Trẻ em là những đối tượng rất dễ bị tác động bởi những tác nhân bên ngoài. Trong an toàn về sinh thực phẩm đặc biệt phải chú ý đến yếu tố ảnh hưởng đến trẻ em. Bởi có thể chỉ cần một biểu hiện nhỏ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.
Sau bữa cơm trưa gồm thịt gà, thịt lợn, măng tươi, mít, cháu Nguyễn Duy H (14 tuổi, Bắc Ninh) xuất hiện nhiều nốt sẩn ngứa trên da, sưng nóng môi, mắt mờ, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần…
Ngay khi thấy bé H có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài, người nhà nghĩ cháu H bị ngộ độc thực phẩm nên đã cho đến bệnh viện tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, tình trạng trẻ ngày càng nặng lên, bệnh nhi dần li bì, xuất hiện khó thở, tím tái, tụt huyết áp nên đã nhanh chóng được cấp cứu, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp và được chuyển viện ngay.
Bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch, suy thở, nghi do sốc phản vệ với thức ăn. Lập tức bệnh nhi được cấp cứu, sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy đảm bảo duy trì các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, cháu H đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tự thở có ô xy hỗ trợ, mạch và huyết áp trở lại mức tương đối bình thường. Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị tại khoa miễn dịch- dị ứng lâm sàng.
Theo BS Đỗ Thị Cẩm Thanh (BV Nhi trung ương), dị ứng thức ăn không phải là hiếm gặp, tỉ lệ mắc ngày càng tăng lên. Theo một nghiên cứu ở Mỹ thì 5,1% trẻ từ 0-17 tuổi bị dị ứng thức ăn trong năm từ 2009-2011, trong khi con số chỉ là 3,4% trong năm từ 1997-1999.Tử vong do phản vệ xảy ra khoảng 500-1.000 ca mỗi năm ở Mỹ và có đến 30% trường hợp là phản vệ do thức ăn.
Theo một nghiên cứu ở châu Âu năm 2005, có nhiều thức ăn có thể gây phản vệ, hay gặp nhất là quả bồ đào, lạc và các loại đậu chiếm hơn 30% các trường hợp. Ngoài ra các nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ em hay gặp là sữa bò, trứng, ngũ cốc, ít gặp hơn là các loại hải sản (tôm, cua, cá biển, sò, mực...). Một số chất phụ gia hoặc phẩm màu như hàn the, bột ngọt cũng có thể gây dị ứng cho trẻ.
Vì thế, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như mẩn ngứa, chóng mặt, buồn nôn, khó thở ... sau khi ăn uống (đặc biệt với thức ăn lạ, các thức ăn dễ gây dị ứng) cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và cứu chữa kịp thời. Khi cho con ăn những thực phẩm mới, cần cho ăn ít một, theo dõi xem trẻ có dấu hiệu dị ứng hay không rồi mới cho ăn tăng dần, đề phòng dị ứng với thức ăn mới.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét