Thời gian còn lại quá ngắn, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở in hóa đơn chắc chắn sẽ "trở tay không kịp". Điều gì sẽ xảy ra nếu vào ngày 1/1/2011, doanh nghiệp chưa thể tự in hoặc đặt in được hóa đơn và cơ quan quản lý thuế kiên quyết không bán hóa đơn cho các doanh nghiệp nữa?Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội - Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, phân tích những vấn đề cần phải làm rõ trước khi nghị định chính thức có hiệu lực.
Quý độc giả là doanh nghiệp còn thắc mắc gì xung quanh chuyện tự in hóa đơn, xin gửi email về
hotline@vnr500.vn để Diễn đàn VNR500 chuyển tới cơ quan quản lý Thuế giải đáp.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đây là một trong những kết quả rõ ràng nhất của Chương trình cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30.
Việc quản lý hóa đơn từ lâu đã là lĩnh vực rất phức tạp trong quản lý với những thủ tục nhiêu khê, phiền hà, gây khó khăn, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc của các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, trong các cơ quan quản lý thuế, bộ phận quản lý ấn chỉ cũng ngày càng "phình ra to hơn". Song, tình trạng gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn, việc mua bán hóa đơn... vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Vì vậy, giao quyền và trách nhiệm cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng hóa đơn phục vụ kinh doanh là xu hướng hoàn toàn cần thiết. Tại hội thảo góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính do VCCI tổ chức ngày 19/8, các ý kiến đều hoan nghênh cải cách rất thiết thực nêu trên.
Tuy nhiên, "vạn sự khởi đầu nan" - chuyển từ việc quản lý chặt chẽ của cơ quan thuế sang việc các doanh nghiệp tự quyết định trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng hóa đơn... cũng đặt ra không ít những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết, với một lộ trình hợp lý cả với cơ quan quản lý thuế và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Trước hết, Nghị định 51 ban hành ngày 14-5-2010 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011. Nhưng cho đến nay, cuối tháng 8, thông tư hướng dẫn vẫn chưa được ban hành là quá chậm.
Thời gian còn lại quá ngắn, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở in hóa đơn chắc chắn sẽ "trở tay không kịp". Điều gì sẽ xảy ra nếu vào ngày 1/1/2011, doanh nghiệp chưa thể tự in hoặc đặt in được hóa đơn và cơ quan quản lý thuế kiên quyết không bán hóa đơn cho các doanh nghiệp nữa?
Thứ hai, khi đặt in hóa đơn thì những nội dung gì bắt buộc phải in sẵn?
Khoản 1 điều 4 của Dự thảo Thông tư quy định về "Nội dung bắt buộc trên hóa đơn". Những quy định trong Dự thảo Thông tư nếu là bắt buộc khi phát hành thì hợp lý, nhưng nếu là bắt buộc khi đặt in thì không hợp lý. Bởi lẽ, khi đặt in, chưa thể có các thông tin cụ thể như: tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ...
Trong khi đó, khoản 1 điều 8 của Dự thảo Thông tư lại quy định: "Hóa đơn đặt in được in ra dưới dạng mẫu in sẵn có nội dung theo hướng dẫn tại khoản 1 điều 4 thông tư này". Đó là quy định không có tính khả thi, các doanh nghiệp sẽ không thể đặt in hóa đơn được vì không thể cung cấp được những thông tin chưa có.
Thứ ba, một vấn đề không kém phần quan trọng đối với các thông tin bắt buộc phải có khi đặt in hóa đơn là "địa chỉ của người bán". Nếu bắt buộc phải in địa chỉ của người bán vào hóa đơn ngay khi in chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều hóa đơn bị hủy bỏ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và phức tạp cho quản lý. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang phải thuê trụ sở làm việc. Những doanh nghiệp này thường phải di chuyển rất bất ngờ do chủ nhà cho thuê chấm dứt hợp đồng hoặc vì những lý do khách quan khác.
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cho phép chỉ in tên, mã số thuế của doanh nghiệp, còn địa chỉ doanh nghiệp sẽ khắc dấu và đóng vào hóa đơn hoặc in từ máy tính khi phát hành. Như vậy, doanh nghiệp có thể đặt in với số lượng lớn và sử dụng được ngay cả khi có thay đổi địa chỉ trụ sở.
Thứ tư, tiết 2.1 và 2.2 của khoản 2 điều 4 Dự thảo Thông tư quy định: "Ngoài nội dung bắt buộc theo hướng dẫn tại khoản 1 điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo logo, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo; Kích cỡ chữ của các thông tin tạo thêm phải nhỏ hơn kích cỡ chữ nhỏ nhất của các nội dung bắt buộc". Quy định nêu trên cho thấy, tiết 2.1 là mở và tiết 2.2 là đóng và đánh đố doanh nghiệp. Bởi lẽ, chẳng hạn, cỡ chữ nhỏ nhất của nội dung bắt buộc là 12, thì logo của doanh nghiệp sao có thể nhỏ hơn?
Thứ năm, tiết 1.1, khoản 1 điều 6 Dự thảo Thông tư quy định về đối tượng được tạo hóa đơn tự in kể từ khi có mã số thuế gồm: a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; b) Các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; c) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỉ đồng trở lên.
Chúng tôi đề nghị xem lại tính hợp lý của quy định: "Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỉ đồng trở lên" bởi vì:
- Không có tài liệu nào chứng minh rằng, vốn điều lệ của doanh nghiệp càng cao thì doanh nghiệp càng phát hành nhiều hóa đơn. Trên thực tế lại có rất nhiều trường hợp đang chứng minh ngược lại. Một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm có vốn điều lệ 5 tỉ đồng, một tháng sử dụng tới 5 quyển hóa đơn bằng 250 số; trong khi một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, một năm chỉ sử dụng chưa hết 50 số hóa đơn.
- Quy định có số vốn 10 tỉ đồng trở lên mới được tự in hóa đơn là một điều kiện kinh doanh. Số vốn điều lệ thể hiện quy mô của doanh nghiệp. Song, Luật Doanh nghiệp không có điều khoản nào quy định quy mô doanh nghiệp là điều kiện kinh doanh. Do đó, quy định điều kiện kinh doanh như trên là không có cơ sở pháp lý;
- Với quy định "mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán" thì câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để xác nhận được đó là số vốn "đã được hạch toán kế toán"? Bởi lẽ, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đều chưa bắt buộc phải kiểm toán. Các cán bộ thuế có đủ khả năng và thời gian để kiểm tra điều đó không? Điều gì sẽ xảy ra khi phải tổ chức việc kiểm tra xác minh chỉ tiêu đó để cho doanh nghiệp được tự in hóa đơn?
Từ những lý do trên, đề nghị bỏ điều kiện về mức vốn điều lệ như dự thảo.
Thứ sáu, tiết 1.2, khoản 2 điều 6 Dự thảo quy định: "1.2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ các trường hợp nêu tại điểm 1.1 được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, dịch vụ nếu có đủ các điều kiện sau:
- Đã được cấp mã số thuế;
- Có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;
- Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ;
- Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hóa đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh...".
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều tập trung đề nghị làm rõ: Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ là hệ thống bao gồm những thiết bị gì? Có cần những điều kiện gì khi trang bị không? Phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hóa đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh là phần mềm kế toán nào? Thủ tục xác nhận phần mềm đó đạt tiêu chuẩn như thế nào? Liệu có phát sinh những vấn đề gì đằng sau việc lựa chọn phần mềm này?
Thứ bảy, tiết 2.2 khoản 2 điều 8 Dự thảo Thông tư quy định: "2.2. Cục Thuế đặt in hóa đơn để cơ quan thuế bán cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương".
Đề nghị làm rõ hơn khái niệm: Các tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh? Bởi lẽ, ở nước ta hiện nay có rất nhiều tổ chức kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại kinh doanh với quy mô lớn. Chẳng hạn, các đơn vị thuộc Liên minh các HTX Việt Nam với 360.000 tổ hợp tác, 18.244 HTX, 53 Liên hiệp HTX; các tổ chức khoa học công nghệ, các cơ sở kinh doanh nhưng được gọi là "Cơ sở ngoài công lập"...
Nếu những tổ chức này được Cục Thuế đặt in hóa đơn và bán cho cơ sở, còn các doanh nghiệp siêu nhỏ, thành lập theo Luật Doanh nghiệp lại phải đặt in hóa đơn liệu có là công bằng? Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng hóa đơn không nhiều sẽ xin mua hóa đơn do Cục Thuế bán, chấp nhận mất thời gian và chi phí vì như vậy vẫn có hiệu quả hơn khi phải đầu tư máy móc, thiết bị, phần mềm... để in hóa đơn. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét lại vấn đề này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét