháp gây mê tĩnh mạch. Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực cuộc phẫu thuật cũng thành công, người phụ nữ được cứu sống trong sự vui mừng, phấn khởi của cả gia đình và các y bác sỹ huyện đảo.
Một lần khác, bác sỹ Lĩnh cũng phải chữa trị cho một ca bệnh hiểm nghèo. Bệnh nhân khi ấy là một ngư dân đánh bắt xa bờ, được đưa vào bệnh viện sau 20 ngày đau bụng dữ dội. Ông kể: “Khi thực hiện ca mổ, trong bụng bệnh nhân là một ổ dịch, mủ. Ngay lập tức tôi cũng phải ra quyết định cắt khoảng 50cm ruột của bệnh nhân. Ca mổ kéo dài khoảng 5 tiếng và sau đó là hơn 10 ngày thức trắng đêm, túc trực quan sát từng biểu hiện bệnh, đồng thời liên tục phải hút mủ vệ sinh vết mổ cho đến khi bệnh nhân khỏe hẳn”. Tiếng lành đồn xa, sau nhiều lần phẫu thuật và cứu sống bệnh nhân thành công, nhiều người đã bỏ hẳn thói quen mời thầy cúng chữa bệnh, mà nhất nhất nghe theo sự chỉ dẫn và thăm khám của “bác Lĩnh”.
3 bức tâm thư và nỗi day dứt lớn nhất
Thiết bị y tế thiếu thốn nên gần như mọi chẩn đoán bệnh đều được bác sỹ Lĩnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng và kiến thức được học để chuẩn đoán. Khám “chay” mãi lại trở thành một phản xạ nghề nghiệp. Vị bác sỹ già kể, chỉ cần ai có biểu hiện gì, như thế nào ông cũng có thể chẩn đoán gần như chính xác từng loại bệnh đó. Đến nỗi, có đợt một đoàn bác sỹ đất liền vào công tác, xem hồ sơ bệnh nhân và tỷ lệ chữa trị thành công của bệnh viện cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên và thán phục.
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh trong buổi giao lưu Đại hội thi đua yêu nước lần thứ XI
Hơn 30 năm công tác, đến bây giờ nhẩm tính bác sỹ Lĩnh cũng không nhớ nổi mình đã thăm khám và điều trị cho khoảng bao nhiêu lượt bệnh nhân. Có điều với ai, vị bác sỹ ấy cũng tận tình, tận tâm như chính người thân trong gia đình. Nhiều người dân huyện đảo vẫn trìu mến gọi ông là “bố Lĩnh” hay “thầy Lĩnh” như một cách để lòng biết ơn và sự trân trọng.
Cũng chính vì tình cảm này mà 3 lần vị bác sỹ này được Sở Y Tế Bình Thuận điều chuyển công tác vào đất liền là cả 3 lần người dân viết tâm thư “giữ” bằng được bác ở lại. Lần thứ nhất là vào năm 1989, khi đó ông vừa hoàn thành hợp đồng luân chuyển công tác 3 năm ở đảo Phú Quý. Lần thứ 2, Sở có quyết định bố trí cho ông một vị trí phù hợp gần địa phương để tiện chăm sóc gia đình. Thế nhưng lời mời hấp dẫn này lại chẳng có sức nặng bằng bức tâm thư dài hơn 10 trang giấy A4 được viết tay “trình bày nguyện vọng” của bà con dân đảo.
Trong đó, nhiều trang bị nhòe đi vì nước mắt. Cuối thư là hàng hàng trăm chữ ký, ai không biết chữ cũng đóng dấu tay điểm chỉ chỉ với mong mỏi, bác sỹ Lĩnh sẽ thay đổi quyết định. Tình cảm ấy khiến ông lặng người đi vì xúc động. Nỗi day dứt, nặng lòng với bà con khiến một lần nữa khiến bác sỹ Lĩnh ra quyết định ở lại. Lần gần đây nhất là vào năm 2005, thời điểm đó ông Lĩnh được cấp trên “nhắm” vào công tác giảng dạy tại trường cao đẳng Y tế Bình Thuận nhưng cuối cùng những bức thư tới tấp của người dân đảo vẫn có sức nặng hơn cả.
Đến giờ nỗi day dứt lớn nhất của ông Lĩnh chính là chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Giọng trầm buồn, vị bác sỹ già chia sẻ, 30 năm xa nhà nhưng ông có đến 20 năm ăn tết đảo xa. Số lần về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mọi việc đối nội, đối ngoại rồi chăm sóc gia đình đều do một tay vợ ông đảm nhiệm. Đến nỗi, khi bố mẹ đẻ mất ông Lĩnh cũng chỉ biết gửi nỗi buồn thương và những giọt nước mắt ở tận phương xa mà không thể về để thực hiện đạo lý làm con.
Nhớ nhất là những đêm giao thừa xa gia đình, giọng con nhỏ “mếu máo” đòi bố về dẫn đi chơi làm lòng ông quặn thắt. Xa nhà, nên mỗi bước trưởng thành của con ông chỉ biết hình dung trong tưởng tượng: “Có lần con gái gửi thư và làm thơ cho thôi, bài thơ có những dòng chữ mà đến giờ tôi vẫn nhớ, vẫn ám ảnh và day dứt lắm:
Bố em ở xa lắm
Tận miền đảo xa xôi
Bố là bác sĩ đó
Cứu chữa cho bệnh nhân
Ngày đêm bố tất bật
Vì bệnh nhân mong chờ
Thương bố em phải cố
Học hành chăm thật chăm”…
Nghe bố nhắc lại những kỷ niệm, ngồi bên cạnh, chị Bùi Thị Tuyết Nhung cũng không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động: “Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày vắng cha bên cạnh, là nỗi nhớ bố mỏi mòn trong từng trang thư, là sự khắc khoải mong bố về từng ngày… Thương bố, nhớ bố nhưng đôi khi bố về lại nép sau cánh cửa vì lạ lẫm. Nhưng cả gia đình đều rất ủng hộ và hiểu công việc, trọng trách cao cả mà bố đang từng ngày làm, cống hiến cho xã hội…”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét