Trước những búc xúc về dư luận xã hội thì Các Bộ trưởng đã thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Nhưng lại thiếu hai nhân vật chính là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (đều đang đi công tác) để trả lời chủ đề nóng: lũ và thủy điện.
Tuy Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành 30 phút để báo cáo về những việc Chính phủ và các bộ ngành làm sau các phiên chất vấn, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng như vậy là chưa đủ.
“Chưa đủ là vì những hạn chế, yếu kém trong báo cáo còn rất sơ sài, chung chung và chưa xác định được nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể đối với những vấn đề còn hạn chế và yếu kém” - bà Tâm nói.
“Xem xét trách nhiệm bộ trưởng Bộ Công thương”
“Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện. Vậy tôi hỏi bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?” - đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bức xúc.
Cũng hướng về Nam Trung bộ, nơi “ngay giờ phút này bà con của chúng ta khốn khổ vì lũ lụt”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo chống lũ nhưng “không có giải pháp căn cơ thì các phó thủ tướng vào chỉ đạo quyết liệt rồi các phó thủ tướng ra thì lũ lại về”.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhắc lại các chất vấn của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 2, 3, 4 và lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng rằng sẽ phối hợp với các bộ ngành để ban hành chính sách hỗ trợ đồng bào nghèo tại các vùng thủy điện.
Ông Học đã gửi liên tiếp hai văn bản chất vấn về việc này, câu trả lời từ phía Bộ Công thương là “trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Bức xúc trước phúc đáp này, đại biểu Học “đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Công thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”.
Bộ trưởng Bộ Y tế “mong được Quốc hội khoan dung”
Sau hai lần Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra, có năm vị bộ trưởng đứng lên phát biểu và đáng chú ý nhất là phần trình bày khá dài của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Nói về y đức, “đặc biệt nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường”, bà Tiến thừa nhận “dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm”.
Bà nói: “Vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ đạo đức ngành y mà là mất nhân tính con người gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà là đau đớn nhất của cả ngành y. Tất cả cán bộ ngành y của chúng tôi đều cảm giác không thể tin đó là sự thật”.
Theo Bộ trưởng Tiến, một trong những nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về y đức là “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta có những mặt tích cực.
Tuy nhiên cũng có tác động tiêu cực, đó là lợi nhuận, đó là mong muốn kiếm được nhiều tiền, bất chấp và vượt quá khả năng cho phép của mình về nghề nghiệp cũng như trách nhiệm”. Về giải pháp, bộ trưởng cho biết bên cạnh việc kiên quyết xử lý sai phạm, lập các đường dây nóng để nhân dân phản ảnh thì sẽ ban hành thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp.
Cuối bài phát biểu, bà Tiến “mong các đại biểu Quốc hội và xã hội cùng giám sát, giúp đỡ chúng tôi, cũng không thể một sớm một chiều trong nền kinh tế thị trường” và “hi vọng đại biểu và nhân dân nhìn một cách khoan dung, toàn diện”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét